“Đó là một hang đặc biệt mà trên thế giới chưa hề có. Thạch nhũ ở đây mọc từ dưới nước mọc lên như những búp măng, tạo thành một khu vườn địa đàng với hàng ngàn búp măng, nó rất đẹp và cũng rất dễ vỡ”, ông Howard Limbert, chuyên gia hang động của Hiệp hội Hoàng gia Anh nói như vậy về hang Va trước lúc chúng tôi chuẩn bị lên đường khảo sát tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Giữa cái nắng như chảo lửa, chúng tôi theo chân đoàn khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình tiến hành khảo sát thực tế hang Va. Như mọi khi, hỗ trợ đoàn vẫn là những chuyên gia hàng đầu của Hội hang động Hoàng gia Anh, ngoài Howard Limbert và bà Deb Limbert còn có John chuyên gia về an toàn cứu hộ và bà Ruth cũng là chuyên gia hàng đầu về hang động, cùng với Công ty Lữ hành quốc tế Oxalis và Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Từ km thứ 28 của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoàn chúng tôi bắt đầu chặng đường đi bộ luồn rừng, vượt suối. Điểm đến đầu tiên là hang Nước Nứt nằm dọc theo con suối cạn trơ toàn đá, sỏi. Tuy vậy những mạch ngầm vẫn len lõi đâu đó dưới những khe nứt của núi đá, dấu vết của dòng suối biến mất ngay cửa hang. Phía trong hang là những dòng sông ngầm vẫn miệt mài chảy. Đoàn khảo sát tranh thủ tham quan hang Nước Nứt trong khoảng 1 giờ đồng hồ rồi nghĩ ăn trưa, bữa ăn chỉ có đồ ăn nguội và hoa quả nhưng được tính toán để đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho những thành viên trong đoàn có sức để chinh phục đoạn đường tiếp theo.
Từ hang Nước Nứt đến hang Va chỉ khoảng hơn 1km, nhưng đoạn đường này đầy đá tai mèo lởm chởm và sắc nhọn đến ghê người. Đoàn khảo sát phải vượt qua một ngọn núi cao với độ dốc khá lớn. Chúng tôi phải mất gần 2 giờ đồng hồ mới đến được bãi cắm trại trước cửa hang. Hang Va nằm trong một thung lũng nhỏ, bao quanh bốn phía là những vách núi cao, thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi chỉ có Hồ Khanh mới tìm ra kiệt tác hang động này.
Do vừa đi vừa nghĩ dưỡng sức, lại không quen địa hình nên khi đến được cửa hang Va thì trời cũng đã ngã dần về chiều. Nhằm đảm bảo an toàn, Howard quyết định để mọi người nghĩ ngơi, ăn cơm tối. Đội poter của công ty Oxalis đã đến đây từ trước, khi chúng tôi đang mãi khảo sát hang Nước Nứt. Những lều ngủ được dựng ngay ngắn, đầu bếp cũng đang chuẩn bị bữa tối với những món ăn nóng hổi. Chúng tôi tranh thủ lấy thêm nước từ máy lọc nước mini. Sau bữa cơm tối hình như ai cũng thấm mệt sau gần một ngày leo trèo nên đều tranh thủ đi ngủ sớm, dành sức cho những thử thách ngày mai. Đêm giữa thung lũng nhỏ khá nóng, gió không thể với tới vì những vách núi bao quanh. Chỉ còn tiếng những loài vật ăn đêm, thỉnh thoảng có chú chim bay lạc cất tiếng gọi bầy vang cả thung lũng, tôi trằn trọc mãi mới ngủ được…
Sáng hôm sau, khi ánh bình minh chiếu sáng, sau bữa sáng, mọi người được yêu cầu kiểm tra lại đèn và giày để bắt đầu vào hang Va.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tất cả thành viên, đích thân bà Deb đi trước dẫn đường. Cửa vào của hang Va khá nhỏ, nằm sâu cách mặt đất chừng hơn 20m, những tảng đá đầy rêu, trơn trượt luôn là mối nguy hiểm cho những ai sơ ý, chỉ cần đặt chân không đúng vị trí để xuống hay đi không đúng hướng dẫn là rất dễ xẫy ra nguy hiểm đến tính mạng, chính vì vậy chúng tôi liên tục được bà Deb yêu cầu đi theo dấu chân của bà. Bà Ruth đi cuối cùng, để đảm bảo không ai bị bỏ lại quá xa. Hôm qua trong lúc chờ đến bữa cơm tối, chúng tôi đã tranh thủ trò chuyện với Deb và Ruth để tìm hiểu qua về hang Va. Họ cho biết, hang Va chỉ dài 1,7km, rộng hơn 100m, rất gần Sơn Đoòng, nhưng thạch nhũ trong đó tráng lệ và rất kỳ lạ. Nó là một hang có con sông ngầm chảy vào, thạch nhũ xếp từng hàng kiểu quân cờ, chúng mọc hình búp măng rất ngoạn mục mà đoàn thám hiểm chưa bao giờ nhìn thấy. Những nhà thám hiểm đã đi hết các ngóc nghách của hang Va để rồi đưa ra đánh giá, nó là hang động có lượng thạch nhũ dày đặc và đẹp khó tả. Một kiểu cách “sáng tạo” không giới hạn của tự nhiên về thể dáng hình học.
Dọc theo con sông chảy ngầm trong hang Va là muôn kiểu thạch nhủ, những khối nhủ đồ sộ được hình thành theo năm tháng. Có những đoạn hang rộng như những khán phòng cao đến 30- 40m, có những đoạn chúng tôi phải bò cả người mới trườn qua, có những chổ thì phải khó khăn lắm mới lách sang được.
Gần cuối, Hang Va chia thành hai nhánh, một nhánh có sông ngầm bên dưới, còn một nhánh phải dùng các thiết bị dây đai an toàn chúng tôi mới tiếp cận được. Nhánh hang này là một tuyệt phẩm của tạo hóa với hàng trăm khối thạch nhủ hình búp măng mọc tràn ra khắp nền hang, Howard đã rất cẩn thận khi cắm những cọc tiêu bé xíu có gắn sợi dây nơ làm dấu cho chúng tôi theo đó mà bước đi. Bà Deb nói rằng lúc đưa vào khai thác chính thức chắn chắn sẽ phải có phương án làm cầu gỗ, không rộng lớn như ở động Thiên Đường vì thạch nhủ ở đây nhiều và rất đặc biệt, số người tham gia tour cũng phải giới hạn như tour Sơn Đoòng nếu không muốn nó nhanh bị xuống cấp. Trước mắt chúng tôi cả một thế giới kỳ lạ của thiên nhiên, tôi như lạc vào một thế giới khác, cứ nhìn mãi chẳng biết dùng ngôn từ gì để miêu tả, các thành viên trong đoàn hình như cũng cùng chung tâm trạng giống tôi nên không ai muốn nói câu gì, chỉ lặng lẽ cố gắng bước nhẹ nhàng nhất có thể trên trầm tích trăm triệu năm của tạo hóa.
Những chuyên gia hang động cho rằng: “Không nghi ngờ gì nữa, hang Va là một tuyệt tác của trí tuệ thiên nhiên”. Mẹ thiên nhiên đã ban tặng thêm cho mảnh đất Quảng Bình một “báu vật” cần gìn giữ một cách chu đáo và khôn ngoan.
Ở hang Va, dòng sông ngầm chảy len lỏi trong các khe nứt giúp kiến tạo nên những hình thể lạ kỳ. Đoạn cuối của nó là nơi thiên nhiên thỏa sức sáng tạo khi sự kết hợp của gió, nước, canxi đã hình thành nên những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp. Những chiếc hồ tĩnh lặng treo lơ lững giữa lưng chừng trời. Đặc biệt là những “vườn” thạch nhủ mọc lên từ nền hang. Howard Limbert đã gửi bức hình chụp một nhánh của hang Va với hệ thạch nhủ kỳ lạ cho một báo để nhờ bạn đọc đặt tên. Một “hội đồng” chấm thi được thành lập với bốn chuyên gia hàng đầu về hang động cùng với một phiên dịch đã làm việc nghiêm túc trong nhiều ngày liền để tìm ra cái tên phù hợp, ngắn gọn nhưng diễn tả đầy đủ ý nghĩa của nhánh hang này. Và cái tên “Thạch Thủy” đã được chọn.
Khi được hỏi tại sao lại chọn tên Thạch Thủy, Howard Limbert – trưởng đoàn thám hiểm Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh cho biết “Đa số chúng tôi thích tên “Thạch Thủy” (đá – măng đá trong nước – water stalagmite) vì tên này mô tả chính xác những hình khối có thể nói rất độc đáo trong nhánh này của hang Va. Yếu tố nước ở đây rất đặc biệt. Những măng đá rõ ràng được hình thành bởi quá trình vận chuyển của dòng nước, và bởi những măng đá đó đang “sống” trong nước, phát triển từ dưới hồ nước lên chứ không phải hình thành nhờ dòng nước nhỏ từ trên cao xuống (quan sát không thấy dấu vết nào như vậy) như thông thường ở các hang động khác. Do đó chúng tôi thấy tên này thích hợp nhất”. Howard Limbert cũng cho biết thêm, ông đã gửi hình ảnh nhánh hang Thạch Thủy trong hang Va tới các nhà khoa học Anh để họ nghiên cứu xem làm thế nào có được những măng đá độc đáo này.
Theo Xuân Thi – Xuân Hoàng
Ảnh: Ryan Deboodt
daidoanket.vn
Comments