Trong những năm gần đây, nhờ thế mạnh về đa dạng cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt từ khi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, Quảng Bình trở thành một điểm đến nổi bật.
Để phát huy những tiềm năng thế mạnh đó Quảng Bình đã phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch thám hiểm hang động, du lịch lịch sử, tâm linh. Quảng Bình đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Doanh thu từ các hoạt động du lịch đã tăng lên đáng kể, đưa du lịch trở thành một ngành đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Bình.
Trong năm 2013, ngành Du lịch Quảng Bình đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đây là năm đầu tiên ngành đạt trên 1,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 15% so với cùng kỳ (trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 37.000 lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ). Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 1.200 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành đã đón được 02 đoàn khách du lịch Thái Lan với gần 3.000 người (số lượng đoàn lớn nhất từ trước đến nay qua đường bộ và Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo). Đây là cơ hội để doanh nghiệp các bên tìm kiếm sự hợp tác về kinh doanh du lịch, dịch vụ cũng như sự hợp tác phát triển khu vực 09 tỉnh của 03 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan có sử dụng chung đường 8, đường 12, qua đó góp phần thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Có được những con số ấn tượng đó, trong thời gian qua, Quảng Bình đã phát triển nhiều loại hình du lịch nhằm thu hút du khách đến với Quảng Bình, đặc biệt là khách quốc tế. Một vài năm trở lại đây, Phong Nha Farmstay của vợ chồng anh Benjamin Joseph Mitchell (người Úc) và chị Lê Thị Bích ở (Hòa Sơn, Cự Nẫm, Bố Trạch) được đông đảo du khách nước ngoài biết đến. Đầu tư gần 5 tỷ đồng cho một biệt thự khang trang (gồm 16 phòng ở, bể bơi, phòng giải trí, phòng ăn…) ở một vùng đất khô cằn, sỏi đá. Và cũng từ đó, anh chị đã cùng nhau định hình nên một phong cách phục vụ du lịch rất riêng. Mỗi năm đón 1.000 khách quốc tế.
Không nằm sát bãi biển Nhật Lệ đẹp thơ mộng, không nằm kề cận Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, nhưng Farmstay của vợ chồng anh Benjamin Joseph Mitchell và chị Lê Thị Bích lại được bao bọc bởi những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay và không khí làng quê yên tĩnh, thanh bình. Đây chính là điều mà khách du lịch nước ngoài thích thú và mong muốn được đến để trải nghiệm.
Ông Ross Wilson, du khách người Úc cho biết: “Tôi đã đến nghỉ ở Phong Nha Farmstay để đi tham quan Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Farmstay đã kết nối tour với Trung tâm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng để thăm các hang động rất tuyệt vời. Chúng tôi được nghe về lịch sử các hang động, các di tích lịch sử chiến tranh. Chúng tôi đã đi vào động Phong Nha bằng thuyền, được ngắm cảnh hai bên dòng sông, ngắm cuộc sống của người dân. Đây là một sự trải nghiệm tuyệt vời của chúng tôi khi đến Farmtay và khi về nước chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè và người thân đến với Farmstay, đến với Phong Nha – Kẻ Bàng”.
Khách du lịch hoàn toàn có thể tham gia vào các công việc đồng áng, tự tay trồng rau, tưới cây, bắt cá và chuyện trò với những người nông dân mến khách. Thêm vào đó, chỉ cách các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử (động Phong Nha, động Thiên Đường, suối Nước Moọc, hang Tám Cô…) vài cây số, Phong Nha Farmstay dễ dàng tổ chức nhiều hình thức du lịch trải nghiệm bằng ôtô, xe đạp, xe máy… cho khách du lịch tự lựa chọn. Một thế mạnh không thể phủ nhận của Phong Nha Farmstay chính nằm ở khâu dịch vụ. Farmstay không sở hữu những căn phòng đầy đủ tiện nghi hay khu vui chơi sung túc, nhưng chất lượng dịch vụ nơi đây rất tốt.
Năm 2013, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ khách du lịch cũng đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng mới như: Khách sạn Mường Thanh, Bảo Ninh Resort, Khách sạn Hữu Nghị. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình có 236 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 32 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao. Nhiều khu, tuyến, điểm du lịch mới được đưa vào khai thác như: tuyến du lịch thung lũng Sinh Tồn – hang Thủy Cung, khám phá du lịch thiên nhiên Rào Thương – hang Én, sông Chày – hang Tối, động Tú Làn, động Sơn Đoòng… và bước đầu đã thu được những kết quả tích cực.Chỉ tính riêng tuyến du lịch khám phá động Sơn Đoòng, mặc dù mới đưa vào khai thác thử nghiệm, với giá vé 3.000 USD/người, nhưng trong năm 2013 đã có rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế đăng ký tham quan. Năm 2014 đã có 400 khách đặt tour vào hang và hàng trăm người đã đặt tour trong năm 2015. Các đơn vị kinh doanh du lịch đã mạnh dạn đầu tư phát triển và đưa vào hoạt động các cơ sở hạ tầng, các tua tuyến du lịch tiện nghi, hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Trong thời gian qua, được sự tài trợ của Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê-kông Quảng Bình nhiều tuyến tham quan du lịch được đầu tư nâng cấp, làm mới nhằm đáp ứng ngày càng cao của du khách khi đến với Quảng Bình như: Động Tiên Sơn – Phong Nha, làng du lịch cộng đồng Chày Lập, hạ tầng khu nhà làm việc Hang Tám Cô, Đài quan sát linh trưởng tại Trộ Mợng, vườn thực vật, điểm ngắm thác Gió… Động Tiên Sơn được coi là “Thiên Nam đệ nhất động” là một địa điểm yêu thích của khách du lịch khi đến với Phong Nha – Kẻ Bàng. Để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan du lịch, tìm hiểu nghiên cứu về động Tiên Sơn, vừa qua, được sự tài trợ của Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê-kông Quảng Bình, hệ thống đường lên động và hệ thống đèn chiếu sáng trong động đã được thi công hoàn thành kịp đáp ứng cho khách tham quan du lịch trong năm mới 2014.
Bác Trần Văn Nguyệt, du khách đến từ TP Hải Phòng tự hào khi nói về động Tiên Sơn: “Khi bước chân vào hang động tôi thật sự ngỡ ngàng. Ở nhà đã nghe nhiều lời kể nhưng thực tế hôm nay đến đây tôi mới thấy được sự hoành tráng của động Tiên Sơn. Dù tôi đã đi đến nhiều nước ở Đông Nam Á nhưng không thể so sánh được với Phong Nha – Kẻ Bàng”.
Trong những năm qua, du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng đã trở thành địa chỉ yêu thích của du khách. Số lượng khách du lịch đến tham quan và nghiên cứu, tìm hiểu về Phong Nha – Kẻ Bàng ngày càng đông. Để đáp ứng nhu cầu đó, được sự tài trợ từ Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê-kông Quảng Bình, hệ thống nhà nghỉ cộng đồng thôn Chày Lập đã được xây mới, kịp đưa vào phục vụ du khách trong năm 2014.
Ông Lê Thế Lực, Giám đốc Ban quản lý Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê- kông Quảng Bình cho biết: “Một trong những hoạt động mà Dự án chúng tôi hướng đến là hỗ trợ cộng đồng, phát triển sinh kế, tạo thu nhập, giảm bớt các áp lực về khai thác rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Song song với việc xây dựng một số cơ sở hạ tầng chúng tôi quan tâm đến vấn đề đào tạo, nâng cao cao năng lực hoạt động”.
Mô hình du lịch cộng đồng Chày Lập, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch đi vào hoạt động từ tháng 2/2009 với 15 hộ gia đình tham gia, giải quyết việc làm cho 22 lao động. Qua 4 năm hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng thôn Chày Lập đã có tác động tích cực đến đời sống của người dân thôn Chày Lập nói riêng và xã Phúc Trạch nói chung. Mô hình du lịch cộng đồng này đặc biệt được du khách nước ngoài yêu thích.
Trong năm 2013, thôn Chày Lập đã đón 270 lượt khách quốc tế đến từ các nước Đức, Pháp, Úc và một số nước châu Âu khác đến lưu trú. Nhằm tạo điều kiện cho Hợp tác xã du lịch Chày Lập phát triển, trong năm qua, Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê-kông Quảng Bình đã đầu tư trên 4,7 tỷ đồng xây dựng công trình nhà nghỉ cộng đồng thôn Chày Lập. Khu nhà nghỉ có tổng diện tích khuôn viên trên 13.500m2, bao gồm các công trình: nhà nghỉ, nhà bếp, nhà ăn, nhà kho, nhà chăn nuôi, hồ nước, sân vườn… Các hạng mục công trình được xây dựng theo mô típ kiến trúc dân gian nhằm tạo sự thoải mái cho con người khi đến nghỉ dưỡng ở đây. Việc sớm đưa công trình nhà nghỉ cộng đồng Chày Lập đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thu hút du khách đến trải nghiệm với Phong Nha – Kẻ Bàng, nhưng đây cũng là thách thức lớn đối với Hợp tác xã du lịch Chày Lập nhằm phát huy giá trị của công trình.
Đặc biệt trong năm qua, nhiều cơ sở lưu trú mới được đầu tư bài bản đã đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Khách sạn Mường Thanh được đầu tư 150 tỷ đồng với quy mô 92 phòng, tiêu chuẩn 4 sao. Khách sạn Mường Thanh có đầy đủ các phòng chức năng như: thể dục – thể thao, spa, bể bơi, khu vui chơi giải trí đầy đủ tiện nghi đáp ứng cho khách trong nước và quốc tế. Mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty cổ phần Du lịch Quảng Bình cũng đã đầu tư trên 32 tỷ đồng để nâng cấp Khách sạn Hữu Nghị lên tiêu chuẩn 3 sao nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong tình hình mới.
Song song với việc tăng cường cơ sở vật chất, trong thời gian qua, Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Bình đã phối hợp với Ban quản lý Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê-kông tỉnh Quảng Bình mở nhiều lớp tập huấn đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên các cơ sở lưu trú như: Tổ chức các hội thảo “Doanh nghiệp lữ hành trong kết nối các làng nghề truyền thống và sản phẩm địa phương phục vụ du lịch”, “Giải pháp công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ và quảng bá du lịch Quảng Bình”. Thông qua các hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá hiện trạng du lịch của tỉnh, đồng thời tham gia nhiều ý kiến, tham luận góp phần tăng cường thêm mối quan hệ và kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành với các làng nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm địa phương, tạo cơ hội mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bên cạnh đó, các đơn vị khai thác, kinh doanh du lịch đẩy mạnh việc kết nối nhằm xây dựng môi trường du lịch lành mạnh hơn; nghiên cứu khôi phục làng nghề, tạo ra những sản phẩm truyền thống có giá trị giới thiệu đến du khách.
Các cơ quan quản lý du lịch cần xây dựng, phổ biến chiến lược, quan điểm phát triển của địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng để phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt, Hiệp hội Du lịch Quảng Bình cần cố gắng đẩy mạnh hoạt động tạo cầu nối liên kết giữa các Công ty, các đơn vị tổ chức du lịch. Ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Bình, nhận định tính liên kết giữa các cơ sở lưu trú với nhau và giữa các cơ sở lưu trú với những đơn vị khác như: công ty lữ hành, công ty tổ chức dịch vụ… vẫn còn rời rạc, thiếu hiệu quả. Các cơ sở lưu trú vẫn chưa thực sự cùng ngồi lại với nhau để tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn, mà vẫn chủ yếu mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó, các đơn vị lưu trú của tỉnh Quảng Bình chỉ mới đáp ứng yêu cầu nhỏ lẻ của khách, chưa biết kết nối để phục vụ các nhu cầu khác như: đi tham quan du lịch, trải nghiệm ở các làng nghề, thưởng thức ẩm thực bản địa đặc sắc.
Không chỉ là xứ sở của các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, Quảng Bình còn được biết đến là vùng đất văn vật, có bề dày về truyền thống lịch sử với hàng chục di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh… Đây là những lợi thế để tỉnh Quảng Bình đầu tư vào lĩnh vực du lịch lịch sử, tâm linh – một loại du lịch mang tính bền vững, có thể khai thác cả 4 mùa trong năm.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đưa du lịch văn hóa tâm linh vào các tour du lịch trong phạm vi nội tỉnh như tour: Đồng Hới – Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Khu lăng mộ và đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Đồng Hới – đền thờ Liễu Hạnh công chúa – Đá Nhảy; Đồng Hới – Phong Nha – hang Tám Cô – suối Nước Moọc; Đồng Hới – động Thiên Đường – hang Tám Cô… Để khai thác có hiệu quả loại hình du lịch này, năm qua, tỉnh Quảng Bình đã có sự đầu tư tôn tạo nhiều di tích lịch sử, văn hóa và khôi phục các lễ hội truyền thống. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2013 hàng nghìn lượt người đã đến Vũng Chùa – Đảo Yến để thắp hương viếng mộ Đại tướng. Đây sẽ là một điểm du lịch lịch sử, tâm linh mà khách du lịch chọn Quảng Bình là điểm đến.
Để khẳng định thương hiệu của du lịch Quảng Bình với bạn bè trong nước và quốc tế, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tại Thái Lan, Lào, Đức; tham gia các hội chợ triển lãm du lịch ở Huế, TP Hồ Chí Minh… Ngoài ra, ngành Du lịch tỉnh đã tích cực hợp tác với các hãng truyền hình của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức và nhiều kênh truyền hình quốc gia để làm phim, xây dựng các chương trình giới thiệu, quảng bá về du lịch tỉnh nhà. Ngành cũng đã phối hợp với Công ty lữ hành quốc tế Oxalis (Công ty du lịch mạo hiểm chuyên tổ chức tour du lịch đến các điểm du lịch trong Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và khám phá hang động thuộc huyện Minh Hóa) tổ chức họp báo giới thiệu về du lịch Quảng Bình với 62 hãng du lịch quốc tế, 40 hãng du lịch trong nước.
Với mục tiêu xây dựng ngày càng nhiều sản phẩm du lịch để thu hút du khách, tỉnh Quảng Bình đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, khai thác thế mạnh về du lịch, trong đó có du lịch mạo hiểm – một thế mạnh của du lịch tỉnh nhà đang có sức hấp dẫn với du khách quốc tế và du khách trẻ tuổi. Công ty lữ hành quốc tế Oxalis đã mời chuyên gia hàng đầu về hang động – ông Howard Limbert, đến từ Hiệp hội thám hiểm hang động Hoàng gia Anh – để quảng bá du lịch hang động và đào tạo hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm. Ngành cũng đã hình thành được các tour như rào Thương – hang Én đến Phong Nha, hành trình khám phá đỉnh U Bò – đỉnh núi cao nhất trong quần thể Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Gần đây, tuyến du lịch mới khám phá hệ thống hang động Tú Làn với nhiều hang có vẻ đẹp huyền ảo của thạch nhũ, thác nước cùng sự kỳ vĩ của dòng sông ngầm còn nguyên nét hoang sơ đang được khai thác và đã có rất đông khách trong nước và nước ngoài đến khám phá thiên nhiên. Một số địa danh du lịch đã được khai thác phục vụ du khách như: khám phá hang Sơn Đoòng (hang động tự nhiên lớn nhất thế giới), động Thiên Đường (động có cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam) và các tuyến du lịch rào Thương – hang Én, thung lũng Sinh Tồn, sông Chày – hang Tối… mở ra những triển vọng mới cho du lịch mạo hiểm của tỉnh. Một trong những hướng đi có tính đột phá của Quảng Bình là bên cạnh khai thác xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm, tỉnh còn đầu tư một loại hình du lịch mới là du lịch hội nghị trong hang động, bước đầu sẽ đầu tư tại cụm hang động Tú Làn.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Bình cho biết: “Năm 2014, chúng tôi tập trung vào một số mô hình như Farmstay, homestay… để thu hút khách nước ngoài đến với Quảng Bình. Riêng đối với khách nội địa, chúng tôi quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đối với các tour, tuyến. Năm 2014, chúng tôi sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn và công nhận cho các nhà hàng đạt chuẩn nhằm tạo đị chỉ tin cậy đối với du khách khi đến Quảng Bình. Mở rộng các mặt hàng du lịch gắn với các làng nghề truyền thống. Chúng tôi cũng sẽ quan tâm đến vấn đề tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch”.
Năm 2014, Quảng Bình đặt mục tiêu thu hút 1,3 triệu lượt khách, trong đó có 40.000 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 1.300 tỷ đồng. Đồng thời, phấn đấu từng bước đưa du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2014 là năm sẽ có nhiều sự kiện quan trọng như: Kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 25 năm tái lập tỉnh và 55 năm Ngày mở đường Trường Sơn. Đây là thời cơ để ngành Du lịch Quảng Bình đẩy mạnh các hoạt động nhằm thu hút khách du lịch đến với Quảng Bình. Tin chắc rằng với tầm nhìn mới, cách làm mới, du lịch Quảng Bình sẽ tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến để tận hưởng và khám phá.
Comments