“Với 1 khu vực dày đặc di sản như vậy, tôi thấy rằng tiềm năng du lịch của Bắc miền Trung là rất lớn. Tôi cho rằng ý tưởng kết nối các di sản để hình thành sản phẩm Hành trình Di sản miền Trung đó là ý tưởng tuyệt vời. Và càng ngày ý tưởng này càng được bồi đắp mở rộng, định vị tốt, rõ nét hơn”.
Đó là nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn về Hành trình Di sản miền Trung.
Một hành trình với nhiều trải nghiệm
Bắt đầu khai thác từ 2004, sản phẩm Hành trình Di sản miền Trung là ý tưởng của Đà Nẵng và Công ty Du lịch Việt Nam (Vitours). Được biết, doanh thu của riêng sản phẩm này tại Vitours là 20 tỷ đồng/năm. Mở rộng ra, Hành trình Di sản miền Trung là sản phẩm không thể thiếu trong danh sách tour tuyến của tất cả các công ty du lịch. Với nhiều khách du lịch phương Tây, đặc biệt là châu Âu, chưa tới Hội An coi như chưa tới Việt Nam. Đáng chú ý, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường khách “mua” sản phẩm này nhiều nhất.
Nếu như cách đây 11 năm, Hành trình Di sản miền Trung còn rất thô sơ, thì hiện nay sản phẩm này đã tăng dần lên về cả số lượng điểm đến tới chất lượng dịch vụ. Không chỉ gói gọn trong 3 địa phương Đà Nẵng – Quảng Nam – Huế mà đã mở rộng ra Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa.
Du khách cũng có nhiều sự lựa chọn phong phú hơn ngoài các di sản văn hóa thế giới như Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Quần thể di tích Cố đô Huế mà còn các di sản thiên nhiên thế giới như quần thể hang động của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, mới đây nhất là di sản Thành nhà Hồ.
Không chỉ có các di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, Hành trình Di sản miền Trung gần đây được bổ sung thêm các điểm tham quan mới, nổi tiếng và khách có nhu cầu nhiều như nghĩa trang Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Khu du lịch Bà Nà, động Thiên Đường và mới nhất là hang Sơn Đoòng, sông Chày-hang Tối… Đây cũng là những điểm tham quan mà khách du lịch trong nước đến rất đông. Trong đó, Hội An và Sơn Đoòng là 2 điểm đến đặc sắc, nổi bật nhất của Hành trình Di sản miền Trung và được du khách quốc tế yêu thích nhất, nhì tại Việt Nam hiện nay.
Với một hành trình di sản khác biệt, đa dạng và nổi bật khi kết nối từ thành nhà Hồ Thanh Hóa tới Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) đến Huế, Phố cổ Hội An (Quảng Nam) và Đà Nẵng, du khách có những trải nghiệm rất phong phú về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc tới nghỉ dưỡng, khám phá. Một hành trình với nhiều trải nghiệm như vậy không phải khu vực nào cũng có.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay: “Rất mừng là gần đây việc khai thác phát triển du lịch của khu vực này có những chuyển biến rất tích cực. Đó là một số địa phương đang tiến hành khai thác tốt những di sản này và trở thành động lực cho sự phát triển như Đà Nẵng, Quảng Nam. Đặc biệt, những nhận xét của các tổ chức quốc tế, các trang mạng, tờ báo lớn về những điểm đến gắn với di sản như Hội An, Đà Nẵng rất tích cực và đó chính là thành quả của sự nỗ lực của lãnh đạo địa phương cũng như những doanh nghiệp lữ hành đã nỗ lực đầu tư, xây dựng và quảng bá cho hành trình”.
Thêm vào đó, sau 11 năm khai thác, Hành trình Di sản miền Trung đã phong phú hấp dẫn, đa dạng và đẳng cấp hơn rất nhiều lần. Ngoài việc bổ sung điểm đến, Hành trình Di sản miền Trung cũng được bổ sung, nâng cấp chất lượng dịch vụ cao cấp hơn, với nhà hàng khách sạn 3 sao và 4 sao cho thị trường khách nội địa. Rất nhiều khách sạn, resort cao cấp 5 sao được xây dựng tại các khu nghỉ dưỡng ven biển đạt đẳng cấp thế giới như Hồ Tràm Beach Resort, Intercontineltal Đà Nẵng…
Các hãng lữ hành cũng liên tục làm mới, đa dạng thêm các sản phẩm để khách có nhiều sự lựa chọn ngoài chương trình hành trình di sản như Thiên đường miền trung, Kỳ thú thu đông (sản phẩm cao cấp, nghỉ dưỡng) hoặc những tour khám phá trải nghiệm riêng biệt từng điểm đến. Với mỗi đối tượng khách, từng thị trường sẽ có những sản phẩm đặc thù được xây dựng riêng để phù hợp với yêu cầu và sở thích.
Đổi thay ở nhiều điểm đến
Với Hành trình Di sản miền Trung sự phát triển của du lịch dịch vụ đã khiến đời sống kinh tế-xã hội của 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã có nhiều thay đổi ngoạn mục.
Thực tế chứng minh, phát triển dịch vụ mà trọng tâm là phát triển du lịch đã tạo được nguồn lực đóng góp đáng kể vào tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước của Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế…
Tính cả năm 2014, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt 2.906.755 lượt (tăng 11,8% so với cùng kỳ). Tổng doanh thu ước đạt 2.707,847 tỷ đồng (tăng 14,41% so với cùng kỳ).
Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 3,8 triệu lượt, tăng 21,9% so với năm 2013. Tổng thu du lịch ước đạt 9.740 tỷ đồng, tăng 25,1%. Trong năm, đã có hơn 74.000 lượt khách đến Đà Nẵng qua đường tàu biển. Về quy hoạch đầu tư phát triển du lịch, đã có hơn 70 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 171.000 tỷ đồng; trong đó, có 15 dự án ngoài nước với tổng vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng; 56 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 136.000 tỷ đồng.
Còn tại Quảng Bình, năm 2014, đã đón trên 2.700.000 lượt khách du lịch, tăng 129% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt trên 43.200 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt gần 2.750 tỷ đồng, tăng 129% so với cùng kỳ.
Không chỉ mang lại doanh thu, du lịch-dịch vụ phát triển mạnh thúc đẩy nhiều ngành nghề khác phát triển, như nhà hàng, khách sạn, giải trí, mua sắm, bưu chính – viễn thông, Internet, vận tải, nhất là vận tải hàng không… Không chỉ vậy, nhu cầu du khách về sản phẩm thủ công, mỹ nghệ truyền thống đã tạo cơ hội khôi phục và phát triển các làng nghề (mộc mỹ nghệ, đúc đồng, kim hoàn, đan lát, thêu…), đồng thời cộng đồng dân cư tham gia nhiều hơn, chủ động trong đầu tư, khai thác các sản phẩm, tua, tuyến du lịch độc đáo.
Đây cũng chính là kỳ vọng của những địa phương mới bắt đầu khai thác di sản làm du lịch trên Hành trình Di sản miền Trung như Thanh Hóa, Quảng Bình…
Nguyệt Hà
Nguồn: chinhphu.vn
Comments