Du lịch Quảng Bình bao giờ hết… “ngủ đông”?


Nói về tiềm năng du lịch Quảng Bình, không ít người tự hào rằng, Quảng Bình là một Việt Nam thu nhỏ. Tiềm năng du lịch từ tài nguyên biển, rừng, nhân văn, tâm linh, lịch sử… dường như hội tụ đầy đủ ở đoạn eo thắt nhất của dải đất hình chữ S này. Thế nhưng để khai thác có hiệu quả những tiềm năng trời phú ấy là cả một câu chuyện dài, mà không ít du khách khi đến du lịch ở tỉnh ta, đã ví von rằng, du lịch Quảng Bình vẫn còn đang… ngủ đông!

 Ngồn ngộn tiềm năng…

Nếu nói về tiềm năng du lịch, hệ thống hang động kỳ vĩ với nhiều hang được mệnh danh là thiên đường của hạ giới, sẽ là điều đầu tiên được liệt kê. Sau mỗi chuyến thám hiểm của Hiệp hội thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, núi rừng Phong Nha – Kẻ Bàng lại hé lộ những kho báu mới. Tin tức về hệ thống hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng được cập nhật trên những tờ báo, tạp chí uy tín trên thế giới, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và du khách, đã chứng minh sức hút của nguồn tài nguyên du lịch to lớn này. Cùng với động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường, hang Tối, hang Én…, trong tương lai những vẻ đẹp tiềm ẩn của hang động sẽ tiếp tục được khai phá như hang Tú Làn, hang E… Và 41 hang động lớn nhỏ vừa được phát hiện tại vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vào cuối tháng 4 vừa qua sẽ là kho báu vô tận để chúng ta phát triển du lịch, góp phần giới thiệu với du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của vùng đất này…
Du lịch Quảng Bình
Du lịch hang động là nguồn tiềm năng to lớn của tỉnh ta.

Nói về du lịch rừng, bên cạnh hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, không thể không kể đến khu du lịch nước khoáng Bang (huyện Lệ Thủy) với nhiệt độ điểm sôi 105oC, tiềm ẩn vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên. Không chỉ độc đáo và hấp dẫn, suối Bang còn là điểm du lịch tốt cho sức khỏe con người.
Và sau rừng là biển. Nhật Lệ, Bảo Ninh, Đá Nhảy, Quang Phú… là điểm đến quen thuộc của hàng triệu du khách trong những năm qua. Bạn tôi, một người Quảng Bình đang lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, thường tự hào khoe, rằng không ở đâu biển lại xanh và cát trắng như ở biển Quảng Bình. Trong sự tự hào của bạn có thể phần nào thiên vị bởi tình yêu quê hương, nhưng trên thực tế, lời khẳng định ấy của bạn là hoàn toàn có cơ sở. Cùng với những bãi biển đã trở thành thương hiệu mạnh kể trên, chúng ta còn có biển Vũng Chùa, Hải Ninh, Ngư Thủy…, nơi hãy còn ẩn chứa vẻ đẹp hoang sơ, chờ đợi sự khám phá của du khách. Không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, những loài hải sản như tôm, cua, mực, ghẹ… ở đây cũng nổi tiếng về chất lượng khiến nhiều du khách khi đến Quảng Bình đã say lòng vì ẩm thực biển!

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Quảng Bình, khẳng định: Cùng với thế mạnh về du lịch hang động, du lịch biển, tỉnh ta còn hội tụ những tiềm năng thế mạnh về du lịch lịch sử, tâm linh và nhân văn. Hệ thống đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh chống Mỹ với hàng trăm địa danh đã đi vào lịch sử, không chỉ là điểm đến của khách du lịch, mà chính là nơi trở về của hàng triệu con người đã từng sống, chiến đấu trên mảnh đất này. Hang 8 TNXP, đường 20 Quyết Thắng, Khe Ve, La Trọng, Cha Lo, Cổng Trời… với những câu chuyện đẹp như huyền thoại của những con người đã sống, chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc… là nguồn tiềm năng to lớn của du lịch. Khai thác hiệu quả những tuyến du lịch này, chúng ta cũng đồng thời thể hiện được tấm lòng của mình đối với sự hy sinh của bao lớp cha anh…

Cùng với du lịch lịch sử, du lịch tâm linh và nhân văn cũng đã ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch tỉnh ta những năm gần đây. Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, núi Thần Đinh, đền thờ Liễu Hạnh, ca trù Đông Dương, Phong Châu… là những viên ngọc lấp lánh, tiềm ẩn khả năng khám phá. Đặc biệt là ca trù, một trong những giá trị văn hóa đang được bảo vệ và lưu giữ khẩn cấp. Hiện cả nước chỉ còn 14 tỉnh lưu giữ được những làn điệu ca trù, trong đó có tỉnh ta với một số câu lạc bộ và nghệ nhân…

Và thực trạng đáng buồn

Báo Quảng Bình trong tháng 3-2012 đã có bài viết “Bao giờ suối Bang vui trở lại?” của tác giả Văn Hoàng, nêu lên thực trạng đáng buồn của khu du lịch suối Bang. Khởi công rất rầm rộ để rồi sau đó các hạng mục được xây dựng nhẩn nha, mặc cho cơ quan chức năng nhiều lần đốc thúc và “đe” sẽ thu hồi đất nếu dự án chậm tiến độ. Trên thực tế, không chỉ có khu du lịch suối Bang được triển khai kiểu “đầu voi đuôi chuột”.

Bãi biển Đá Nhảy, một danh thắng nổi tiếng của tỉnh ta, thuộc địa bàn xã Thanh Trạch (Bố Trạch), nhiều năm nay đã trở thành một công trường xây dựng ngổn ngang sắt thép. Được biết, năm 2008, Công ty TNHH Hoàn Cầu II đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án Khu du lịch sinh thái Đá Nhảy thuộc chương trình phát triển du lịch trọng điểm 2006-2010. Với tổng vốn đầu tư 205 tỷ đồng, trước khi khởi công, dự án đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía UBND tỉnh và huyện Bố Trạch. Thế nhưng sau hơn 4 năm triển khai, khu du lịch đầy hứa hẹn này vẫn là một đại công trường. Hàng ngàn du khách chỉ còn biết ngậm ngùi nhìn bãi biển đẹp đang biến thành công trường. Trước thực trạng này, ngày 9-9-2010, UBND tỉnh đã có quyết định số 2288/QĐ-UBND về việc thu hồi trên 54.000 m2 đất thuộc dự án và giao UBND huyện Bố Trạch đôn đốc thực hiện. Ngày 23-4-2012, UBND huyện Bố Trạch đã họp và ra thông báo yêu cầu Công ty TNHH Hoàn Cầu II giải phóng mặt bằng và tiến hành giao đất cho xã Thanh Trạch trước ngày 10-5-2012.

Du lịch Quảng Bình

Và những hình ảnh phản cảm của du lịch tại bãi biển Nhật Lệ trong thời kỳ

Có thể nói, đây là động thái dứt khoát của cơ quan chức năng trước tình trạng chây ì của một số dự án, trong đó có các dự án về du lịch Quảng Bình. Tuy nhiên ai dám bảo đảm rằng, sau hơn 4 năm bị chiếm dụng làm công trường xây dựng, bãi biển Đá Nhảy sẽ được trả lại vẻ đẹp nguyên sơ vốn có?

Đấy là thực trạng của một số dự án du lịch tương lai. Còn quá trình khai thác tiềm năng du lịch ở nhiều địa điểm, danh thắng hiện tại vẫn còn nhiều bất cập. Ông Trần Thanh Sơn, một du khách đến từ Hà Nội, trong khi chờ thăm động Phong Nha, đã phát biểu: “Tôi thấy hạ tầng khu vực Phong Nha chưa tương xứng với tiềm năng. Cảnh quan bê tông nhiều, hướng dẫn viên du lịch Quảng Bình thiếu chuyên nghiệp, nhà hàng, khách sạn… tạm bợ, khiến tôi có cảm giác như đang ở… bến xe liên tỉnh!”. Nhận xét về đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của tỉnh, ông Nguyễn Văn Kỳ đồng ý với ý kiến rằng chất lượng hướng dẫn viên còn thấp, chưa theo kịp với quá trình phát triển du lịch hiện nay…

Trở về Đồng Hới, thành phố xinh đẹp bên dòng sông Nhật Lệ, thực trạng đáng buồn của du lịch vẫn tiếp diễn. Năm năm trước, Khách sạn Phong Nha, một địa điểm từng đón nhiều đoàn khách Trung ương, được bán cho Tập đoàn Vinashin. Sự thua lỗ của tập đoàn này đã khiến cho một khách sạn tọa lạc ở vị trí đắc địa, trở thành một công trình bị… đắp chiếu không biết đến bao giờ. Nhiều du khách và người địa phương khi đi qua đây không khỏi ngậm ngùi nuối tiếc. Và theo con đường này về phía bắc, nếu bên phải con đường là những nhà hàng được thiết kế đẹp, tạo nên diện mạo riêng biệt cho biển Nhật Lệ, thì phía bên trái là những căn nhà tồi tàn, nhếch nhác được gắn biển “nhà hàng”. Diện mạo du lịch của chúng ta đây sao?

Và không chỉ có vấn đề về đầu tư, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực phục vụ du lịch, sự thiếu chuyên nghiệp trong kinh doanh du lịch ở tỉnh ta thật sự đáng bàn. Tình trạng “chặt, chém” du khách trong ăn uống, nâng giá phòng gấp đôi, gấp ba trong các dịp lễ… đã phản ánh tư duy làm du lịch kiểu “ăn xổi ở thì”. Chừng nào những “căn bệnh” trên vẫn còn tồn tại, thì du lịch tỉnh ta vẫn sẽ còn tiếp tục trạng thái “ngủ đông”.

   Ngọc Mai ( Báo Quảng Bình)
Kỳ 2: Hướng đi đã mở

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour