Nằm bên dòng sông Kiến Giang êm đềm thơ mộng, Lệ Thủy từ lâu đã được nhiều du khách biết đến với sản phẩm bánh gai truyền thống khá nổi tiếng.
Theo nhiều cụ già tại thị trấn Kiến Giang, nghề làm bánh gai đã có từ rất lâu. Ban đầu, bánh tròn như quả chanh, không có lá bọc, chỉ được dùng trong ngày Tết hay nhà có giỗ chạp. Còn nay, bánh gai đã được làm quanh năm, trở thành đặc sản Quảng Bình để du khách chọn làm quà khi đến Lệ Thủy. Làm bánh gai rất công phu, kỳ công ở tất cả các công đoạn. Trước hết là lá gai. Đây là nguyên liệu giữ vai trò chính mang laị vị đặc trưng cho bánh. Lá gai thường mọc ở rừng. Cũng có khi có người tự trồng lấy. Lá gai giúp cho bánh có màu xanh đen và hương vị chát. Lá hơi sần, xốp, khô, đem rửa sạch, luộc chín để thật ráo nước rồi đem vào cối giã. Giã đến khi nào lấy hai đầu ngón tay xe thấy mát mịn là được.
Nguyên liệu đi cùng với lá gai là gạo nếp. Nếp ngâm với nước vài giờ cho mềm, sau đó mang đi xay, dùng tay kiểm tra thấy đúng độ nhuyễn, dẻo thì đạt yêu cầu. Rây bột phải kỹ càng, chầm chậm. Phần không thể thiếu được để chiếc bánh thơm ngon là nhân bánh. Nhân bánh gai Lệ Thủy thường làm bằng đậu xanh, dừa, đường thêm chút quế và va ni để tạo mùi thơm. Đó là bánh ngọt. Nếu là bánh mặn thì dùng tôm xào với thịt nạc và một ít gia vị khác.
Khi làm bánh, những người làm nghề có kinh nghiệm pha chế mật “non” hoặc “già” còn tùy thuộc vào thời tiết nữa. Những người thợ giàu kinh nghiệm thường lấy mắt mà nhận biết. Bột đem nặn từng cục tròn rồi dàn mỏng trên lòng bàn tay, nhân cho vào giữa, vê bánh tròn, sau đó lăn bánh trên mâm đã rải đều hạt vừng. Vừng làm bánh phải được đãi sạch, phơi khô, lớp lụa ngoài tróc vỏ, tránh làm vỡ hạt vừng. Vừng không thể thiếu vì tác dụng của vừng không chỉ tạo cho bánh gai ngọt, bùi, béo, mà còn làm cho bánh dễ bóc. Vừng sống khi gặp nhiệt độ cao, dầu vừng chảy ra, đủ độ bôi trơn vỏ bánh chứ không làm ướt bánh.
Gói bánh gai nhất thiết phải bằng lá chuối, nhà cầu kỳ phải lên rừng lấy cho được loại lá chuối tiêu già thì bánh mới thật thơm ngon. Lá chuối được đệm nhiều lượt để tạo mùi thơm đặc trưng của bánh và để cho bánh định hình. Đây cũng là cách tốt nhất để bảo vệ bánh được lâu và giữ được hương vị.
Sau cùng là phần hấp bánh cũng là công đoạn khó. Người thạo nghề muốn biết bánh chín hay chưa, chỉ cần kiểm tra bằng mắt và ngửi mùi thơm là đủ. Thử bằng cách bóc bánh nhanh thấy mặt bánh rỗ đều là bánh đã chín. Thời gian để bánh chín thường được căn cứ vào số lượng bánh trong nồi to hay nhỏ, ít hay nhiều, nhiệt độ cao hay thấp.
Biết công thức là vậy, nhưng để làm ra bánh ngon phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ trộn các nguyên liệu, chọn nếp, xay nếp, chọn lá gai, hấp bánh… Bà Nguyễn Thị Hoan (thị trấn Kiến Giang), người đã làm bánh gai lâu năm tại đây kể về cách làm bánh gai truyền thống: “Bên cạnh công thức mà người Lệ Thủy ai cũng biết thì có một số nguyên tắc phải tuân thủ như bột làm bánh là bột nếp, không được lẫn gạo tẻ. Nếu lẫn tẻ bánh sẽ cứng. Tất cả nguyên liệu phải sạch sẽ, bảo đảm chất lượng. Như nhà tôi làm bánh lâu năm, thời trước đường trắng đắt nhưng tôi vẫn phải dùng và chấp nhận hòa vốn để giữ được hương liệu”.
Hiện nay, trong các khâu làm bánh, nhiều gia đình vẫn luôn giữ được những nét truyền thống như thế. Và điều này đã tạo nên nét riêng của thương hiệu bánh gai xứ Lệ: ngon miệng ngay bởi mùi lá gai chân chất, dân dã bởi màu bánh mịn, mượt, đen nhánh và điểm lấm tấm những hạt vừng.
Tuy nhiên, làng bánh gai Lệ Thủy hiện gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất bánh gai vẫn duy trì kiểu làm ăn manh mún, lại thiếu vốn, chưa liên kết để tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm và chưa có máy móc công nghệ cao để có thể bảo quản bánh gai được lâu hơn. Bánh gai là một sản phẩm ẩm thực, du lịch độc đáo của Lệ Thủy. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tạo mọi điều kiện để xây dựng thương hiệu cho bánh gai Lệ Thủy nhằm phát huy giá trị của loại đặc sản này phục vụ hoạt động du lịch.
Theo Báo Quảng Bình
Comments