Chắt chắt – Đặc sản sông Gianh


Nhắc tới đặc sản Quảng Bình nói chung và đặc sản sông Gianh nói riêng chắc hẳn nhiều người dân Quảng Bình sẽ nghĩ đến “chắt chắt”. Khúc sông Gianh chạy qua xã Phù Hoá, Quảng Trạch, Quảng Bình dài chừng bốn cây số. Đây là vùng giao thoa giữa nước lợ và nước ngọt. Vùng giao thoa này sinh ra một loài hến bé nhỏ, dân gian gọi là chắt chắt.
Hằng năm, vào cuối tháng Hai đầu tháng Ba âm lịch, sau một cơn mưa giông, nước ngọt đầu nguồn sông đổ về đây, gặp làn nước lợ từ dưới cửa biển dâng lên. Khí trời se lạnh, không gian khoáng đạt, hai làn nước trai tráng và nữ nhi ấy chảy oà vào nhau, tan trong nhau, nồng nhiệt trong nhau như một cuộc hoan lạc vĩ đại của sông nước, để rồi sinh ra hàng triệu hàng triệu triệu con chắt chắt nhỏ li ti.

chắt chắt
Chắt chắt – Đặc sản sông Gianh

Chuyện ấy kể như huyền thoại nhưng là cách để người dân Phù Hoá giải thích về sự ra đời của nghề xúc chắt chắt làng mình.

Món ăn nổi tiếng – “chắt chắt với bánh tráng”

Người dân Phù Hoá còn nghèo lắm và nghề cào chắt chắt như một “cứu cánh”. Mùa chắt chắt nhiều nhất là từ tháng Ba đến tháng Tám, nay người Phù Hoá tận dụng cào đến cả tháng 10, 11 âm lịch. Sang mùa giá rét, chắt chắt càng ít đi, hơn nữa mùa này có cào được cũng ít người ăn. Làm nghề này, người ta chỉ sắm chiếc cào, đến mùa trầm mình xuống bờ cát ven sông xúc chắt chắt lẫn trong cát, rồi sàng cát xuống sông, lọc chắt chắt bỏ vào bao mang theo.

Người cào giỏi, ngày kiếm được vài chục lon, đem bán được vài chục ngàn đồng, vậy mà tất cả chi tiêu của gia đình đều từ đó mà ra. Bởi vậy, ở Phù Hoá có gia đình đi cào đủ cả cha mẹ, con cái để kiếm được nhiều chắt chắt, mong đắp đổi hàng ngày. Nhưng cũng thật lạ! Làng Phù Hoá từ xưa đến nay lại được xem là đất học của tỉnh Quảng Bình.

Làng là nơi sinh ra danh nhân văn hoá Nguyễn Hàm Ninh, thầy dạy học của Vua Tự Đức. Làng Phù Hoá bây giờ tính ra có hàng trăm người có học vị tiến sĩ, cử nhân… và hàng chục em vào đại học mỗi năm. Người già ở Phù Hoá thường cắt nghĩa: “Làm nghề này mới biết chịu thương chịu khó để nên người, biết đem cho người cái ngọt ngào còn nhận về mình cay đắng nhọc nhằn. Biết ăn, biết ở, trời cho lại”.

Khúc sông Gianh chạy qua xã Phù Hoá
Khúc sông Gianh chạy qua xã Phù Hoá

Muốn ăn con chắt chắt cũng kỳ công lắm. Chắt chắt cào được đem xa (rửa) thật kỹ vài ba nước, để cho ráo rồi đun xoong nước thật sôi mới thả vào, bỏ ít muối hạt, dùng bó đũa đánh nhiều lần để gạt nhân sang xoong khác. Bị nước nóng, vỏ chắt chắt nở ra, mặt rời vỏ, nổi lên theo nước sang xoong khác. Cứ gạn qua gạn về cho hết mặt thì thôi. Nước chắt chắt sau khi nấu xong có thể làm canh chan ăn ngay với cơm, thêm chút muối ớt, gừng, cảm giác ngọt lịm.

Chắt chắt còn được xào với mít non lá lốt. Xưa nay, món này dành cho người nghèo. Mít non gọt vỏ, băm nhỏ, thêm một ít lá lốt thái mịn trộn đều xào với chắt chắt. Món này bây giờ được bán ở quán nhậu cũng “hút” khách đáo để vì nó được được dân nhậu phong là “đệ nhất dinh dưỡng” và “đệ nhất sạch”…

Người thích ăn kiểu thông thường thì có thêm ít rau muống hay rau tập tàng thái nhỏ đun vừa chín tới, chan với cơm hoặc bắp rang để ăn. Còn nhân chắt chắt nếu ăn bình thường thì đổ lẫn canh, nếu muốn làm món nhậu thì vớt ra cho vào chảo, bỏ ít dầu, gia vị xào lên, đem xúc bánh tráng, cam đoan ăn mệt nghỉ, còn ăn được chừng nào thì còn thèm chừng ấy. Món này hiện được các quán nhậu bình dân khai thác làm đồ nhậu vừa rẻ, vừa hút thực khách.

chat chat
Chắt chắt ăn kèm bánh tráng (bánh đa) nướng

Lấy bánh đa xúc vào dĩa chắt chắt, dùng đũa gắp một ngọn rau thơm để lên trên và đưa vào miệng. Từ từ nhai để tận hưởng cái giòn tan của bánh đa, cái hương thơm đượm vị phù sa của vừng, cái ngầy ngậy của chắt chắt, trong một chút cay của ớt, một chút chua của cà, một chút nồng của tiêu, một chút thơm của hành… Và cảm giác như vũ trụ đã hội đủ trong vòm họng…

Netin Travel

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour