Cầu Hiền Lương di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt tại Quảng Trị


Cầu Hiền Lương Sông Bến Hải là điểm du lịch thu hút nhiều du khách dừng chân khi đi qua mãnh đất Quảng Trị. Cầu Hiền Lương nằm sát ngay bên cạnh quốc lộ 1A nên thuận lợi cho du khách muốn thăm quan địa danh lịch sử này.

Cầu Hiền Lương được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1928. Cầu do phủ Vĩnh Linh huy động nhân dân trong vùng đóng góp công sức. Cây cầu này được làm bằng gỗ, đóng cọc sắt, rộng 2m. Chủ yếu phục vụ cho người đi bộ qua sông Bến Hải. Năm 1952, Pháp cho xây lại cầu mới gồm 7 nhịp, dài 178m, rộng 4m, trụ cầu bằng bê tông cốt thép, mặt cầu lát gỗ thông, hai bên có lan can cao 1,2m, trọng tải cầu tối đa là 18 tấn. 

Thành cổ Quảng Trị di tích đặc biệt Quốc gia

Cầu Hiền Lương
Cầu Hiền Lương

Theo Hiệp định Genève, một vùng phi quân sự trên vĩ tuyến 17, từ cửa sông Bến Hải chạy dọc theo chiều dài sông đến biên giới Việt – Lào sẽ trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam thành 2 miền Nam – Bắc. Khi đó, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải cũng bị chia thành 2 phần thuộc về 2 miền và được sơn 2 màu: nửa cầu thuộc miền Nam (ở bờ Nam) sơn màu vàng, nửa cầu thuộc miền Bắc (ở bờ Bắc) sơn màu xanh, ranh giới giữa 2 phần cầu là một vạch trắng kẻ ngang rộng 1cm.

Cầu Hiền lương nhìn từ bờ nam
Cầu Hiền lương nhìn từ bờ nam

Cầu Hiền Lương bị đánh sập bởi bom Mỹ vào năm 1967. Lúc này cầu Hiền Lương đã trở thành “biểu tượng” về sự chia cắt đất nước thành 2 miền Bắc – Nam.

Nhằm bảo tồn chứng tích lịch sử cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị đã cho phục dựng cầu hiền lương dựa theo bản thiết kế chiếc cầu Hiền Lương do Pháp xây dựng năm 1952. Đặc biệt, lan can cầu còn được sơn 2 màu xanh, vàng nhằm mô tả chiếc cầu Hiền Lương trong thời kỳ đất nước vẫn còn bị chia cắt.

Các điểm trong cụm di tích Cầu hiền Lương – Sông bến Hải

Đồn công an và cột cờ ở bờ bắc sông Bến Hải

Theo quy định của Hiệp định Genève, dọc đôi bờ sông Bến Hải (sông giới tuyến) có 4 đồn công an. Do đó, ở bờ bắc sông có đồn công an Hiền Lương và Cửa Tùng, ở bờ Nam sông có đồn công an Xuân Hòa và Cát Sơn. Các đồn công an được bố trí khoảng 20 người, trang bị súng ngắn và tiểu liên bộ binh và làm nhiệm vụ giữ gìn quy chế vùng phi quân sự, kiểm soát người qua lại giới tuyến, kiểm soát lẫn nhau trong việc thực thi các điều khoản của Hiệp định và được đặt dưới sự giám sát của tổ chức Quốc tế 76 (gồm đại diện các nước Canada, Ấn Ðộ, Ba Lan).

Cụm di tích phía bắc Sông bến Hải
Cụm di tích phía bắc Sông bến Hải

Năm 1967, 2 đồn ở bờ nam sông đã bị bom Mỹ phá hủy. Đến nay, 2 đồn ở bờ bắc sông vẫn còn nhưng do bị xuống cấp nên đã được tỉnh Quảng Trị cho phục dựng theonguyên mẫu trước đây.

Đồn công an Hiền Lương nằm sát mố cầu ở bờ bắc sông Bến Hải. Công trình gồm 3 khu nhà A,B và C tạo thành hình chữ V. Khu nhà A (nhà liên hiệp) được xây dựng theo kiểu nhà sàn với kích thước 12m x 6m, mái lợp ngói, có lắp đặt hệ thống cửa kính. Đây từng là nơi hội họp và tiếp các đoàn khách. Khu nhà B có kích thước 10m x 5m được làm bằng gỗ, mái lợp tranh, là nơi ở của các chiến sĩ công an giới tuyến. Khu nhà C với kích thước 12m x 4m, dùng làm kho hậu cần, nhà ăn.

Cột cờ Hiền Lương

Từ năm 1954-1967, khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương đã diễn ra cuộc “chọi cờ” (hai bên thi dựng cột cờ xem cột cờ bên nào cao hơn). Cuối cùng phần thắng thuộc về cột cờ ở khu vực đồn công an Hiền Lương, thuộc bờ bắc. Cột cờ được làm bằng thép ống, dựng vào năm 1962, cao 38,6m. Trên đỉnh cột cờ có lá cờ kích thước 9,6m x 4m.

Cột cờ giới tuyến
Cột cờ giới tuyến

Cột cờ hiện nay là hình mẫu mô phỏng những cột cờ mà Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dựng trước đây. Cột cờ cao 28m, được làm bằng 6 đoạn thép ống liên kết với nhau. Trên đỉnh cột cờ gắn lá cờ sao vàng năm cánh. Trên thân cột cờ có gắn các thanh thép hình chữ nhật để làm thang. Cột cờ còn được lắp hệ thống dây cáp, ròng rọc và bộ phận tời tạo thuận tiện khi treo cờ. Đế cột cờ hình tròn, có trang tríhình ảnh mô tả về lịch sử cách mạng.

Đồn Công an Cửa Tùng nay thuộc doanh trại Đồn Biên phòng 204. Ngoài chức năng dùng để làm việc, lưu trú, khu vực này còn phục vụ mục đích an ninh quốc gia. Nơi đây có nhà truyền thống trưng bày 92 bức ảnh, 60 hiện vật liên quan trực tiếp đến lịch sử đấu tranh cách mạng của cán bộ, chiến sĩ đồn công an Cửa Tùng và các đồn khác nằm dọc theo bờ bắc sông Bến Hải từ năm 1954 – 1967.

Quần thể kiến trúc ở bờ nam sông Bến Hải

Nhằm mô phỏng vùng phi quân sự trên vĩ tuyến 17 trước đây cũng như xây dựng điểm đến tìm hiểu lịch sử cho du khách, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, tỉnh Quảng Trị đã cho xây dựng công trình Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” và Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ nam sông Bến Hải.

Quần thể kiến trúc ở bờ nam sông Bến Hải

Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” gồm 2 gian.Gian khánh tiết là nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian trưng bày 53 tài liệu, hiện vật liên quan trực tiếp đến cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các tài liệu, hiện vật được phân theo 4 chủ đề: Hiệp định Giơnéve và giới tuyến quân sự tạm thời; Tinh thần không khuất phục của người dân Vĩnh Linh và cuộc chiến đấu bảo vệ địa đầu giới tuyến; Nhân dân vùng Nam vĩ tuyến 17 với cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước; Vĩ tuyến 17 sau giải phóng Quảng Trị năm 1972.

Đặc biệt tại đây còn lưu giữ phiên bản phục chế loa phóng thanh công suất 500Wdo Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng ở bờ bắc trước đây.Chiêm ngưỡng chiếc loa này, du khách sẽ phần nào hình dung được cuộc “đấu loa” ở đôi bờ sông Bến Hải từ năm 1954 – 1965.

Quần thể kiến trúc bờ Nam Cầu Hiền Lương
Quần thể kiến trúc bờ Nam Cầu Hiền Lương

Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” được xây dựng trên diện tích 2.700m², gồm hai phần. Phần đế được ghép từ nhiều khối đá có kích cỡ khác nhau, được trang trí phù điêu. Phần tượng đài được làm bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa với bố cục:phía trước gồm2 tượng bà mẹ (cao 7,70m) và em bé (cao 5,50m) đứng sát nhau, mô tả hình tượng người vợ và người con ở phía Nam đang đau đáu nhìn về phía Bắc khi họ không thể qua sông gặp chồng, cha và người thân trong những năm tháng đất nước bị chia cắt. Phía sau là cụm tượng làm nền, mô tả hình ảnh những chiếc lá dừa nước.

Trong khu vực này còn có khuôn viên rộng, sân lễ hội, hồ nước, nhà đón tiếp, nhà trực, nhằm phục vụ việc đón khách tham quan, phát huy giá trị di tích.

Sông Bến Hải và các bến đò trên sông Bến Hải

Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn, chảy trênđịa hình dài gần 100km, dọc theo vĩ tuyến 17 từ tây sang đông rồi đổ ra cửa biển Cửa Tùng.

Các bến đò trên sông Bến Hải gồm: Cửa Tùng (bến đò A), Tùng Luật (bến đò B), Lũy (bến đò C), Thượng Đông và Dục Đức. Trong đó, bến đò Cửa Tùng và Tùng Luật là 2 bến đò góp phần quan trọng vào cuộc chiến thắng giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Cầu Hiền Lương bắc qua Sông Bến Hải
Cầu Hiền Lương bắc qua Sông Bến Hải

Bến đò Cửa Tùng (bến đò A) thuộc khu vực bãi biển Cửa Tùng (thị Trấn Cửa Tùng). Đây là nơi neo đậu của tàu, thuyềnchuyên chở cán bộ hoạt động từ năm 1954 – 1975. Hiện, bến đò nàyđược quy hoạch trong khuôn viên có diện tích 187,6m2, vớihệ thống tường rào bao quanh. Bia đài tưởng niệm di tích bến đò A gồm hai phần: bệ đài và tổ hợp hình tượng kiến trúc nghệ thuật, thể hiện nổi bật hình tượng những con thuyền vượt qua sóng gió để chuyên chở cán bộ, bộ đội qua sông và khát vọng về ngày vui thống nhất đất nước.

Bến đò Tùng Luật (bến đò B) trước đây có chiều dài chừng 150m, thuộc thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang (nay là thị trấn Cửa Tùng), cách cầu Hiền Lương 7km về phía đông và cách biển Cửa Tùng 2km về phía tây. Đây là một trong những điểm neo đậu bí mật của tàu, thuyền làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, bộ đội, thương binh, dân công và vũ khí đạn dược sang bờ Nam, là một trong những điểm xuất phát chính của tuyến vận tải chi viện cho đảo Cồn Cỏ.

Hiện bến đò được quy hoạch bao gồm khuôn viên và đài tưởng niệm. Đài tưởng niệm là tổ hợp mang tính nghệ thuật biểu trưng, với hình tượng những con thuyền chở bộ đội, hàng hóađang lao về phía trước bất chấp bom đạn của kẻ thù.

Năm 1996, các bến đò này đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1986 và Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013.

Các cuộc chiến không tiếng súng trên Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải

Cuộc chiến Đấu cờ

Cầu Hiền Lương: “cuộc chiến đấu cờ”: Theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, mỗi bên có 2 đồn cảnh sát: đồn Hiền Lương Cửa Tùng ở bờ Bắc, đồn Xuân Hoà và Cát Sơn ở bờ Nam. Trong các cuộc chiến diễn ra tại Hiền Lương có lẽ “Chọi Cờ” là cuộc chiến gay gắt và quyết liệt nhất diễn ra trong suốt 14 năm ròng.

Từ khi giới tuyến được phân định, chiều cao của cột cờ không ngừng được nâng lên, bởi cờ của ta không thể thấp hơn cờ của ngụy. Khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao vút, đồng bào hai bờ Bắc Nam vui sướng reo mừng. Mỹ- Ngụy hoàn toàn bất ngờ trước sự kiện này. Chúng vội vàng tăng cao cột cờ của chúng lên thành 35 mét. Không để cột cờ ta thấp hơn cờ địch, năm 1962 chính phủ điều Tổng Công ty lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ rồi chuyển vào dựng ở Hiền Lương, cột cờ cao 38,6 mét, kéo lên lá cờ 134 m2, nặng 15 kg. Cách đỉnh cột cờ 10 mét có một ca-bin để chiến sĩ ta đứng thu và treo cờ. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến.

Cầu Hiền Lương xưa với cuộc đấu cờ bờ Bắc và bờ Nam
Cầu Hiền Lương xưa với cuộc đấu cờ bờ Bắc và bờ Nam

Đến năm 1965, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Từ đây, quân và dân Bắc giới tuyến bước vào một cuộc chiến đấu mới. Ngày 2/8/1967, địch tập trung nhiều tốp máy bay thay nhau ném bom một ngày liền, làm cho cầu Hiền Lương bị sập, cột cờ ta bị gãy. Ngay trong đêm đó, ta đã tập trung dựng lại một cột cờ khác với một cột điện nối thêm cây gỗ.

Cứ sau mỗi trận đánh, cột cờ bị gãy đỗ, lá cờ bị bom xé rách, quân và dân bờ Bắc lại dựng lên, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ lá cờ như trái tim của Tổ quốc. Có những câu chuyện đã trở thành huyền thoại về những bà mẹ vá cờ bên bờ Hiền Lương kể lại cho các thế hệ mai sau.

Cuộc chiến màu sơn

Cầu Hiền Lương: “cuộc chiến màu sơn”: Cầu Hiền Lương không chỉ là cuộc chiến đấu cờ, mà còn là cuộc chiến màu sơn. Cầu Hiền Lương được dựng từ năm 1928, sau nhiều lần sữa chữa, đến năm 1952, thực dân Pháp cho xây lại cầu với chiều dài 178m, rộng 4m; cầu có 7 nhịp, trụ được đổ bê tông cốt thép, dầm cầu bằng thép, còn mặt cầu được lát bằng ván gỗ thông. Đường ranh phân chia Nam – Bắc là một vạch sơn trắng rộng 1cm làm ranh giới hai miền. Hàng ngày công an và cảnh sát hai miền gác, đổi phiên qua về theo chế độ liên hợp.

Ranh giới ở giữa, 2 bên là 2 màu sơn khác nhau
Ranh giới ở giữa, 2 bên là 2 màu sơn khác nhau

Để tạo nên hình ảnh chia cắt đất nước ta, Mỹ- Chính quyền Sài Gòn chủ động sơn màu xanh nửa cầu phía Nam. Nhưng với ý nguyện “thống nhất non sông”, chúng vừa sơn xong đầu hôm, thì trong đêm, công an ta sơn nửa phần cầu bờ Bắc bằng màu xanh cho hòa một màu. Thời gian sau chúng lại cho người ra sơn lại phần cầu phía Nam bằng màu nâu. Cứ thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc. Hễ địch sơn một màu khác đi để tạo ra hai màu đối lập, thì lập tức ta sơn lại thành một màu chung. Đấu tranh màu sơn trên cầu Hiền Lương là một hình thức đấu tranh chính trị nhằm nói lên khát vọng thống nhất đất nước của quân và dân ta.

Cuộc chiến âm Thanh

Cầu Hiền Lương: “cuộc chiến âm thanh”: Bên ven bờ Hiền Lương trong những năm tháng chia cắt, ngoài đấu cờ, đấu màu sơn, đó còn là cuộc chiến âm thanh-đấu loa giữa ta và địch. Sau Hiệp đinh Genève, nhằm giáo dục, động viên nhân dân đấu tranh thống nhất đất nước, ta đã cho xây dựng một hệ thống loa phóng thanh, phân bố thành 5 cụm suốt chiều dài 1.500 mét ở bờ Bắc. Mỗi cụm 24 loa loại 25 W hướng về bờ Nam.

Một trong những giàn loa ở bờ bắc phục vụ cuộc chiến âm thanh vào năm năm 1964 và hiện nay.
Một trong những giàn loa ở bờ bắc phục vụ cuộc chiến âm thanh vào năm năm 1964 và hiện nay. 

Mỗi ngày, hệ thống loa của ta phát đi chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền thanh Vĩnh Linh, chương trình ca nhạc, ngâm thơ, kịch, dân ca. Tức tối trước sự việc này, mấy tuần sau, Mỹ- Diệm liền gắn ở bờ Nam những cụm loa do Tây Đức, Úc sản xuất có công suất lớn, phát inh ỏi, lấn át cả loa phát của ta.

Để “đấu khẩu”, Mỹ- Diệm đã tung ra Bến Hải những tên tâm lý chiến nguy hiểm. Mỗi ngày chúng nói từ 14 đến 15 tiếng đồng hồ, một hai giờ sáng đã mở hết công suất loa. Đầu năm 1960, một giàn loa Mỹ với công suất lớn được đưa đến bờ Nam. Chính quyền Việt Nam cộng hoà cho rằng, với hệ thống loa này sẽ vang xa đến Quảng Bình, dân bờ Bắc sẽ nghe rõ tiếng nói của chánh nghĩa quốc gia. Không chịu thua, phía bờ Bắc đã tăng thêm hệ thống loa gồm một chiếc loa có đường kính vành loa 1,7m, 4 loa loại 250W. Các cụm loa được đặt trên trụ bê tông cốt thép kiên cố, riêng chiếc loa 500W được đặt trên xe lưu động. Đến năm 1965, khi Mỹ ném bom miền Bắc, hệ thống loa của hai bờ ngừng hoạt động.

Cầu Hiền Lương di tích đặc biệt

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hoà bình, thống nhất, hiện nay khu di tích đôi bờ Hiền Lương vẫn còn lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật. Những di tích lịch sử gắn với một thời đất nước bị chia cắt: Cầu Hiền Lương, cột cờ ở bờ Bắc, Nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, cụm tượng đài “khát vọng thống nhất”. Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” ở bờ Nam.

Ngày nay cầu Hiền Lương là điểm đến thu hút nhiều du khách
Ngày nay cầu Hiền Lương là điểm đến thu hút nhiều du khách

Vùng đất khói bom nghịt trời năm xưa nay đã nhường chỗ cho những cánh đồng bạt ngàn lúa, hồ tiêu, rừng cao su xanh ngút ngàn. Ghé thăm Đôi bờ Hiền Lương –Bến Hải là dịp để mỗi người dân Việt Nam ôn lại những ký ức hào hùng, bi tráng, mỗi một chúng ta tôn vinh và tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông vì độc lập tự do của Tổ quốc.  Những di tích lịch sử ở đôi bờ Hiền Lương –Bến Hải là di sản của khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Cùng các điểm du lịch Quảng Trị như địa đạo Vĩnh Mốc, thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 tạo ra sản phẩm du lịch hoài niệm cho du khách trong và ngoài nước.

Một số câu hỏi về Cầu Hiền Lương Sông Bến Hải

Cầu Hiền Lương dài bao nhiêu mét?

Cầu Hiền Lương đã được phục dựng theo thiết kế chiếc cầu sắt do Pháp xây dựng năm 1952, với chiều dài 183,65m, rộng 5,50m, phần lưu thông là 3,20m. Cầu được khởi công năm 2001, khánh thành năm 2008.

Cầu Hiền Lương nằm ở tỉnh nào

Cầu Hiền Lương nằm tại tỉnh Quảng Trị. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị

Hình ảnh: Sưu tầm

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour