Động Phong Nha là di sản thiên nhiên thế giới, Phong Nha có hang nước dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát và đá rộng đẹp nhất, Hồ ngầm đẹp nhất, Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, Dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam, Hang khô rộng và đẹp nhất. Nhưng tên gọi Phong Nha từ đâu? Và Phong Nha nghĩa là gì?
Một số người làm hướng dẫn viên du lịch đã thử giải thích Phong Nha là gì.
Một người kể, một hôm có đoàn khách Anh cắc cớ hỏi như trên. Anh nghĩ Nha tức Gia gọi trại mà thành, bèn giải thích: “Phong Nha is the house of wind” (tức Nhà gió).
Một người khác, chuyên khách các tour tìm hiểu phong tục – văn hóa, không đồng ý và có cách giải thích sát sườn hơn: “Phong Nha is the tooth of wind”. (tức Răng gió). Vậy rồi, chàng guider lưu loát dẫn cứ liệu từ 1 cuốn sách hướng dẫn thắng cảnh Việt Nam: “Từ trên cao nhũ đá tỏa xuống tua tủa như những chiếc răng lớn và gió không ngừng lùa qua những kẽ răng. Vì thế, Phong Nha là… răng của gió! Rộng ra hơn, Phong có nghĩa là phong phú, đầy đủ. Vậy Phong Nha còn có nghĩa… nhiều răng, được mùa! Rất phù hợp với quốc gia nông nghiệp, có nền văn minh lúa nước như Việt Nam”.
Không chịu thua, chàng kia suy luận: “Hay Phong Nha là từ Phong Nhũ trại ra? Nếu đúng vậy thì Phong Nha nghĩa là… Vú gió!”.
Cứ liệu lịch sử thì như sau:
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, qua tra cứu các thư tịch cổ viết bằng chữ Hán, lần đầu tiên ông thấy từ Phong Nha xuất hiện tại Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (1776).
Ở phần ghi chép danh sách các phủ, huyện, tổng, xã, thôn, trang, trại, sách của hai xứ Thuận – Quảng, ông Lê Quý Đôn cho biết: Phong Nha lúc ấy là tên của một đơn vị hành chánh ở miền núi, tương đương với cấp làng, xã ở miền đồng bằng. Còn sau đó, ai dùng địa danh này để gọi luôn tên của khu hang động tại chỗ từ bao giờ thì chưa có tư liệu nào khẳng định.
Theo một số bài viết của một số người Pháp như Buoffier (1930), Antoie và Michel (1932), Madeleine Colani (1936): tên động Phong Nha (hoặc Les Grottes des Phong Nha) đã bắt nguồn từ ngôi làng ấy và được dùng sớm nhất vào thập niên 1920.
Trong 1 bài viết trên tạp chí Du lịch Đà Nẵng 07.2003, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã dẫn ra những cứ liệu mới, đáng để suy ngẫm.
Xin tóm lược: Trong cả 3 tư liệu Đồng Khánh Địa dư Chí lược (bản viết tay, khoảng 1886 – 1888), Đồng Khánh Ngự lãm Địa dư Chí đồ (in tại Tokyo 1943, tập hạ, huyện Bố Trạch) và Đại Nam Nhất thống chí (ấn hành năm 1909 – Duy Tân thứ 3, quyển 8 tỉnh Quảng Bình) thì tự dạng của địa danh Phong Nha đều được viết giống nhau. Theo đó, Phong nghĩa là đỉnh núi.
Từ điển Từ Nguyên cắt nghĩa rất rõ: “Sơn chi trực thượng nhi nhuệ giả viết phong” (tức Phần trên của đỉnh núi thẳng mà nhọn, gọi là phong). Cón ý nghĩa của nhữ nha rất phức tạp. Nghĩa đen thông thường nhất là một lọai hình cơ quan làm việc của nhà nước (nha sở, nha môn…). Từ điển Từ Nguyên định nghĩa nha là quan thự.
Từ điển Khang Hy ghi một nghĩa khác là nha tham.
Từ điển Từ Hải giải thích nha tham: “Quan lại ư đại phủ chi nha bạch quyết chính sự vị chi nha tham” (tức Các quan lớn tập họp ở quan thự của phủ lớn để bàn bạc công việc chính trị thì gọi là nha tham).
Cũng theo ông Phan Thuận An, cũng cần chú ý đến nghĩa thứ tư của chữ nha trong từ điển Khang Hy: “Phàm bài liệt thành hàng hữu tự nha tham giả giai viết nha” (tức Phàm những gì sắp xếp thành hàng trông có phần giống như các quan lại sắp hàng ở phủ nha thì đều gọi là nha).
Một điều thú vị là ở nghĩa thứ 2 của chữ nha trong từ điển Từ Nguyên, có trích câu thơ của Trần Tạo (một tiến sĩ đời Tống sống cách nay trên 800 năm), trong đó có hai chữ phong nha: “Cao sơn như thọ chúng phong nha” (tức Đỉnh núi cao xếp đều đặn thành từng dãy như các quan đứng sắp hàng để nhận lệnh thượng cấp).
Do có một số địa danh xưa ở nước ta được lấy từ các địa danh có sẵn bên Trung Hoa, nhà nghiên cứu cất công đối chiếu. “Rất may!”, ông Phan Thuận An reo lên: “Không thấy có địa danh Phong Nha nào bên ấy, vì vậy Phong Nha ở tỉnh Quảng Bình là địa danh có một không hai”.
Ông kết thúc bài viết: “Tóm lại, Phong Nha không phải là răng của gió hay là nhiều răng hoặc nhà gió (càng không phải là vú của gió!). Địa danh này đã được đặt ra do gợi ý từ hình tượng những ngọn núi nằm thành từng dãy đều đặn như hình ảnh các quan đứng thành hàng theo thứ tự phẩm trật trên sân chầu”.
Liên tưởng theo cách ấy, có thể nghĩ khu hang động Phong Nha – Kẻ Bàng đã đứng đợi trên sân chầu… Liên Hiệp Quốc từ lâu và nay đã đến phiên UNESCO gọi tên, xưng tụng là Di sản Thiên nhiên Thế giới!
Sưu tầm
Comments
Trương Công Kiên
Tôi đưa ra giải thích như sau:
Nhìn ảnh mọi người có thể tưởng tượng các tảng đá phản chiếu với mặt nước nhìn như hàm răng đang ngậm của con người. Vậy từ phong nha sẽ được hiểu là “răng cửa” = “răng gió” = “phong nha”
Lê Xuân Lợi
Tôi là dân Quảng Bình mà giải thích Phong Nha vậy như bày viết trên thì chưa thuyết phục.
Không nên đưa phong nha tính từ của Trần Tạo bên Tàu sang giải thích danh từ Phong Nha được. Tôi có nhiều chữ “Nha” nghĩa này từ Quảng Bình vào Nam Trung bộ và Tây Nguyên luôn các bạn
Tran Cuong Quang Binh
không phải ạ. Bài này nói ko phải mà