Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Quảng Bình


Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, Quảng Bình có nhiều danh lam thắng cảnh, bãi biển đẹp nổi tiếng và hệ thống các di tích văn hóa – lịch sử – cách mạng giá trị; cùng với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch được đầu tư xây dựng và hệ thống giao thông thuận tiện về đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy.

Đặc biệt, những giá trị nổi bật về địa chất địa mạo và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với hệ thống hang động kỳ bí đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, trong những năm gần đây cơ sở hạ tầng, hệ thống nhà hàng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ khách du lịch được đầu tư và phát triển mạnh mẽ; theo đó, trong những năm gần đây đã thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh và theo dự kiến, trong năm 2014 lượng khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 2,8 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 45 ngàn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 2.700 tỷ đồng, trong đó doanh thu chuyên ngành đạt 470 tỷ đồng, nộp ngân sách 190 tỷ đồng.

nghiep vu du lich quang binh

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có gần 300 doanh nghiệp, đơn vị hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch, với 15 doanh nghiệp lữ hành, 268 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó một số cơ sở lưu trú với chất lượng dịch vụ cao đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, được xếp hạng từ 3 đến 5 sao như: Khu nghỉ dưỡng cao cấp Sun Spa Resort, các khách sạn như Sài Gòn – Quảng Bình, Mường Thanh – Quảng Bình, khách sạn Tân Bình, khách sạn Luxe… Theo đó, ước tính đến nay số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh (không tính khu vực nhà nước) có khoảng 3.000 người. Trong những năm vừa qua, nhất là năm 2014, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch của tỉnh nhìn chung đang đang còn yếu và thiếu tính chuyên nghiệp.

Đơn cử, hiện tại đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại các công ty lữ hành và thuyết minh viên du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ngoài việc thiếu hụt trình độ chuyên môn được đào tạo bài bản, thông thạo về ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ hiếm như tiếng Nhật, Đức, Pháp, ngay cả tiếng Thái chiếm tỷ lệ rất thấp và còn hạn chế trong kỹ năng giao tiếp, hiểu biết về các lĩnh vực kinh tế – xã hội và văn hoá của địa phương nên việc truyền tải các thông tin cần thiết đến với du khách còn nhiều hạn chế. Đối với đội ngũ nhân viên phục vụ buồng, bàn, lễ tân, chế biến món ăn ở các cơ sở lưu trú, nhà hàng cũng chung tình trạng trên, nghĩa là phần lớn chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ du lịch, thiếu hẳn các kỹ năng về văn hoá ứng xử và giao tiếp, kỹ năng về nghiệp vụ, đặc biệt vấn đề ngoại ngữ để giao tiếp được coi là khâu đang yếu nhất hiện nay. Ngay cả đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trong các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch hiện tại cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Đối với Trung tâm Du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng được coi là “trái tim” của du lịch Quảng Bình thì đội ngũ này còn thiếu và yếu.

Điều đáng lưu tâm nhất hiện nay là một số bộ phận nhân viên khách sạn, nhà hàng trong quy trình nghiệp vụ vẫn còn nhiều sai sót, tinh thần thái độ phục vụ  thiếu chu đáo, nhiệt tình, thiếu chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp còn hạn chế. Tay nghề đầu bếp chưa cao dẫn đến việc chế biến các món ăn trong hệ thống nhà hàng, khách sạn còn đơn điệu, nghèo nàn, chưa khai thác được giá trị tinh tế, đa dạng của ẩm thực Quảng Bình để giới thiệu cho du khách.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do những người có trình độ, được đào tạo bài bản sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nghề  chuyên ngành du lịch đã ở lại làm việc tại các thành phố lớn hoặc những nơi có du lịch phát triển và môi trường công tác tốt hơn. Số lao động trở về làm việc tại quê hương thường có trình độ ở mức trung bình và khi được tuyển chọn để làm việc tại các doanh nghiệp du lịch lại phải mất công đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ lại từ đầu. Bên cạnh đó, tâm lý tự ti của người lao động ít nhiều còn chịu sự phân biệt của xã hội đối với những người làm việc trong khách sạn là một nghề “ít lành mạnh” cũng là một rào cản; ngoài ra một số nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp du lịch đánh giá chưa đúng mức sự đóng góp của đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ dẫn đến việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chế độ lương, thưởng và các quyền lợi khác của người lao động chưa được quan tâm đúng mức, khiến đội ngũ này làm việc với năng suất và chất lượng chưa cao, thiếu nhiệt huyết và thường không ổn định. Đây là một trong những nguyên nhân hạn chế đến hiệu  quả hoạt động du lịch.

Trong bối cảnh khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Quảng Bình ngày càng đông, nghỉ dưỡng dài ngày, ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao để thu hút khách thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được xem là sự đòi hỏi khách quan và cần thiết hiện nay nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách theo hướng chuyên nghiệp.

Để làm được điều này, trước hết cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tổ chức rà soát, khảo sát điều tra chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh để làm cơ sở cho việc thống kê, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhân lực du lịch dài hạn, theo lộ trình từng thời kỳ, giai đoạn phát triển của ngành, trong đó cần ưu tiên bồi dưỡng các kỹ năng về chuyên môn, văn hoá ứng xử và ngoại ngữ. Mặt khác, cần chú trọng đổi mới hơn nữa nội dung giáo trình giảng dạy, phương thức đào tạo phù hợp với đối tượng và nhu cầu hiện tại; liên kết với các trường, mời giảng viên có uy tín chuyên ngành du lịch truyền đạt, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động du lịch để các học viên dễ tiếp cận và tiếp thu tốt hơn. Gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với chính sách sử dụng, bố trí lao động hợp lý, đảm bảo các quyền lợi và lợi ích chính đáng để họ yên tâm làm việc gắn bó với doanh nghiệp dài lâu. Đi đôi với việc triển khai các nội dung trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và các ngành các cấp về vai trò vị trí du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh để mọi người cùng hưởng ứng và tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động du lịch tại địa phương.

Nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch của tỉnh ta nói riêng và của cả nước nói chung, có ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và sự phát triển của du lịch tỉnh nhà. Vì vậy, cần quan tâm hơn nữa công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong xu thế hội nhập nhằm phát triển bền vững.

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour