Đặc sản Quảng Bình – Có vô vàn loại quán ven đường. Nhưng có một địa danh nhỏ bé, với hơn chục cái quán lá dân dã, khiêm nhường trên hành trình thiên lý Bắc- Nam mà tôi tin rằng bất cứ ai cầm vô lăng ngang đây cũng phải dừng lại ít nhất một lần.
Đó là Bàu Sen, một khu hồ nước ngọt khá rộng nằm ven quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nằm ở phía nam thành phố Đồng Hới.
Bàu Sen là một hồ nước ngọt, nhưng lại tiếp giáp với động cát cao ven biển. Tích xưa có những huyền thoại khá kỳ thú về khu Bàu Sen này. Nhiều người kể rằng, xưa có một con sông đào khởi phát từ Lệ Thủy đổ ra biển để quan quân vi hành. Nhưng rồi một trận bão cát đã lấp mất cửa biển. Hiện giờ phía biển vẫn còn có một khu làng tên là làng Lấp, đoạn sông đào còn lại hóa thành một cái hồ. Lại có truyền thuyết cho rằng, dưới Bàu Sen có một con sông ngầm thông với Bàu Tró (Đồng Hới), thông ra tận động Phong Nha. Chứng cứ là Bàu Sen, Bàu Tró tuy ở giữa vùng cát, chẳng có cây cối gì mấy, nhưng hễ cứ mùa lũ đến là xuất hiện rất nhiều lá rừng đùn lên giữa mặt hồ…
Sử cũ ghi năm 1404 Hồ Hán Thương cho đào một con sông gọi là Liên Cảng. Theo dấu vết còn lại thì sông này “bắt đầu từ Lộc Đình, chạy vòng quan lộ, đi thẳng vào Quán Cát, thông vào Bàu Sen, đi qua Quán Bụt cho đến Hạ Cờ (nơi giáp ranh Quảng Bình- Quảng Trị). Từ Hạ Cờ vòng phía Tây, rồi lại lộn về phía Đông giáp đường quan lộ mà chảy thẳng vào chợ huyện”. Về sau, sông bị cát lấp cạn dần. Năm 1448, vua Lê Nhân Tông (1442-1459) tiếp tục cho đào sông. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1668), rồi vua Minh Mạng (1831), vua Tực Đức (1862) đều có nương theo dấu cũ họ Hồ mà đào lại sông hoặc đào vòng lên trên để tránh cát lấp, nhưng đều không thành công. Cuối cùng chỉ còn lại Bàu Sen, một vùng non nước mênh mông, phía Đông có những động cát lớn chạy dài án ngữ.
Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên chép về khúc kênh đào này từ hơn 600 năm trước. Thuở ấy, khi đào đến Bàu Sen, thường hay bị một khúc cát lồi đùn lên từ lòng đất khiến đoạn kênh đào xong chỉ một thời gian ngắn lại bị lấp cạn. Và từ khúc cát lồi của Bàu Sen mà có truyền thuyết rằng: khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, vào đến đây đã hạ lệnh cho dân sở tại đào kênh để tiện đường chuyên chở. Bấy giờ, lý trưởng làng Thủy Liên (Bàu Sen bây giờ) là ông Mai Văn Bản bèn tâu với vua: “Chỗ này nhiều cát lồi, nếu đào xong cũng sẽ bị cát lấp, như thế vừa nhọc sức dân mà sông cũng không còn…”.
Vua nghe cả giận, cho rằng nói thế là chống vua và làm nản lòng dân nên đưa ông xử trảm. Khi đánh Chiêm Thành xong, dẫn quan quân về ngang đó, thấy khúc sông đã bị lấp cạn, phải bỏ ghe thuyền, quan quân lên bộ ra Bắc. Đến chỗ ông lý trưởng làng Thủy Liên đã quì tâu vua hôm trước, chợt cả đoàn 24 thớt voi ngựa nhất loạt cắm ngà xuống đất, rống lên không chịu đi. Dân trong vùng cho rằng do ông Bản bị hàm oan. Thấy thế, nhà vua bèn sai lập lễ giải oan cho ông, phong ông làm Thành hoàng bổn thổ và cho lập miếu thờ.
Nhưng đó là tích xưa, những tuồng tích huyền thoại về sự ra đời của đoạn khúc sông, hay cái hồ nước ngọt không đáy kỳ thú Bàu Sen. Còn hôm nay là những quán lá. Những quán lá xộc xệch, chân chất dân quê mà đượm chất ngang tàng khí khái dọc đường gió bụi dọc hai bên bờ Bàu Sen huyền thoại, kỳ thú này.
Khác với muôn vàn quán xá ven đường trên dọc dài thiên lý Bắc- Nam, sau vài năm được khách, có tiền là tức tốc xây lầu, tô trát, xập xình nhạc và… gái môi đỏ tóc vàng. Hơn chục quán lá Bàu Sen tự muôn đời vẫn chân chất, dân dã và thô mộc như… sen. Hơn chục quán lá nhoi ra mặt hồ lộng gió. Những quán lá dân dã, thô mộc được dựng trên những chiếc cọc tre và bê tông khẳng khiu. Cầu gỗ, mặt sàn gỗ và vách cũng bằng gỗ. Những chiếc võng gai, chiếu cói và những chiếc bàn gỗ thấp tủn.
Sau một chặng đường gió bụi mệt nhọc, bẻ ngoặt vô lăng dừng lại ven hồ. Chỉ tay chọn một chú gà quê đang cục tác trong lồng, vói xem chủ quán vớt chọn cá từ những cái lồng thả dưới hồ nước (cá ở đây chủ yếu là cá nước ngọt như chép, trắm, lóc, diếc …) . Rồi cởi phăng chiếc áo lấm bụi, ngã nhoài ra chiếc chiếu cói giữa sàn cho trẻ tẩm quất.
Ai không thích tẩm quất thì cứ việc ngửa lưng trên những chiếc võng gai đung đưa trong gió. Mỗi quán luôn treo sẵn hàng chục cái võng gai như vậy.
Tẩm quất là món đầu tiên (khai vị). Mỗi quán vài ba chú bé, đa phần là học sinh, cổ còn đeo khăn quàng đỏ, học về là sà vào quán chờ khách. Trẻ nhỏ xóm Sen rành mỗi mấy việc: tẩm quất, thịt gà và vớt cá. Tôi cũng đã nhiều lần “nếm” tẩm quất các hạng ở Hà thành, Sài Gòn, Nha Trang. Đủ cả, nhưng quả thật so với tẩm quất Bàu Sen thì… vứt! Những đứa trẻ hơn chục tuổi, nhưng ngón nghề tẩm quất sành sõi nhất trần đời. Úp mình xuống chiếu, tựa cằm lên cái gối nhỏ mà sướng rơn người trong những tiếng đấm tay bồm bộp. “Các bác yên tâm, bọn cháu trẻ nhưng tay nghề không non đâu, tẩm quất Bàu Sen nổi tiếng nhất… Đông Nam Á đấy! ”- Câu này thì hơi nhiễm trạng Vĩnh Hoàng! Thằng bé tên Cáu, chừng 14 tuổi nói luôn hồi, cái miệng trông dẻo như kẹo kéo. Tôi đùa “bác muốn học nghề dễ không?”. Hắn cười “Món ni phải kiên trì, chịu khó, ngó vậy chứ không phải ai cũng học được!”. “Thế các cháu học ai, ở đâu?”- “Bọn cháu tự học lẫn nhau, đứa biết trước bày đứa sau, cứ thế học bày lẫn nhau”.
Cáu vừa đấm bồm bộp, vừa muốn “truyền nghề” cho tôi: Ban đầu là những bài học vỡ lòng, như vầy như vầy nè, đó là món kiến bò, cò mổ, nhổ bão… Khó hơn một bậc là các chiêu thức cào cào đá móc, cóc nhảy song phi, ngựa phi nước đại, vác cày qua núi…
Cởi trần úp người bồm bộp trên sàn quán là hơn chục bác tài và các thực khách, trong khi chờ bếp đang thổi lửa luộc gà và nấu món cháo cá.
Hết úp, lại lật nghiêng người, bắt chéo tay chân bẻ kêu cục cục. Rồi ngửa người cho “kiến bò bụng” và bóp tay.
Hơn nửa tiếng. Khi ngồi dậy để cậu bé bóp vai, bẻ cổ, thì cũng là lúc nhà bếp vừa bưng lên đĩa thị gà to thơm phức và nồi cháo cá nóng hổi.
Gà nguyên con, xé tay chứ không dùng dao chặt. Cầm tay chấm muối tiêu mà ăn, ăn kiểu nhà quê, chân chất, hoang dã mà khoái khẩu. Chế một cốc rượu gạo, thứ rượu gạo nguyên chất chỉ có ở Bàu Sen. Xé miếng thịt gà, chêm thêm trái ớt, chùm tiêu xanh, thêm một cốc nữa, cốc nữa mà thấy tê đầu lưỡi, hừng hực trong người.
Món sau cùng là cháo. Đừng lấy thìa, cứ bưng nguyên bát cháo mà húp, húp đến toát mồ hôi, vừa húp vừa suýt xoa đầu lưỡi. Cá trong nồi cháo vớt ra đĩa. Từng mảng trứng cá vàng óng. Gắp miếng cá nóng thơm mà nghe như gió biển thổi rân rân bên má, cảm giác đê mê như được hương gió trời chiều chuộng!
Ai đã từng một lần cầm vô lăng xuôi ngược Bắc Nam, xin mách một điểm dừng kỳ thú có một không hai này- điểm dừng mà bất cứ ai ngược xuôi trên chặng thiên lý Bắc- Nam không dừng một lần thì tôi tin là sẽ ân hận suốt đời.
Từ phía Nam chạy ra ư, khoan vội ra Đồng Hới. Từ phía Bắc vào ư, qua Đồng Hới, chạy ráng thêm vài mươi phút nữa, lúc đó hãy dừng xe, bẻ ngoặt vô lăng, lăn mình ra sàn chiếu hưởng tận cùng khoái cảm của những chiêu thức tẩm quất có một không hai, vòng chân ngồi vói tay xé đĩa thịt gà quê, nhâm nhi cốc rượu gạo, bát cháo cá nóng cay đầu lưỡi.
Ấy mới là tận cùng khoái cảm sau một chặng đường gió bụi.
Nếu quý khách muốn thưởng thức món gà, cá thơm ngon ở bàu Sen có thể liên hệ các quán ngon sau: Quán Tâm KM710 0523 953 172 – 0934 551 433 Quán Bàu Sen: 0913 337 773 hoặc quán Thanh Xuân 0523 605 779 … Nếu quý khách vôi có thể đặt trước khoảng 30 phút xe chạy.
Sưu tầm
Comments
Nhung le
Cho 2 nồi cháo gà nhà
Trần quyết
Quán ăn ngon bổ rẻ đậm chất dân dã vùng quê