Nhà lao Đồng Hới nằm trên địa phận phường Đồng Hải, thành Phố Đồng Hới. Nhà lao là nơi thực dân Pháp đã giam cầm, tra tấn hàng ngàn chiến sĩ Cộng sản không chỉ ở Quảng Bình mà khắp các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, đồng thời đây cũng là nơi chứng kiến nhiều tấm gương trung kiên, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tại nhà lao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Chùa Hoằng Phúc ngôi chùa cổ nhất Miền trung
Vào cuối thế kỷ 19, khi xâm lược nước ta, một trong những việc đầu tiên mà thực dân Pháp chủ trọng đó là xây dựng hệ thống nhà lao khắp cả nước. Việc xây dựng hệ thống nhà lao một mặt để tỏ rõ sức mạnh của mình, mặt khác để uy hiếp tinh thần của nhân dân, nhất là những người tham gia cách mạng.
Sau khi xây dựng nhà lao Đồng Hới, thực dân Pháp đã tiến hành bắt bớ, giam cầm rất nhiều tù chính trị, tình nghi chính trị và tù thường phạm, trong đó, tù chính trị là những chiến sĩ cộng sản bị bắt và đã quy án, chưa có kết luận rõ ràng và tù thường phạm là phạm nhân bị bắt vi các tội khác. Tù nhân sau khi bị bắt vào giam đều phải chịu đủ mọi hình thức tra tấn, nhất là tù chính trị.
Thực dân Pháp sử dụng các hình thức như cùm tay chân, xâu dây thép, dùng roi gân bò, dùi cui… tra tấn rất dã man làm cho nhiều tù nhân không chịu nổi, ngất lịm đi. Chúng cho tù nhân tỉnh lại bằng cách dội nước lạnh vào mặt sau đó tra tấn tiếp, cho đến khi toàn thân bằm dập, rách da, rỉ máu. Ngoài ra, chúng sử dụng thường xuyên những cách tra tấn như quay điện, đi tàu bay, đi tàu lặn, đổ vôi bột vào miệng. Quay diện tức là dùng máy phát điện đi vào người làm toàn thân co giật cho đấn khi ngất xỉu mới thôi.
Đi tàu bay, tức là chúng dùng dây treo hai tay kéo lên cho người lơ lửng khỏi mặt đất rồi xoay tít người hoặc dùng gậy đánh. Khi bắt đi tàu lặn, nguời tù bị buộc chật trên ghế dài rồi lây khăn bịt mũi và miệng lại cột vào ghế. Sau đó chúng dùng một ống nhựa hút nước xà phòng từ một cái xô để trên cao cho chảy xuống mặt, nuớc chảy thánh vòi tràn trên mũi, miệng thông qua cái khăn vải. Ngạt thở thì phải hít vào nhưng toàn xà phòng, vì thế người bị tra tấn có cảm gác đầu tư muốn bung ra, ngực đau nhức, toàn thân quằn lại đau đớn.
Nhiều lúc, chúng còn tra tấn tù nhân bằng cách đổ vôi bột vào miệng, tạo cảm giác mặn, đắng và bỏng rát trong khoang miệng. Nếu vẫn chưa khai chúng lại tra điện, đánh đập, bắt lột hết quần áo, bắt cột tay chân lại rồi khớp miệng, cồng răng quăng vào xà lim, nếu nhúc nhích thì cồng xiết chặt…
Bên cạnh việc đập, tra dã man, thực dân Pháp còn áp dụng một chế độ sinh hoạt hà khắc với tù nhân. Những tên cai ngục đã cấu kết với bọn cai thầu để bớt xén lương thực, khẩu phần ăn của tù nhân. Chúng cho tù nhân ăn mỗi bữa chỉ một nắm cơm nhỏ, ở giữa có lèn vào một hai con cá bị thối hoặc kém chất lượng, có lúc chúng cho ăn cơm bằng gạo lứt (là loại gạo xay chứ không giã) rời rạc như bã nâu với mắm cá nục trông như bùn đen bốc mùi khắm lặm, ăn vào đắng như thuốc ký nin. Cả năm thỉnh thoảng mới được ăn rau, thịt. Để trừng phạt, chúng còn không cho tù nhân ăn cơm mà phải ăn thóc, thậm chỉ có lúc chúng còn bỏ đói, khát, dơ bẩn, đau không cho thuốc men, phản kháng chúng lại dùng roi đánh đập, tra tấn. Ở trong mỗi phòng giam, đặt một cái cầu để đại tiện và tiểu tiện khiến trong phòng lúc nào cũng có mùi xú uế rất hôi hám.
Với những hình thức tra tấn cự kỳ dã man và chế độ sinh hoạt hà khắc như vậy, thực dân Pháp muốn khuất phục và lung lay ý chí của các chiến sĩ cách mạng, nhưng không cam chịu với những bất công của thực dân Pháp, anh chị em đã không ngừng đấu tranh chống lại chế độ cai trị này. Trong nhà tù luôn luôn nổ ra những cuộc đấu tranh chống lại bọn cai tù, đòi được đối xử công bằng và cải thiện chế độ sinh hoạt. Ngoài ra, anh chị em chính trị còn dùng hình thức thuyết phục, cảm hóa những tên lính gác nên dần dần lôi kéo tù thường phạm tham gia vào các phong trào đấu tranh của mình.
Thực dân Pháp đã tìm cách để đàn áp, khủng bố hòng dập tắt ngọn lửa cách mạng trong nhà lao, nhưng ngược lại ngọn lửa ngày càng rực hơn sau những song sắt nhà tù. Có được điều đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của các đảng viên trong Chi bộ Nhà lao Đồng Hới, những người chiến Cộng sản không ngại hy sinh thân mình, luôn luôn chiến đấu chống lại áp bức, bóc lột vì một lý tưởng cao đẹp. Điều đó được thể hiện qua các phong trào đấu tranh của tù nhân dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà lao Đồng Hới.
Vào cuối năm 1930 đầu năm 1931, cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra làm cho thực dân Pháp hoang mang, lo sợ. Sau khi thẳng tay đàn áp và khủng bố phong trào, thực dân Pháp đã chuyển 30 tù trị từ nhà lao Vinh, Hà Tĩnh vào nhà lao Đồng Hới, trong số này có đồng Lê Bá Cảnh là Bí thư Chi bộ nhà lao Hà Tĩnh, khi chuyển vào đây đã tiếp tục hoạt động chống Pháp cùng Chi bộ Nhà lao Đồng Hới. Chi bộ nhà lao đã tổ chức và lãnh đạo những cuộc đấu tranh của tù nhân chống phát vãng, chống lao dịch nặng nề, đòi phát chăn màn, đòi được đọc sách báo xuất bản khai…
Điển nhất là Chi bộ đã tổ chức và lãnh đạo tù nhân tuyệt thực cải thiện chế độ sinh hoạt của tù nhân trong nhà lao. Bọn thực dân không những không đáp yêu sách mà còn xông vào đánh đập anh chị em tù nhân và gọi cảnh sát đến cùm chân từng người lại vào trong xà lim. Để tỏ thái độ phản kháng kịch liệt, tất cả tù nhân đồng tâm tuyệt thực và hò reo làm náo loạn cả nhà lao. Mặc dù thực dân Pháp đã cố gắng bưng mọi thông tin, nhưng tin tức về cuộc đấu tranh của tù nhân vẫn lan rộng và được nhân dân Thị xã đồng tình ủng hộ, giúp đỡ.
Cơ sở bí mật tại Thị xã nghe tin anh chị em tù nhân tuyệt thực để đấu tranh nên chị Tôn Nữ Thị Cháu trong nhóm thanh niên trí thức yêu nước, ông Lê Quýnh chủ hiệu thuốc bắc đã tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ cuộc đấu tranh. Một mặt, họ tuyên truyền vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với tù nhân; mặt khác vận động bà con quyền góp xà phòng, quần áo, thuốc men, quà bánh, đường sữa, giấy mực kể cả kim chỉ gửi vào ủng hộ anh chị em đang đấu tranh trong nhà lao. Nhờ vậy, anh chị em đã vượt qua được những lúc đau ốm, khó khăn để tiếp tục cuộc đấu tranh và cuối cùng thực dân Pháp đã phải nhượng bộ, buộc phải chấp nhận những yêu sách của anh chị em. Thắng lợi của cuộc đấu tranh đã làm xôn xao dư luận trong nhân dân Thị xã và một lần nữa củng cố thêm lòng yêu nước, thù giặc trong quần chúng nhân.
Sau cao trào 1930-1931, các cuộc đấu tranh trong thời kỳ 1936- 1939 đã làm cho phong trào cách mạng ở Quảng Bình có sự khởi sắc, đội ngũ cán bộ, đảng viên trưởng thành hơn, quần chúng cách mạng được tập dượt, thử thách trong thực tiễn đấu tranh. Góp phần không nhỏ vào những thành công đó là công sức của những tù nhân ở nhà lao Đồng Hới được lại tự do trong thời kỳ này. Tất cả họ đã phát huy được phẩm chất trị, khả năng lãnh đạo, tin thần đấu tranh của những tháng ngày bị giam giữ, tra tấn vào cuộc đấu tranh dân sinh, dân chủ này.
Tháng 4 năm 1949, đồng chí Quách Xuân Kỳ, Bí thư Thị ủy bị bắt, các đảng viên trong nhà lao đã thống nhất cử đồng chí làm Bí thư Chi bộ, lấy mật danh là Chi bộ “Ba Rền”. Tuy nhiên, được vài tháng địch đưa đồng chí Quách Xuân Kỳ đi xử bắn. Mặc dù hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng đồng chí Quách Xuân Kỳ là tấm gương cho các tù nhân trong nhà tù học tập và noi theo. Khi bị giam ở trong nhà lao đù bị tra tấn đủ mọi hình thức, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, điều đó được thể hiện trong bức huyết thư gửi lên chiến khu khẳng định tấm lòng trung của mình.
Bị nhốt trong xà lim nhưng đồng vẫn tìm cách liên lạc với các chí trong tù, qua sàng lọc và thử thách đã tập hợp được những đồng chí kiên trung, cũng cố lại chi bộ và gửi báo cáo ra ngoài xin ý kiến của cấp ủy. Trong ngục tối, đồng chí vẫn bí mật truyền đi những lời khích lệ động viên, giáo dục ý chí cách mạng và tin thần đấu tranh cho các đảng viên. Trước khi chết, đồng chí vẫn hiên ngang hát bài Quốc tế ca. Dù hy sinh nhưng tấm gương hoạt động cách mạng của đồng chí vẫn sáng mãi trong lòng cán bộ và nhân dân Quảng Bình.
Tháng 12 năm 1949, thị ủy Đồng Hới chủ trương cho Chi bộ Ba Rền tổ chức vượt ngục cho 6 đồng chí. Sau đợt vượt ngục này địch tăng cường khủng bố và canh gác nghiêm ngặt. Đồng chí Lưu Thị Thuấn thay đồng chí Ngô làm thư chi bộ, đồng chí Lưu Thị Xuyến làm phó Bí thư chi bộ. Chi ủy tổ chức các tổ Đảng kín đáo hơn, lấy đơn vị huyện để ghép các đảng viên còn lại làm từng chi, mỗi phân chi do một đồng chí chi ủy viên phụ trách để dễ liên lạc.
Chi bộ Ba Rền đã lãnh đạo 350 tù nhân hàng ngày đấu tranh với địch . Sau khi Hiệp định Genever được ký kết, địch vẫn ngoan cố chưa chịu thả số tù nhân này ra, đến ngày 10/8/1954 địch chuyển toàn bộ số tù nhân Đồng Hới vào Quảng Trị. Ở đây, Chi bộ Ba Rền lại tiếp tục phối hợp với nhà lao Quảng Trị đấu tranh đòi thực dân Pháp trả lại tự do như Hiệp định Genèver đã quy định. Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bọn thực dân Pháp chở tù nhân vào Đà Nẵng xuống tàu thủy và trả cho ta tại cửa Hội – Hội An.
Sau khi hòa bình lập lại, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cùng với nhân dân cả nước tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quảng Bình trở thành mảnh đất tiền tiêu là hậu phương vững chắc của tiền tuyến miền Nam. Những năm cuộc chiến tranh đi vào giai đoạn ác liệt, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cá để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”: Nhà lao Đồng Hới được tháo dỡ để lấy vật liệu lấp đường, lấp hố bom, đảm bảo mạch máu giao thông được thông suốt, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nhà lao Đồng Hới hiện là di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi ghi dấu những năm tháng đầu tranh kiên gan, bền chí, quyết không khuất phục kẻ thù của các chiến sĩ Cộng sản trong nhà lao, góp phần tô thắm thêm những trang sử vàng của quê hương, đất nước. Truyền thống đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ cộng sản trong nhà lao Đồng Hới sẽ mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ kế tiếp noi theo, nổ lực phấn đấu trên con đường mới, xây dựng một đất nước vững mạnh, tươi đẹp, phồn vinh.
Hiện nay di tích nhà Lao Đồng Hới chỉ còn là một bãi đất trống cỏ dại um tùm nằm cạnh khuôn viên của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, ngoài một tấm bia di tích nằm chơ vơ thì chẳng còn lại hiện vật gì. Mong rằng thời gian tới, di tích lịch sử Nhà Lao Đồng Hới sẽ được tôn tạo, phục dựng tương xứng với giá trị lịch sử để trở thành điểm đến ý nghĩa cho khách tham quan khi đến du lịch Quảng Bình.
Quảng Bình Di tích và Danh Thắng
Comments