14:02 - 16.09.2024
Chùa Hoằng Phúc ngôi chùa cổ nhất Miền trung
13:59 - 16.09.2024
Chùa Hoằng Phúc với khởi nguồn là am Tri Kiến, chùa Kính Thiên, dân gian thường gọi là chùa Trạm hay chùa Quan, thuộc phường Thuận Trach (nay là xã Mỹ Thủy), huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những đại danh lam thuộc loại cổ nhất trên đất Quảng Bình với chiều dài lịch sử trên 700 năm, từ sự kiện ghi dấu bước nhận hành hỏa của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến vân du phương Nam (1301) đến am Tri Kiến để ở và thuyết pháp truyền giảng giáo lý Phật giáo.
Chùa Hoằng Phúc có niên đại hơn 700 năm
Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, chùa Hoằng Phúc đã khẳng định vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Quảng Bình nói chung và người dân Lệ Thủy nói riêng. Điều đó được minh chứng qua các sự kiện và sự kế tục không gián đoạn tử khi Phật hoàng Trần Nhân Tông mang tư tưởng Phật giáo về giáo hóa tại chùa.
Trong các sách: Ô Châu cận lục của Dương Văn An, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí hoặc trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Quảng Bình thắng tích lục của Trần Kinh, Nguyễn Kim Chi đều nhắc đến chùa Hoằng Phúc; đặc biệt là những lần các vị vua, chúa Nguyễn viếng thăm, để thơ vịnh cảnh tại chùa.
Trải qua chiến tranh loạn lạc, chùa Hoằng Phúc vẫn tồn tại và phát triển với nhiều lần trùng tu và phục dựng của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn, vua Nguyễn.
Năm 1609, chúa Nguyễn Hoàng đã cho dựng lại chùa trên nền cũ và đặt tên là Kinh Thiên
Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa, cho tu sửa lại, ngự để hai bức hoành biểu “Kính Thiên tự“, “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh) và ngụ chế 5 đôi liễn treo ở chùa.
Xem thêm: Kinh nghiệm Du lịch Quảng Bình
Năm 1821, vua Minh Mạng ghé thăm chùa, cho đổi tên chùa thánh “Hoằng Phúc tự”. Năm 1823, vua ban 100 lạng bạc cho tu sửa lại chùa. Năm 1826, vua lại ban thêm 150 lạng bạc để tu sửa thêm.
Năm 1842, vua Thiệu Trị ngự giá Bắc tuần, có Đức ông Tùng Thiện Quận vương tháp tùng, đến thăm chùa Hoằng Phúc, cấp 300 lạng bạc để trùng tu chùa. Vua và Quận vương đều có đề thơ vịnh cảnh chùa, ghi lại thắng tích khắc trên biển đồng treo trong chùa.
Cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20, sau một thời gian dài chùa bị hư hỏng do chiến tranh loạn lạc, nhất là biến cố thất thủ Kinh đô, dấy nghĩa Cần Vương thì vào khoảng năm 1918 thì chùa mới có thiện duyên được một vị Thượng thư Bộ lễ trí sự phát tâm trùng tu, cụ thể là xây bình phong, cổng tam quan và hai dịch môn tả, hữu. Hiện nay, người thăm chùa vẫn còn thấy một dịch môn hình vòm trên có đắp 4 chữ “Tả Quảng Độ Môn”., bị rễ và thân cây cổ thụ bao khắp. Qua khảo sát cho thấy, đây là một dạng cổng có qui mô, ngay cả kinh đô Huế trong giai đoạn ấy dường như cũng không có được mấy ngôi chùa có kiểu tổ hợp cổng như thế.
Ngôi chùa gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử
Chùa Hoằng Phúc không những là nơi thờ tự Đức Phật, nơi hoằng dương Phật pháp mà còn là nơi gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương qua các thời kỳ.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, với vị trí nằm ở vùng bán sơn địa, xung quanh cây cối um tùm và giáp với Mỹ Thổ – Trung Lực, nơi ra đời chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở phía Nam tỉnh Quảng Bình (1931). Chùa Hoằng Phúc đã trở thành cơ sở cách mạng, nuối giấu, che chờ cho cán bộ về đây hoạt động. Tại ngôi chùa này đã chứng kiến biết bao lần các đồng chí đảng viên chi bộ Mỹ Thổ – Trung Lực về tuyên truyền vận động để đi đến thành lập nhóm Thanh niên cách mạng gồm có các đồng chí Trần Chi Hiền, Võ Chí Vệ, Hoàng Minh Kính, Trần Tác, Trần Thị Giữ…
Và cũng từ đây nhóm thanh niên cách mạng đã đề ra việc thành lập cá hội ái hữu, hội gặt, hội rừng… để tập hợp lực lượng chống sưu cao thuế nặng, chống địa chủ bốc lột, đồng thời tuyên truyền chữ quốc ngữ để từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, tư tưởng cách mạng trong tầng lớp nhân dân. Đặc biệt năm 1943, đồng chi Bùi Trung Lập cán bộ của Xứ uý Trung Kỳ cũng đã đến đây để gặp gỡ cán bộ cách mạng, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, tinh thần đầu tranh đến quần chúng nhân dân.
Đầu thàng 5 năm 1945, theo chỉ thị của cấp trên, Ban vận động khởi nghĩa các làng được thành lập, chùa Hoằng Phúc được chọn là nơi hội họp để triển khai các chỉ thị khởi nghĩa của cấp trên và chuẩn bị lực lượng, vũ khí tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ngày 23/8/1945.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Cao Vân (Mỹ Thùy ngày nay) có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Là xã có trục đường sắt đi qua, có tỉnh lộ 5 nối liền quốc lộ 1A đến Mai, Phú, Sơn Thủy, có trục đường liên xã nối huyện lỵ Lệ Thủy đến chiến khu Bang Rợn, là nơi rất thuận lợi để bố trí đại pháo khống chế cả một vùng phía trước huyện Lệ Thủy. Ngoài ra, lợi thể rất cơ bản Mỹ Thủy là vùng đất bán sơn địa, có nương vườn rậm rạp, trong thế trận chiến tranh không bao giờ bị chia cắt, lương thực dồi dào, đó là những tiềm năng vô giá của chiến tranh du kích trong thời kỳ đầu kháng chiến.
Trong những năm tháng đấu tranh ác liệt đó, chùa Hoằng Phúc là nơi cất đấu vũ khí, nơi kết nạp, huấn luyện dân quân tự vệ, nơi các cán bộ quân sự cấp trên về hội họp và cùng tổ chức những trận tập kích ở địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Quảng Bình.
Chính vì vậy, ngay từ đầu thực dân Pháp luôn tìm mọi cách để khống chế vùng đất này, tạo bàn đạp tấn công ra vùng chiến khu Việt Minh. Tuy nhiên, chúng luôn bị lực lượng du kích địa phương phản công quyết liệt. Không thực hiện được âm mưu của mình, thực dân Pháp điên cuồng dùng nhiều thủ đoạn thâm độc, tàn bạo, bắn giết, đốt phá làng mạc rất tàn khốc, điển hình là vụ thám sát ngày 29/11/1947.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mỹ Thuỷ là một trong những xã tiếp giáp trực tiếp với tiền tuyến lớn miền Nam. Nơi đây là hậu cứ của chiến trường B, nơi tập kết hàng hoá, vũ khí, điểm dừng chân trước khi vào chiến trường miền Nam. Các phật tử trong chùa Hoằng Phúc đã cùng nhân dân địa phương tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại địa phương. Năm 1967, do tính chất của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày cảng ác liệt, mặt khác địch đã phát hiện tại Mỹ Thủy có các đơn vị bộ đội đóng quân và tập kết hàng hoá, vũ khí chi viện cho miền Nam nên chúng tập trung đánh phá liên tục. Chùa Hoằng Phúc cũng đã bị bom đạn đánh sập sau những đợt không kích của giặc Mỹ
Năm 1977, trên nền chùa Hoàng Phúc cũ, nhân dân địa phương đã dựng lên một ngôi nhà nhỏ để làm nơi thờ các đức Phật, nối tiếp đức tin và lòng mộ đạo. Tuy nhiên, ngôi nhà đã bị đổ nát sau một cơn bão năm 1985.
Trước đây, hệ thống tượng thờ tại chùa Hoằng Phúc có số lượng khá lớn, được thiết kế trên 7 cấp thờ. Tuy nhiên, hiện nay chùa chỉ còn lại 07 pho tượng các loại với chất liệu, kĩ thuật chế tác, kiểu dáng và mỹ thuật trang trí khác nhau. Trong đó, có 05 pho tượng bằng đồng (01 tượng Phật Thích ca, 01 tượng Bồ tát Địa tạng, 03 tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đấu) và 02 pho tượng bằng gỗ (01 tượng Hộ pháp. 01 tượng Giảm Trai Sứ Giả). Đặc biệt, chùa còn lưu giữ đại hồng chung đúc năm Minh Mạng thứ 20(1839) để tên Hoằng Phúc linh chung.
Xem thêm: Núi Thần Đinh
Chùa Hoằng Phúc được phục dựng lại cổ nhất miền Trung
Với những giá trị lịch sử của chùa, ngày 01/06/2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-UBND, xếp hạng chùa Hoằng Phúc là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày 09/12/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4248. QĐ. BVHTTDL, xếp hạng chùa Hoằng Phúc là di tích lịch sử cấp Quốc gia,
Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương, tháng 11 năm 2014, công trình phục dựng lại chùa Hoằng Phúc được triển khai thực hiện với nguồn vốn xã hội hóa, trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ chính. Tổng thể kiến trúc di tích chùa Hoằng Phúc được phục dựng và tôn tạo theo lối chùa cổ thời nhà Trần gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, tháp Phật, Tam bảo, nhà thờ Tổ, tả hữu hành lang, am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác. Tháng 01/2016, chùa Hoằng Phúc được khánh hạ, đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia và cung nghinh xá lợi Đức Phật Tổ.
Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc được phục dựng đã góp phần bảo tổn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tưởng nhớ và tri ân công đức tổ tiên, Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, góp phần giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng của người dân, địa phương và đồng bào phật tử.
Hiện nay, lễ hội chùa Hoằng Phúc được tổ chức hàng năm trong không khí trang nghiêm, hòa hợp giữa đạo và đời trên tinh thần đoàn kết cùng phát triển, góp phần xây dựng đất nước nói chung và Quảng Bình nói tiêng ngày càng giàu đẹp.
Bạn đừng quên đến Mỹ Thủy, Lệ Thủy thăm chùa Hoằng phúc khi đến Quảng Bình nhé.
Bài viết liên quan
13:50 - 16.09.2024
Một số hình ảnh Phong Nha Kẻ Bàng đẹp
13:41 - 16.09.2024
Chép chép biển – Món ngon của Quảng Bình
13:44 - 16.09.2024