Nằm giữa núi rừng hoang sơ của Trường Sơn hùng vĩ, tiềm ẩn trong những khối núi đá vôi to lớn ở Phong Nha – Kẻ Bàng là hàng trăm hang động tuyệt đẹp đã mê hoặc những ai muốn khám phá hang động, nghiên cứu địa mạo, địa chất, đa dạng sinh học… Tiến sĩ Howard Limbert, trưởng đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh từng nói: “Chúng tôi tin chắc rằng, chúng tôi sẽ khám phá thêm được nhiều hang động mới, đưa về cho địa phương những tài sản danh giá của khoa học địa mạo địa chất mà không nơi nào có được”.
Và đúng như những gì mong đợi, sau chuyến thám hiểm gần đây nhất trở về, họ đã công bố tìm ra hơn 20 hang động mới tuyệt đẹp, trong đó công sức lớn nhất vẫn thuộc về Hồ Khanh, người đàn ông hiền lành ở Sơn Trạch – “người dẫn đường số 1”, người phát hiện ra hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng.
Những hang động này đều được đánh giá là đẹp lộng lẫy, măng đá, nhũ đá được tạo thành bởi các kết tinh của trầm tích đá vôi và thời gian hàng chục triệu đến hàng trăm triệu năm đã mài dũa thành những tác phẩm điêu khắc nhũ đá kỳ vĩ nhất mà “chúng tôi khó có thể tìm ra ở đâu”, Howard Limbert – trưởng đoàn phát biểu. Đặc biệt là hang Va, đoàn thám hiểm cho biết, chỉ dài 1,7km, rộng hơn 100m, rất gần Sơn Đoòng nhưng thạch nhũ trong đó tráng lệ và rất kỳ lạ. Nó là một hang có con sông ngầm chảy vào, thạch nhũ xếp từng hàng kiểu quân cờ, mọc hình búp măng rất ngoạn mục mà đoàn thám hiểm chưa bao giờ nhìn thấy. Những nhà thám hiểm đã đi hết các ngóc nghách của hang Va để rồi đưa ra đánh giá, đây là hang động có lượng thạch nhũ dày đặc và đẹp khó tả, một kiểu cách “sáng tạo” không giới hạn của tự nhiên về thể dáng hình học. Hang Va nằm trong vùng lõi, nơi chưa có dấu chân người đặt đến, chỉ có người hay tìm kiếm hang động như Hồ Khanh với các kinh nghiệm của mình, anh mới tìm ra kiệt tác hang động này. Hồ Khanh cho biết: “Đây là một hang tuyệt đẹp, khi các chuyên gia vào chụp ảnh, họ đã rất bất ngờ. Sự mê hồn ở đây là các cột thạch nhũ được hình thành muôn hình và cao vút, lộng lẫy, chúng có vô số cấu trúc kỳ lạ mà chưa có hang động nào có. Những nhà thám hiểm nói: “Không nghi ngờ gì nữa, hang Va là tuyệt tác của trí tuệ thiên nhiên”. Mẹ thiên nhiên đã ban tặng thêm cho mảnh đất nhỏ bé Quảng Bình một “báu vật” cần gìn giữ chu đáo và khai thác khôn ngoan.
Ở hang Va, dòng sông ngầm chảy len lỏi trong các khe nứt giúp kiến tạo nên những hình thể lạ kỳ, có những đoạn hang như những khán phòng rộng lớn với trần hang cao 30-40 m nhưng cũng có những đoạn chỉ đủ vừa cho một người khó khăn lắm mới lách sang được. Đoạn cuối của hang là nơi thiên nhiên thỏa sức sáng tạo khi sự kết hợp của gió, nước, canxi đã hình thành nên những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp, những chiếc hồ tĩnh lặng treo lơ lững giữa lưng chừng trời. Đặc biệt là những “vườn” thạch nhũ mọc lên từ nền hang. Howard Limbert đã gửi bức hình chụp một nhánh của hang Va với hệ thạch nhũ kỳ lạ cho Báo Tuổi Trẻ để nhờ bạn đọc đặt tên. Một “hội đồng” chấm thi được thành lập với bốn chuyên gia hàng đầu về hang động cùng một phiên dịch đã làm việc nghiêm túc trong nhiều ngày liền để tìm ra cái tên phù hợp, ngắn gọn nhưng diễn tả đầy đủ ý nghĩa của nhánh hang này. Và cái tên “Thạch Thủy” đã được chọn. Khi được hỏi tại sao lại chọn tên Thạch Thủy trong khi đó không phải là phương án chiếm số đông. Có những gợi ý rất thú vị, ví dụ như “hang Bạch Đằng” vì những măng đá mọc từ nước trong hang mới này gợi nhớ những câu chuyện lịch sử Việt Nam (bãi cọc trên sông Bạch Đằng giúp Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán)? Howard Limbert cho biết mỗi người chúng tôi đều có lựa chọn riêng nhưng tên nào được đa số ủng hộ sẽ chiến thắng. Chúng tôi không thích những cái tên mang tính hư cấu hay gắn với yếu tố lịch sử mà chọn tên mô tả đúng với bản chất sự vật. Đa số chúng tôi thích tên “Thạch Thủy” (đá – măng đá trong nước – water stalagmite) vì tên này mô tả chính xác những hình khối có thể nói rất độc đáo trong nhánh này của hang Va.
Yếu tố nước ở đây rất đặc biệt. Những măng đá rõ ràng được hình thành bởi quá trình vận chuyển của dòng nước và bởi những măng đá đó đang “sống” trong nước, phát triển từ dưới hồ nước lên chứ không phải hình thành nhờ dòng nước nhỏ từ trên cao xuống (quan sát không thấy dấu vết nào như vậy) như thông thường ở các hang động khác. Do đó chúng tôi thấy tên này thích hợp nhất.
Howard Limbert cũng cho biết, ông đã gửi hình ảnh nhánh Thạch Thủy trong hang Va tới các nhà khoa học Anh để họ nghiên cứu xem làm thế nào có được những măng đá độc đáo này. Còn hiện tại ông và các thành viên trong đoàn thám hiểm đang lên kế hoạch cho chuyến thám hiểm tiếp theo.
Vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý đưa vào khai thác chính thức tuyến du lịch hang Va – hang Nước Nứt. Chắc chắn hang Va và nhánh hang Thạch Thủy sẽ là điểm đến hấp dẫn nữa của Phong Nha – Kẻ Bàng nói riêng và du lịch Quảng Bình nói chung.
Bùi Xuân Hoàng (Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Bình)
Comments