Đình Làng La Hà – ngôi đình làng chứa đựng nhiều sự kiện lịch sử tại Quảng Bình

quangbinhtravel

13:59 - 16.09.2024

Đình La Hà thuộc thôn La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch. Đình được xây dựng trên một khu đất cao về phía Tây Nam của làng. Đình hướng về núi Hòn Vắp, trước mặt là hói Đình nối nguồn Nậy với nguồn Son.

Đứng từ trên cầu Gianh nhìn về phía Tây, làng La Hà là một bãi nổi lớn nằm ở ngã ba sông, nơi có ba nguồn nhập lại để cùng nhau đổ ra biển, đó là nguồn Nậy, nguồn Son và nguồn Nam.

Xem thêm: Các di tích danh thắng tại Quảng Bình

Làng La Hà trước đây là vùng đất bãi nổi, cuộc sống của người dân nghèo khó nhưng truyền thống học hành, đỗ đạt khoa bảng thì hiếm nơi nào sánh kịp. Do vậy mà làng La Hà đã được xếp vào một trong bát danh hương của Quảng Bình: “Sơn – Hà – Cảnh – Thổ Văn – Võ – Cổ – Kim”. Rồi câu ca dao: “Khi nào hết cát Mỹ Hòa, sông Gianh hết nước, La Hà hết quan” được truyền tụng trong dân gian lại càng khẳng định điều đó.

Đình Làng La Hà
Đình Làng La Hà

Xét về địa thế, làng La Hà như một cái nghiên mực, còn các cồn nổi xung quanh như cồn Bông, con Nổi, cồn Giáp Tam là ba ngọn bút chầu vào. Vì vậy, các nhà địa lý mới cho rằng đó là đất “Tam bút châu nghiên“. Còn nếu đứng ở đầu làng nhìn ra bốn phía sông nước thì sẽ thấy các sông hói như 5 con rồng hướng về làng đảo La Hà.

Dưới thời Nguyễn, làng La đứng đầu khoa bảng cùa tỉnh Quảng Bình. Năm Tự Đức thứ 4 (1851), trong khoa thi Hội Tân Hợi, cả tỉnh chỉ có ba vị Tiến sĩ thì cả ba đều thuộc huyện Quảng Trach, trong đó làng La Hà chiếm đến 2 vị mà hai vị đó lại là hai thầy trò cùng thi với nhau một lần, quả là điều hiếm có. Trong các kỳ thi Hương từ năm Quý Dậu (1813) đến năm Mậu Ngọ (1918), có 270 vị đỗ cử nhân thì huyện Quảng Trạch có tới 113 vị, riêng làng La Hà có 32 vị, chiếm số lượng nhiều nhất trong các địa phương trong huyện.

Người ta thi đua lẫn nhau trong dòng họ, giữa các dòng họ, mọi khó khăn đều không làm nãn chí các nho sĩ trong việc học hành. Từ đó, để ghi công đức các bậc tiên tổ đã có công khai cơ lập làng cũng như vinh danh những vị khoa bảng, làng La Hà đã dựng đình, miếu, nhà thờ họ để làm nơi thờ tự.

Đình làng La Hà được xây dựng vào năm 1859, do con cháu năm dòng họ trong làng là họ Mai, họ Phạm, họ Trần (côi), họ Trần (dưới) và họ Tạ góp công, góp của dựng nên. Đình có khuôn viên rộng đến 2000 trước mặt là nơi giao hội của các nhánh sông Son, sông Nan và các nhánh nhỏ. Trước cổng đình có dòng nước chảy ngược theo Đông Tây về tụ lại đầu thôn. Hòn Vắp phía trước Đình có dáng như một con hổ nằm con phủ phục nhìn về làng, vì vậy còn được gọi là “Long hồi hổ phục”.

Lúc đầu, đình La Hà được dựng bằng tranh tre. Đến năm 1904, Trần Văn Thống (cụ Thượng Thống) kêu gọi con cháu đóng góp tiền của xây dựng lại đình kiên cố hơn. Trước đây, đình La Hà nổi tiếng khắp vùng về quy mô cũng như kĩ thuật bài trí, chạm khắc. Đình có 5 gian, trong đó có 3 gian chính và 2 hồi. Ba gian giữa chạm công phu. Hai vài chái có 2 bộ sập, mỗi bộ năm lá dài bằng chiều rộng của đình để dân làng hội họp. Gian giữa là nơi thờ tự uy nghiêm. Từ ngoài cổng nhìn vào, hai con hạc lớn đứng trên lưng hai con rùa chầu. Hai bên là hai hàng khí giới và bút lông tượng trưng cho quan văn và quan võ. Cổng đình là hai trụ biểu cao đến 10m, bốn phía được ốp hoa văn hoặc thủy tinh nhiều màu tạo thành những con rồng uốn lượn trong mây. Trên đỉnh cột là hai con nghê chầu vào.

Dinh Lang la ha

Đình La Hà là nơi thờ tự những vị Tổ đã có công khai lập làng, cũng là nơi vinh danh những thế hệ trong làng có thành tích trong học hành khoa bảng. Mỗi lần có người trong làng thi cử đỗ đạt là dân làng lại đón rước về đình, tổ chức ăn mừng. Sau này, do có nhiều người đỗ đạt nên đã xây thêm khu văn miếu để thờ sáu vị Tiến sĩ và Phó bảng đã từng đỗ đạt qua các kì thi trong triều Nguyễn. Có người làm quan đến chức thượng Thư như Trần Văn Chuẩn đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 5 (1861) làm Thượng thư Bộ Công, kiêm Phó khâm sai đại thần. Trần Văn Thống làm Thượng thư Bộ Công, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu, Thần Thái 13 (1901). Tạ Hàm đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn thần thái thứ 4 (1892), làm Tham biện nội các triều đình, từng làm Thái sư dạy vua Duy Tân. Đặc biệt, ngày 6/6/1906, Tạ Hàm thay mặt nội các triều đình nhà Nguyễn kí quyết định bổ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào làm Viện Hàn lâm tại Huế.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, La Hà được sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí và lương thực, nơi tập hợp lực lượng dân quân chống Pháp. Năm 1947 đến 1950, giặc Pháp mở 5 trận càn quét lên La Hà, đình La Hà được sử dụng làm trung tâm chỉ huy đánh Pháp. La Hà rào làng chiến đấu, bắn cháy ca nô, tiêu diệt quân xâm lược, bảo vệ xóm làng. Trận chiến thắng Phú Trịch – La Hà ngày 27/2/1950 đã bẻ gãy đợt tấn công với quy mô lớn của thực dân Pháp, tiêu diệt 120 tên địch, thu nhiều vũ khí của chúng. La Hà trở thành làng chiến nổi tiếng :” Cự Nẫm anh hùng, Cảnh Dương anh dũng, La Hà chiến thắng”.

https://www.quangbinhtravel.vn/tour/tour-ha-noi-quang-binh-4-ngay-5-dem

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hói đình là nơi giấu nhiều tàu thuyền, ca nô vào ban ngày để ban đêm làm nhiệm vụ chuyển hàng hóa lên các bến trung chuyển như Bến Mới, Khương Hà (Bố Trạch) để chi viện cho các chiến trường. Xóm làng bị giặc Mỹ bắn phá, cày xới nhưng dân làng vẫn kiên cường nơi mảnh đất làng đảo, quyết tâm gìn giữ quê hương. Đã có nhiều người con của làng nêu tấm gương anh dũng kiên cường trong chiến như anh Võ Xuân Khuể ngày đêm dũng cảm lái ca nô chở hàng hóa, bộ đội qua làn mưa bom đạn giặc Mỹ. Với tinh thần đó, anh đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng.

Năm 1967, đình làng La Hà bị đánh sập hoàn toàn trong một lần ném bom của đế quốc Mỹ. Sau chiến tranh, đình được tháo dỡ để làm trường học, chỉ còn lại phần đình hậu.

Nhiều làng nghề truyền thống tại La Hà
Nhiều làng nghề truyền thống tại La Hà

Gần đây, được sự quan tâm của các cấp và nhất là con em quê hương khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, đình La Hà đã được đầu tư, đóng góp xây dựng lại trên nền đình cũ. Việc dựng lại đình là việc làm vô cùng ý nghĩa bởi đình làng La Hà là nơi gắn liền với lịch sử làng La Hà, với truyền thống học hành khoa bảng ít nơi nào có được, truyền thống đó vẫn được lưu giữ và phát huy. Bên cạnh đó, La Hà còn là nơi có nhiều làng nghề được lưu giữ và phát triển như nghề nón lá, nghề mây, không chỉ giúp con em quê hương có nguồn thu nhập mà còn nổi tiếng, ghi danh trên nhiều thị trường quốc tế. Đình La Hà – ngôi đình chứa đựng biết bao sự kiện lịch sử của quê hương mãi mãi là niềm tự hào của người dân La Hà.

Quảng Bình Di tích Danh Thắng

Bài viết liên quan

quangbinhtravel

14:02 - 16.09.2024

TOP 12 địa điểm du lịch Quảng Trị nên đến nhất

Khi nhắc đến du lịch Quảng Trị, đa số chúng ta đều nghĩ đến mãnh đất gắn liền với bom đạn, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng oanh liệt kiên trung. Ngày nay, ngoài lịch sử đấu tranh oanh liệt, Quảng Trị còn có nhiều điểm tham quan du lịch văn hóa, sinh thái, […]
quangbinhtravel

13:50 - 16.09.2024

Một số hình ảnh Phong Nha Kẻ Bàng đẹp

Phong Nha Kẻ Bàng được đánh giá là điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách trên các tạp chí du lịch lớn của thế giới. Đến Du lịch Quảng Bình chưa đặt chân đến Phong Nha Kẻ Bàng, chưa được nghe giới thiệu về Phong Nha Kẻ Bàng có thể nói rằng bạn […]
quangbinhtravel

13:41 - 16.09.2024

Chép chép biển – Món ngon của Quảng Bình

Quảng Bình không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh biển đẹp mà còn có nguồn hải sản vô cùng phong phú, được chế biến thành nhiều đặc sản hấp dẫn. Bên cạnh những hải sản thông thường với cá, tôm, cua, mực,… thì còn có những loại hải sản nghe tên rất lạ như […]
quangbinhtravel

13:44 - 16.09.2024

Động Phong Nha – Điểm đến du lịch hấp dẫn

Động Phong Nha là hang động thuộc vùng núi đá vôi vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Là điểm đến hấp dẫn và nổi tiếng của Du lịch Quảng Bình. Động được đưa vào hoạt động du lịch từ năm 1991. Du khách sau khi ngược dòng sông Son đến thăm quan Động […]