Chiều 8-5, Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Bình cùng Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội đã tổ chức hội nghị kết nối vận tải hành khách đường sắt, đường bộ và du lịch lữ hành tại Quảng Bình.
>> Về Quảng Bình viếng mộ Đại tướng, Tham quan Phong Nha, Thiên Đường
Hiện nay, tỉnh ta có nhiều ưu thế về giao thông vận tải với đầy đủ các loại hình: đường bộ, đường thủy, hàng hải, đường sắt, hàng không… rất thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, du lịch và khám phá. Đáng chú ý, khách du lịch đến với Quảng Bình thông qua vận tải đường sắt hiện đang tăng mạnh. Cụ thể, riêng ngày 29-4, đã có hơn 2.000 khách đi tàu về Đồng Hới và trong 4 ngày nghỉ có đến 6.100 khách.
Sự lựa chọn vận tải đường sắt chiếm được nhiều ưu thế bởi đây là cung đường hợp lý (từ Hà Nội đến Quảng Bình dài 500 km) nên thời gian xuất phát và đến ga phù hợp với nhiều tour du lịch. Đặc biệt, trong khi tai nạn giao thông đường bộ đang diễn biến phức tạp thì việc lựa chọn vận tải đường sắt vừa thoải mái vừa an toàn.
Vì vậy, từ ngày 29-4, theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội đã tổ chức đôi tàu khách mang ký hiệu QB1 và QB2 để phục vụ khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc đến Quảng Bình. Tuy nhiên, hoạt động vận tải hành khách đường sắt là chỉ đưa khách đến các ga, còn việc kết nối với các loại hình du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của khách. Vì vậy, tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã bàn các phương án để triển khai kết nối vận tải đường sắt, vận tải đường bộ và khách sạn, du lịch lữ hành thành một chuỗi khép kín.
Theo đó, có nhiều phương án được đưa ra như: điều chỉnh điểm dừng đón, trả khách tại ga Đồng Hới trong hành trình tuyến xe buýt Đồng Hới-Phong Nha và nối tuyến Đồng Hới-Ba Đồn thành Đồng Hới-Hòn La; đầu tư xe vận tải khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch để tiếp cận với ga Đồng Hới và một số ga do ngành đường sắt chỉ định nhằm kết nối với các khách sạn, đơn vị du lịch lữ hành; các đơn vị kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ chủ động cùng đầu tư kết nối từ ga nhận khách (Hà Nội) đến tận khách sạn và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh…
Các đại biểu cũng đã tham gia đóng góp và đề xuất nhiều ý kiến và kiến nghị xung quanh các vấn đề: phương tiện vận chuyển đường bộ; cách thức kết nối; cách tính giá vé, giá phòng nghỉ; thời gian chạy tàu… với mục đích tạo điều kiện thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều du khách đến Quảng Bình, và tham quan được nhiều nơi, lưu trú được nhiều ngày, sử dụng nhiều sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương và con người Quảng Bình đến với bạn bè trong và ngoài nước.
N.L – Báo Quảng Bình
Comments