Nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, thôn quê Chày Lập là một điểm đến của khách du lịch trên hành trình khám phá Phong Nha – Kẻ Bàng. Đến với Chày Lập, du khách có thể thưởng thức những món ăn đặc sản thôn quê dân dã, đi bộ trong rừng, dã ngoại bằng xe đạp, chèo thuyền ngắm cảnh trên sông Chày hoặc tham gia lao động sản xuất nông nghiệp cùng với người dân địa phương.
Thôn Chày Lập cách Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng chừng 12km, nằm cạnh đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Chày Lập thuộc vùng đệm của Di sản, ở ngay cửa ngõ phía Bắc vào Vườn Quốc gia, bao quanh là sông và núi. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào rừng.
Trước kia, khi chưa có đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đường đến Chày Lập phải chèo thuyền vượt qua thác hoặc đi bộ cả chục cây số. Chày Lập gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.
Vào cuối năm 2007, Tổ chức Counterpart International Việt Nam bắt đầu giai đoạn khảo sát, lên kế hoạch và thành lập mô hình du lịch Homestay đầu tiên tại thôn Chày Lập.
Mục tiêu của dự án nhằm giảm mức độ xâm hại đến tài nguyên qua việc tạo kế sinh nhai cho hơn 160 hộ gia đình đang sống nhờ vào các sản vật từ rừng ở đây.
Mô hình du lịch thôn quê Chày Lập đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2009 với 15 hộ gia đình tham gia, giải quyết việc làm cho 22 lao động.
Qua 4 năm hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng thôn Chày Lập đã có tác động tích cực đến đời sống của người dân thôn Chày Lập nói riêng và xã Phúc Trạch nói chung.
Mô hình du lịch cộng đồng này đặc biệt được du khách nước ngoài yêu thích và đánh giá cao. Mỗi năm thôn Chày Lập đón khoảng trên dưới 300 lượt khách quốc tế và số khách tăng lên qua từng năm.
Từ đầu năm 2013 đến nay, tuy chưa phải là thời điểm đông khách nhưng Chày Lập đã đón 60 lượt khách quốc tế đến từ các nước Đức, Pháp, Úc và một số nước Châu Âu khác.
Hiện nay, thôn Chày Lập đã xây dựng 3 ngôi nhà gỗ. Một ngôi nhà làm nơi đón tiếp du khách và giới thiệu về tour du lịch, còn lại hai ngôi nhà làm nơi lưu trú cho khoảng 15 khách mỗi lượt. Nhà lưu trú ở đây được xây dựng theo thiết kế nhà ở thôn quê, có diện tích nhỏ và không ngăn cách không gian riêng. Mô hình du lịch cộng đồng này còn được trang bị 10 xe đạp địa hình và 4 thuyền Kayak phục vụ du khách.
Du khách có thể nghỉ đêm tại nhà nghỉ gia đình với những ngôi nhà gỗ truyền thống và trải nghiệm cuộc sống thôn quê, thưởng thức những món ăn dân dã, như: khoai môn, nước chè xanh, cam Phiên, v.v… Đến với mô hình du lịch cộng đồng thôn Chày Lập, ngoài việc tham gia “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân bản địa, điều quan trọng nhất là du khách còn được tham gia những chuyến du lịch mạo hiểm vào rừng sâu, chèo thuyền vượt sông, khám phá nhiều hang động kỳ vĩ.
Việc kết hợp ý tưởng từ những điều đơn giản mang đậm nét chân quê cho kết quả tốt đến không ngờ. Khi tham gia những chuyến du lịch mạo hiểm vào rừng sâu, du khách có thể dùng các loại thực phẩm của địa phương, như: Bò, heo, gà, gạo lứt, muối mè để làm thức ăn; đặc sản cây trái trong vườn như: khoai, sắn, cam, mía, chuối… dùng tráng miệng; chè lá dùng làm thức uống; tận dụng gỗ, khúc cây gãy làm gậy đi rừng, v.v…
So với một số địa phương khác trong cả nước thì mô hình du lịch cộng đồng thôn Chày Lập tuy không phải là mới nhưng do là địa bàn đặc thù tại vùng đệm Phong Nha – Kẻ Bàng nên nó có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Cùng với du lịch hang động và du lịch lịch sử – tâm linh, du lịch cộng đồng là một hướng đi đúng của Quảng Bình trong việc phát triển những giá trị to lớn của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Đặng Hiền
Comments