Năm 2014, tỉnh ta đón hơn 2,8 triệu lượt khách du lịch, riêng khách quốc tế là hơn 43 nghìn lượt, một con số kỷ lục minh chứng cho tiềm năng phát triển ngành “công nghiệp không khói” của mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh ta mới chỉ dừng ở con số 25, trong đó, vẻn vẹn chỉ có 3 công ty lữ hành quốc tế, còn lại là lữ hành nội địa.
Cái khó của lữ hành…
Ông Hà Minh Tuân, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, danh sách đăng ký kinh doanh lữ hành từ Sở Kế hoạch-Đầu tư lên tới gần 100 công ty, nhưng trên thực tế chỉ hơn 25% đơn vị là duy trì hoạt động. Và cũng phải khẳng định thêm rằng, trên lộ trình dài hơi của du lịch tỉnh nhà, hệ thống doanh nghiệp lữ hành Quảng Bình phát triển yếu và chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh địa phương.
Thời gian vào hè đang là mùa cao điểm của du lịch tỉnh nhà, với lượng khách du lịch đăng ký tour đang ngày càng tăng cao. Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Quảng Bình đang rất đau đầu để giải quyết vấn nạn “tăng giá phòng chóng mặt” của không ít cơ sở lưu trú trên địa bàn.
Ông Thành chia sẻ, lúc cao điểm, giá phòng thậm chí tăng hơn 150%, khiến công ty lữ hành bị buộc vào thế đã rồi, rất khó giữ chân được khách nếu tăng giá tour để bù lỗ. Tình trạng này hầu như năm nào cũng diễn ra và chưa có dấu hiệu chấm dứt, gây khó khăn lớn cho các công ty lữ hành, nhất là những công ty quy mô nhỏ, hoạt động mùa vụ. Đây chính là hệ quả của việc lỏng lẻo liên kết không chỉ giữa các công ty lữ hành và các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận tải mà còn giữa bản thân các công ty lữ hành với nhau.
“Mạnh ai người nấy chạy”, manh mún, nhỏ lẻ, không có sự kết nối, chia sẻ, thậm chí nhiều trường hợp các doanh nghiệp lữ hành còn phá giá để lôi kéo khách. Nhưng, một khi chấp nhận phá giá ở mức giá thấp, chất lượng dịch vụ sẽ không đáp ứng được nhu cầu và vô hình chung làm xấu đi hình ảnh Quảng Bình trong mắt bạn bè du khách. Điều này lý giải vì sao Chi hội lữ hành của Hiệp hội du lịch Quảng Bình manh nha thành lập từ mấy năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa thể hoàn thành, theo thống kê sơ bộ mới chỉ khoảng hơn 10 công ty có ý định tham gia.
Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin bắt đầu khai trương chi nhánh ở Quảng Bình từ năm 2011 và xác định một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là tìm kiếm đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc điều hành Chi nhánh cho biết, hiện tại, công ty duy trì 6 hướng dẫn viên nội địa, nhưng chủ yếu học các chuyên ngành về tiếng Anh, lịch sử, kế toán và chưa có ai được học chuyên sâu về lĩnh vực du lịch.
Vào mùa cao điểm, khi số lượng hướng dẫn viên chưa đáp ứng đủ yêu cầu, công ty phải tuyển thêm các cộng tác viên, nhưng công tác này không hề đơn giản khi đội ngũ hướng dẫn viên tỉnh ta còn thiếu chuyên nghiệp và yếu các kỹ năng, chưa kể đến việc phục vụ theo mùa vụ cũng ảnh hưởng lớn đến sự trau dồi chuyên môn, trình độ.
Mặt khác, theo chị Nguyễn Thị Hiền, một vật cản nữa của các công ty lữ hành để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ chính là việc thiếu những sản phẩm thương hiệu của công ty, mang đặc trưng của địa phương. Sản phẩm du lịch trượt cát ở bãi biển Quang Phú mới khai trương chưa đầy 2 tháng và khá thu hút khách du lịch đăng ký, tuy nhiên, công ty vẫn đang loay hoay để có thể xây dựng thương hiệu độc quyền về sản phẩm du lịch này.
Công ty cũng đã hướng tới một số sản phẩm du lịch đặc trưng khác, như: tour du lịch làng nghề truyền thống ở Bố Trạch, tour khám phá đảo Yến…, nhưng vẫn cần một quá trình dài để thu hút nguồn vốn đầu tư, cũng như để có được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương.
…“Bó cái khôn” để phát triển lâu dài!
Ông Hà Minh Tuân, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nhận định, trên thực tế, hầu hết các công ty lữ hành của tỉnh ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao của du khách, cũng như sự phát triển nhanh chóng của du lịch Quảng Bình. Về bản chất, chức năng chính của công ty lữ hành là tổ chức tour cho khách tham quan, nhưng các công ty lữ hành tỉnh ta về cơ bản chỉ nhận tour thông qua các công ty lữ hành lớn ngoại tỉnh hoặc chỉ đáp ứng một khâu nào đó trong tour, như: hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú, ăn uống…, dẫn đến tình trạng rất bị động và phụ thuộc hoàn toàn vào công ty lữ hành khác.
Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch, như: trượt cát ở Quang Phú của Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin, là không hề đơn giản.
Trong khi đó, một thực tế khá mâu thuẫn là công ty lữ hành nội tỉnh nhưng lại không làm được tour cho khách nội tỉnh đi du lịch trong chính tỉnh mình (?!). Bởi, tâm lý người dân địa phương vẫn muốn tự tổ chức đi riêng, trong khi bản thân công ty lữ hành lại thiếu sự quảng bá, kết nối.
Một trong những nguyên nhân khiến hệ thống các công ty lữ hành phát triển chưa tương xứng chính là việc thiếu đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Để thành lập và duy trì một công ty lữ hành nội địa, theo quy định chung của pháp luật, là khá dễ dàng. Do đó, không ít doanh nghiệp lữ hành ra đời và giải thể trong thời gian ngắn. Và vô hình chung, họ cũng hạn chế sự đầu tư nguồn vốn vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tiến sản phẩm du lịch hay bồi dưỡng trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực, và quan trọng hơn cả chính là việc quảng bá, xúc tiến thương hiệu.
Theo vòng luẩn quẩn, thiếu đầu tư, khách du lịch ngày càng ít, lại không có nguồn vốn để đầu tư tái sản xuất và dẫn đến thất bại trong kinh doanh. Ngược với đó, điều kiện thành lập công ty lữ hành quốc tế lại được quy định vô cùng chặt chẽ, gắt gao, bắt buộc doanh nghiệp phải thực sự “hòa mình vào cuộc chơi”. Đó là lý do vì sao tỉnh ta chỉ có 3 đơn vị lữ hành quốc tế, gồm: Công ty TNHH MTV Chua Me Đất, Công ty TNHH Vietgreen và Công ty TNHH LeMitchel, nhưng hoạt động rất hiệu quả, khẳng định được thương hiệu, đẳng cấp.
Trong bối cảnh cần thiết phải nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh cho rằng, tỉnh ta cần sớm có chính sách ưu đãi đối với các đơn vị lữ hành trong tỉnh, như: về giá vé tham quan, dịch vụ vận tải…, đặc biệt là với những tour dành cho khách trong tỉnh, để hỗ trợ một phần những khó khăn cho các công ty lữ hành.
Đồng thời, các cơ quan quản lý phải siết chặt hơn nữa khâu thanh, kiểm tra những đơn vị phục vụ du lịch trong thời vụ cao điểm, nhất là cơ sở lưu trú, nhà hàng…, để bảo đảm việc niêm yết giá, không tăng giá đột ngột hay không “chụp, giật” khách. Bản thân các công ty lữ hành cần phải có những hướng đi mới, mạnh dạn đột phá hơn để vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, giới thiệu sản phẩm du lịch ấn tượng, thu hút nhiều khách đến với mình, lại vừa quảng bá được thương hiệu du lịch của công ty và của tỉnh nhà.
Song song với đó, Hiệp hội du lịch Quảng Bình cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc kết nối các công ty lữ hành với nhau và giữa công ty lữ hành với các đơn vị cơ sở lưu trú, ăn uống, vận tải… Cần có một tiếng nói chung, hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng làm du lịch, cùng hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển bền vững, thì lúc đó, các công ty lữ hành mới thật sự đón đầu khách du lịch, bền hơi trên chặng đua phát triển đường dài.
Mai Nhân – Báo Quảng Bình
Comments