Kỷ niệm về nghề làm báo thì nhiều nhưng nhớ nhất có lẽ là những chuyến du lịch thăm Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng cùng với các đồng nghiệp. Với Phong Nha-Kẻ Bàng, chúng tôi may mắn được tham quan từ những ngày tỉnh mới trở về địa giới cũ, thời điểm Phong Nha-Kẻ Bàng đang được các nhà khoa học Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học quốc gia Hà Nội) phối hợp với các nhà thám hiểm Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khám phá.
Chúng tôi đã có những cuộc trao đổi với GSTSKH Nguyễn Quang Mỹ, GSTSKH Trần Nghi xung quanh tiềm năng du lịch và một số cứ liệu khoa học liên quan tới việc làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Phong Nha-Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới. Nhưng những ngày ấy biết bao khó khăn còn chồng chất, các dịch vụ du lịch tại vùng Phong Nha -Kẻ Bàng còn sơ khai hầu như chưa có gì.
Vậy mà sau những năm thực hiện công cuộc đổi mới, du lịch Quảng Bình đã có những bước tiến đáng mừng. Lần lượt sau động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, động Sơn Đoòng… được khám phá và được đưa vào sử dụng để phát triển du lịch với những kỷ lục ghi nét Việt Nam: địa phương có hệ thống hang động nhiều nhất, địa phương có hang ngầm dài nhất, hang Sơn Đoòng có vòm động lớn nhất, động Thiên Đường có thạch nhũ độc đáo nhất… Tháng 6-2011, tỉnh ta đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp mang tên: “Du lịch hang động kỳ vĩ ở Quảng Bình”. Tại sự kiện du lịch này, tôi và nhà báo Hoàng Văn Phúc được Ban biên tập giao nhiệm vụ viết bài, sau đó anh Phúc sớm ra mắt độc giả phóng sự được đánh giá cao: “Đêm chắp cánh cho sự kỳ vĩ tráng lệ” còn tôi đã có bài: “Ghi từ đêm truyền hình trực tiếp”.
Gần đây nhất vào tháng 5-2012, chúng tôi được lên thăm Di sản thiên nhiên thế giới cùng gần 200 đồng nghiệp của 19 cơ quan báo chí nhân Hội thảo Báo Đảng khu vực miền Trung Tây Nguyên lần thứ 20 (vòng III) do Báo Quảng Bình đăng cai. Du lịch cùng đồng nghiệp tạo niềm vui và sự hứng thú đặc biệt. Mở đầu chuyến du lịch này, Ban tổ chức hội thảo đã tạo điều kiện cho các nhà báo vào dâng hương tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng. Đây là dịp để các nhà báo khu vực miền Trung – Tây Nguyên hiểu hơn lịch sử hào hùng của mảnh đất tuyến lửa Quảng Bình.
Được tham quan tuyến du lịch sông Chày, động Thiên Đường, suối nước Moọc và động Phong Nha, cảm tưởng chung của các đồng nghiệp khi kết thúc chuyến du lịch là hệ thống hang động Phong Nha-Kẻ Bàng là một trong những nơi đẹp nhất thế giới, Quảng Bình là vương quốc của hang động, tiềm năng du lịch Quảng Bình rất lớn, Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng thật tuyệt vời, thiên nhiên đã ban tặng cho quê hương Quảng Bình những tài sản vô giá…
Chúng tôi biết đó là những lời tâm sự chân tình. Vẻ đẹp hoành tráng và kỳ vĩ của hang động Thiên Đường đã thu hút rất nhiều nhà báo. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy có nhà báo lão thành tuổi trên 80 mà vẫn leo núi nhanh hơn cả cánh thanh niên. Một nhà báo trẻ ở báo Quảng Nam đã nhận xét: “Động Thiên Đường có vẻ đẹp đa dạng, ngoài hệ thống thạch nhũ độc đáo, động Thiên Đường đang sở hữu một sân khấu tự nhiên đẹp nhất thế giới mà thiên nhiên ban tặng”. Người bạn đồng nghiệp cũng chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch của quê hương Hội An: “Quảng Bình các bạn muốn phát triển du lịch cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa du lịch, làm sao mỗi một người dân là một tuyên truyền viên về du lịch, phải tự giác bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng như bảo vệ tài sản của chính mình”.
Trong chuyến tham quan của hội thảo thời gian lưu lại tại khu du lịch sinh thái suối nước Moọc khá dài. Vẻ đẹp hoang sơ của suối nước, những chùm phong lan rừng chúm chím nở, những loài cây rừng mọc bên bờ suối cùng âm thanh trong vắt của suối nguồn tạo nên một cảnh đẹp mê hồn. Nhiều đồng nghiệp tranh thủ chụp ảnh lưu niệm, một số người tìm đến nơi tắm suối, có người mang theo cả võng nằm nghỉ chốc lát. Khung cảnh thật thanh bình giữa đại ngàn Trường Sơn. Nhưng vui nhất có lẽ là khi các đồng nghiệp thưởng thức các món ẩm thực. Thật là bữa tiệc khó quên với những nhà báo miền Trung – Tây Nguyên khi được thưởng thức những đặc sản dân dã ngon nổi tiếng từ quê hương Quảng Bình.
Trong hành trình của chuyến du lịch đáng nhớ cùng gần 200 đồng nghiệp, chúng tôi cũng được các đồng nghiệp góp ý mong sao sự liên kết trong tuyên truyền du lịch của Quảng Bình và các địa phương nằm trên “Con đường Di sản miền Trung” càng được tăng cường hơn nữa. Các đồng nghiệp cũng mong muốn hoạt động du lịch Quảng Bình phải có các giải pháp để phát triển du lịch theo hướng bền vững thân thiện với thiên nhiên.
Phan Hòa
Comments