Mỗi lần nhắc tới Quảng Bình, du khách vẫn quen gọi với những cụm từ thân thương: “vùng đất gió lào, cát trắng”, “quê hương hai giỏi”. Cùng với Quảng Trị, Quảng Bình trong chiến tranh là trọng điểm bắn phá vô cùng ác liệt của quân thù. Từ những thiếu thốn, khó khăn về vật chất, về tinh thần cộng với lòng căm thù giặc mãnh liệt, tinh thần chiến đấu sắt thép đã giúp con người Quảng Bình đứng vững trên mưa bom bão đạn. Tất cả, cùng với những nỗ lực phi thường của con người nơi đây đã giúp Quảng Bình vượt qua được giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất trong thời kì chiến đấu chống giặc ngoại xâm, góp phần bảo vệ hòa bình dân tộc.
Những hình ảnh về con người Quảng Bình đi vào huyền thoại bằng sự gan dạ, quả cảm của mình như hình ảnh mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội qua sông dù trên đầu bom đạn của kẻ thù vẫn bắn phá rất ác liệt. Nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ rất xúc động về Mẹ Suốt:
“Gan chi gan rứa mẹ nờ
Mẹ rằng: cứu nước mình chờ chi ai
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa. “
Cùng với hình ảnh mẹ Suốt là người anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế trên tuyến đường 12A thông đường trong mưa bom bão đạn. Đinh Thị Thu Hiệp trên đèo Đá Đẽo,rồi đại đội pháo binh Ngư Thủy bắn cháy tàu trục của đế quốc,là những TNXP bom dội liên tục nhưng vẫn bám đường cho xe thông tuyến. Tám thanh niên xung phong mở đường bị lấp trong hầm đá tạo thành huyền thoại “hang Tám Cô”.Rồi mẹ Choàng tháo nhà lát đường cho xe qua với câu nói nổi tiếng: “Xe chưa qua nhà không tiếc”…
Quảng Bình còn là quê hương của người anh hùng dân tộc – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – là nhà chỉ huy quân sự nổi bật nhất bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Là người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bằng tài thao lược xuất chúng của mình, cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ ” lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu” được cả thế giới biết đến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần lớn trong việc giải phóng miền Bắc, qua đó tạo tiền đề cho việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình còn là quê hương của nhiều danh nhân dân tộc. Có thể kể đến như Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh – người mở đầu cho công cuộc khai hoang, mở mang bờ cõi phía Nam. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên – tư lệnh lâu đời nhất trong thời điểm khó khăn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống xâm lược. Bên cạnh đó, Quảng Bình còn đóng góp cho Đất nước nhiều nhà văn, nhà thơ lớn, là Hàn Mặc Tử,là Lưu Trọng Lư…
Đến với Quảng Bình, Quý khách có thể tìm hiểu một hệ thống di tích lịch sử rất phong phú và đa dạng. Những di tích còn sót lại là chứng tích về một thời khói lửa đạn bom, là nhân chứng đau thương về sự hy sinh của con người Quảng Bình. Di tích Thành Đồng Hới là di chỉ kiến trúc, là nghệ thuật xây dựng thành lũy và là chứng tích của hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, in dấu ý chí kiên cường quật khởi của quân và dân Quảng Bình. Di tích Lũy Thầy ( Lũy Nhật Lệ ) là một công trình lũy quân sự, do Đào Duy Từ theo lệnh chúa Nguyễn chỉ huy xây dựng nhằm mục đích bảo vệ Đàng Trong khỏi các cuộc tấn công của chúa Trịnh Đàng Ngoài. Di tích Quảng Bình Quan trước kia là công sự chiến đấu, có nhiệm vụ kiểm soát con đường vào dinh Quảng Bình xưa. Quảng Bình Quan hiện nay đang là hình ảnh của đại diện của Quảng Bình. Di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa với chi chít những vết đạn bom và bị phá hủy phân nửa là minh chứng rõ nét nhất cho sự tàn ác của bọn đế quốc. Đèo Ngang là ranh giới Đất nước thời Đại Việt và Chiêm Thành. Sông Gianh là ranh giới của đất nước thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, chia cắt giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài…
Bên cạnh những trang sử hào hùng ấy,Quý khách đến với Quảng Bình không thể không đến với rừng quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bao gốm quần thể rừng nguyên sinh và hang động hùng vĩ. Hệ thống hang động Phong Nha với động Khô và Động nước kì bí và ngoạn mục, hấp dần lạ thường ở trong lòng núi. Rừng nguyên sinh Kẻ Bàng với hệ thống rừng cây cao, nổi tiếng: cây xanh, nước mát trong vắt. Đây là cái nôi của thú rừng sinh sống: hươu, nai, bò tót, hổ…. Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên Thế giới năm 2003, là một khu du lịch sinh thái lí tưởng. Năm 2010,Quảng Bình tiếp tục khai thác động Thiên Đường, một động được tạo hóa ban tặng những tuyệt tác kỳ vĩ và tráng lệ…đã làm tăng thêm giá trị của Quảng Bình.
Sau khi “vượt Trường Sơn” về lại với Đồng Hới, Quý khách sẽ được đắm mình giữa vẻ đẹp hoang sơ của biển Nhật Lệ – trong nắng chiều vàng khi hoàng hôn buông xuống, biển Nhật Lệ như đang chìm trong giấc ngủ cuối ngày, khung cảnh trầm tư mà lãng mạn, ồn ào mà tĩnh lặng. Khi đêm về, cửa biển Nhật Lệ sáng rực như một thành phố lung linh, đứng xa xa nhìn về cửa biển ta thấy như hàng ngàn ánh sao.
Khi đã no nê với những bãi cái vàng cùng những cơn sóng của biển Nhật Lệ, Quý khách tự cho cho mình những món hải sản mà chỉ có ở Quảng Bình mới ngon, mới ngọt đến thế, một du khách đã thôt lên rằng: “những ngao, sò, ốc, cua ghẹ…cũng giống như các vùng biển khác mà sao ở đây có vị lạ thường…”!
Và trên tất cả, có lẻ ấn tượng đẹp nhất, đáng tự hào nhất là những con người Quảng Bình hiện tại, những con người hiền lành, thật thà, chịu thương chịu khó… đã kết hợp với tất cả những gì Quảng Bình có để mang lại cảm giác bình yên, đáng nhớ nhất cho những du khách đến với Du lịch Quảng Bình…Một du khách người Hà Nội sau khi kết thúc một chuyến tham quan đã thốt lên rằng : “ Tuyệt vời, cảm ơn các bạn, cảm ơn tất cả thuộc về Quảng Bình, thực sự những ngày ở đây đã cho cá nhân tôi và cả đoàn có những trải nghiệm rất thú vị và chúng tôi cảm thấy yêu cuộc sống này hơn”…
Ngọc Hoành- Netin
( Du lịch Quảng Bình – www.quangbinhtravel.vn)
Comments