Đẩy mạnh liên kết hợp tác trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch


Trong những năm vừa qua, công tác quảng bá xúc tiến du lịch được quan tâm, và là một phầm quan trong trong Chương trình phát triển Du lịch Quảng Bình nhằm hỗ trợ thu hút khách, tạo dựng thương hiệu và hình ảnh cũng như quảng bá sản phẩm du lịch của tỉnh. Vì vậy, công tác quảng bá xúc tiến du lịch đã đưa lại hiệu quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Một trong những nguyên nhân là trong quá trình hoạt động, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

>> NETIN kích cầu Du lịch Quảng Bình

  Từ những thực trạng

Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, ngành Du lịch Quảng Bình đã đẩy mạnh việc liên kết phát triển du lịch, đặc biệt là liên kết hợp tác trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: hợp tác giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương, vùng miền, giữa khu vực nhà nước với  tư nhân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề với nhau. Tuy nhiên, tính liên kết, hợp tác vẫn chưa cao, đôi khi mang tính hình thức. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn và các doanh nghiệp du lịch, hiện nay sự phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương có liên quan còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ; hoạt động hợp tác phát triển du lịch nói chung và việc liên kết trong quảng bá xúc tiến du lịch nói riêng nhìn chung vẫn mang tính tự phát, thiếu sự liên kết phối hợp, được thực hiện một cách manh mún, dàn trải, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp; ngay cả công tác tiếp thị, xúc tiến thị trường của đa số doanh nghiệp du lịch trong tỉnh chưa được định hướng chung vì chưa hề có nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng thị trường nên lúng túng và thiếu tính chuyên nghiệp. Hay nói cách khác, công tác liên kết hợp tác quảng bá xúc tiến du lịch hiện nay vẫn trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”; từ đó, khiến cho việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh, quảng bá sản phẩm và dịch vụ du lịch của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn và thiếu tính bền vững.

Đơn cử một số hoạt động liên kết hợp tác thời gian qua giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch; lữ hành với kinh doanh lưu trú, nhà hàng, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch trong thời gian qua tuy đã có sự quan tâm nhưng hầu hết chưa có “tiếng nói chung” và coi trọng “chữ tín” nên thường xẩy ra tình trạng hễ cứ đến mùa du lịch cao điểm các cơ sở lưu trú, nhà hàng tha hồ hét giá “chặt chém” du khách, làm cho khách du lịch và các đơn vị lữ hành nhiều khi phải khổ sở dở khóc dở cười “ngậm bồ hòn làm ngọt” dẫn đến huỷ bỏ tour. Hoặc, đến mùa du lịch thấp điểm các cơ sở lưu trú lại đua nhau giảm giá để níu kéo khách, tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm phương hại đến lợi ích và hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Bình. Ngay ở khu vực nhà nước, sự liên kết hợp tác trong hoạt động quảng bá xúc tiến còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa tập trung thống nhất khiến nguồn lực bị phân tán và hiệu quả chưa cao.

Sự liên kết hợp tác về quảng bá xúc tiến giữa các địa phương, vùng miền phần lớn mới chỉ dừng lại ở hình thức, trao đổi kinh nghiệm mang tính chung chung theo kiểu “ghi nhớ, hứa hẹn”, việc thực hiện trên thực tế còn rất hạn chế mà chưa có lộ trình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bên tham gia phối hợp; chưa thống nhất cách thức triển khai những nội dung đã được cam kết. Hiện nay hầu hết các địa phương đều có kế hoạch xúc tiến quảng bá của mình nhưng chưa có sự chia sẻ thông tin giữa các địa phương để cùng kết hợp xây dựng kế hoạch quảng bá xúc tiến trọng tâm có tính quy mô và liên kết cao giữa địa phương, vùng miền cho dù các địa phương đã “bắt tay hợp tác” cam kết với nhau.

Ngay về hợp tác liên kết quảng bá xúc tiến du lịch giữa cơ quan Trung ương và các địa phương đang còn nhiều điều đáng bàn. Lấy ví dụ, hiện nay các địa phương tỉnh, thành rất cần chiến lược xúc tiến dài hơi của Ngành để làm cơ sở cho việc định hướng công tác xây dựng chương trình quảng bá xúc tiến du lịch và kế hoạch hàng năm cho địa phương mình phù hợp với chiến lược chung. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một chiến lược hoàn chỉnh. Mặt khác, để thực hiện các chương trình xúc tiến quảng bá, thông thường phải có kế hoạch ít nhất sáu tháng, thậm chí trước đó cả năm nhưng cách làm của cơ quan Trung ương thì ngược lại nên các địa phương không thể tham gia do bị động về kinh phí và thời gian xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện.

        Đề xuất các giải pháp thực hiện

Việc tăng cường liên kết hợp tác trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch giữa cơ quan Trung ương và địa phương, giữa địa phương với địa phương, giữa các vùng miền, giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau là hướng đi cần thiết hiện nay của du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng. Để thực hiện được việc này, cần có những giải pháp sau:

– Tăng cường sự liên kết giữa Trung ương với địa phương trong công tác xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch, trên cơ sở chương trình, kế hoạch của các địa phương phải phù hợp với chiến lược quảng bá xúc tiến du lịch của quốc gia. Trong đó, cơ quan Trung ương đóng vai trò chủ trì trong công tác nghiên cứu thị trường khách du lịch, từ đó xây dựng thông tin thị trường trọng điểm và tiềm năng của du lịch Việt Nam và các địa phương, doanh nghiệp. Đây là công việc rất quan trọng và cần được thực hiện một cách đồng bộ, xuyên suốt trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch.

Cần nghiên cứu công tác phối hợp triển khai chương trình xúc tiến du lịch tại các thị trường khách du lịch trọng điểm một cách hợp lý giữa cơ quan Trung ương và địa phương. Các địa phương nghiên cứu tham gia các hoạt động xúc tiến do cơ quan xúc tiến du lịch Trung ương tổ chức hoặc các địa phương tự tổ chức tại các thị trường mới, tiềm năng. Cách làm này mới có thể huy động nguồn lực xã hội hoá và nâng cao tính chủ động của địa phương, tránh sự chồng chéo, phân tán nguồn lực.

– Tăng cường việc liên kết giữa ngành du lịch Quảng Bình với các ngành liên quan như: Giao thông vận tải, Công Thương, Ngoại vụ, Biên Phòng, Hải Quan, Tài nguyên môi trường, hàng không, đường sắt…trong việc xây dựng lộ trình và phát huy các cơ chế phối hợp liên ngành, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cho khách du lịch, cải tiến các thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

– Đẩy mạnh việc liên kết giữa các địa phương trong vùng để quảng bá xúc tiến tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về tính liên kết vùng, liên kết địa phương nhằm phát huy tối đa các nguồn lực về tài nguyên tự nhiên và nhân văn; phối hợp, liên kết tổ chức các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước để nâng cao tính chuyên nghiệp, quy mô, hiệu quả, tiết kiệm; tránh tình trạng manh mún, trùng lặp, dàn trải trong hoạt động quảng bá xúc tiến; tăng cường liên kết trong việc tổ chức xây dựng và thực hiện quy hoạch, phát triển sản phẩm, kết nối tour-tuyến liên tỉnh, liên vùng, xúc tiến đầu tư, quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch bền vững trong mối quan hệ phát triển du lịch liên vùng.

–  Liên kết giữa khu vực nhà nước với tư nhân, trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lĩnh vực du lịch trong việc tổ chức các hoạt động phát triển thị trường; phối hợp cùng doanh nghiệp, hiệp hội du lịch thực hiện công tác quảng bá xúc tiến, gắn với việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh với quảng bá thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp; đồng thời có cơ chế phối hợp, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm hợp lý bảo đảm tính khuyến khích để các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề trở thành “người bạn đồng hành” đắc lực trong công tác phát triển sản phẩm và quảng bá xúc tiến du lịch.

– Cùng với việc phối hợp liên kết giữa Trung ương và địa phương, liên kết vùng, các địa phương với địa phương, giữa khu vực nhà nước với tư nhân thì sự phối hợp liên kết giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch trong tỉnh là hết sức quan trọng. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ khác nhau như: liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và kinh doanh cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí; liên kết giữa các cơ sở lưu trú; các doanh nghiệp lữ hành với nhau; liên kết trong xây dựng điểm đến, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch… Để thực hiện được nội dung này, các doanh nghiệp du lịch cần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch và kết nối các tour-tuyến, khu du lịch; tập trung phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch phù hợp với thị hiếu của khách gắn với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để kết nối với các nguồn khách đến với Quảng Bình. Sự gắn bó chặt chẽ của các doanh nghiệp du lịch trorng quá trình liên kết sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn và giá trị của hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm và hiệu quả kinh doanh. Các mối liên kết này sẽ là nhân tố hình thành nên chất lượng cao, đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch.

Trong bối cảnh phát triển du lịch hiện nay, việc đẩy mạnh sự hợp tác liên kết trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch là hướng đi và yêu cầu cấp bách hiện nay của ngành Du lịch. Việc liên kết hợp tác trong quảng bá xúc tiến du lịch, ngoài việc đưa lại lợi ích phát triển du lịch cho các bên tham gia, còn tạo nên khả năng cạnh tranh giữa các bên liên quan nhằm thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương và tỉnh Quảng Bình. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch trong cơ chế thị trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch./.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour