Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là một vườn quốc gia tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Kiến tạo carxtơ của Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được hình thành từ 400 triệu năm trước, từ thời kỳ Đại Cổ Sinh do đó là carxtơ cổ nhất ở châu Á. Khu vực Phong Nha Kẻ Bàng có lẽ là một trong những mẫu hình riêng biệt và đẹp nhất về sự kiến tạo carxtơ phức tạp ở Đông Nam Á. Được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, Phong Nha-Kẻ Bàng cũng từng được đề cử UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học ngày 29-6-2011.
Nổi tiếng như thế nhưng do tên khá lạ, nên nhiều du khách trong và ngoài nước vẫn băn khoăn không hiểu Phong Nha có nghĩa là gì?
Phong Nha là một từ Hán Việt, thông thường người ta vẫn nghĩ phong là gió (phong thủy, phong ba) nha là răng (nha khoa, nha sỹ). Thực ra, chữ Hán có tới 17 chữ phong và 9 chữ nha, vậy thì ghép phong (gió) với nha (răng) để chỉ tên động Phong Nha phải chăng là tùy tiện và võ đoán. Có lần một khách ngoại quốc bất thần hỏi người hướng dẫn du lịch “Phong Nha là gì”, anh này nghĩ nha là gia (nhà) nói trại đi nên giải thích “Phong Nha is the tooth of wind” (nhà gió). Một nhân viên hướng dẫn khác có đọc sách nói về thắng cảnh Việt Nam, bảo rằng phong là gió, nha là nhũ đá từ trên cao tỏa xuống chi chít như những chiếc răng, vậy “Phong Nha is tooth of wind” (răng gió). Có người đọc tiểu thuyết “Phong nhũ phì đồn” (mông to vú nẩy) của Mạc Ngôn lại suy ra Phong Nha là “vú gió”.
Như đã nói Phong Nha là từ Hán Việt, vậy muốn biết nghĩa Phong Nha phải tìm tự dạng của nó trong sách chữ Hán xưa nhất. Ta biết “Ô châu cận lục” là cuốn sách địa chí viết về dải đất từ Quảng Bình đến bắc Quảng Nam của Dương Văn An ra đời từ 1555, trong đó động Phong Nha còn gọi là động Chân Linh. Phải đến năm 1776 Lê Quý Đôn mới viết hai chữ Phong Nha trong sách Phủ biên Tạp lục. Ở trang 83 ông viết “Châu Nam Bố Chính (có) hai tổng, (riêng) Tổng Trứ Lễ 17 xã, 7 phường, 6 trang: … Gia Lộc nội, Gia Lộc ngoại, Câu Hợp, Kim Sơn, Phong Nha, Gia Chiêu….”. Học giả Phan Thuận An là người đã tiếp xúc với Phủ biên tạp lục bằng chữ Hán, ông khẳng định chữ Phong ở đây là đỉnh núi còn nha là nha môn. Sau này, các sách Đồng Khánh Địa dư chí lược (1888), Đồng Khánh Ngự lãm Địa dư chí đồ (in ở Tokyo 1943, tập hạ, huyện Bố Trạch), Đại Nam Nhất thống chí (1909, quyển 8, tỉnh Quảng Bình) thì tự dạng Phong Nha viết như Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn, tức phong là đỉnh núi, nha là nha môn. Riêng chữ nha từ điển Khang Hy giải thích “Phàm bài liệt thành hàng hữu tự nha tham giả giai viết nha” (phàm những gì sắp xếp thành hàng trông giống như các quan lại sắp hàng ở nha môn đều gọi là nha).
Một điều lý thú là trong từ điển Từ Nguyên có dẫn ra một câu thơ của Trần Tạo, một thi sỹ đời Tống sống cách nay khoảng 800 năm. “Cao sơn như thọ chúng phong nha” (Đỉnh núi cao xếp đều đặn thành từng dãy như các quan đứng sắp hàng để nhận lệnh thượng cấp). Rõ ràng chữ phong ở đây chỉ đỉnh núi và nha là nha môn. Nhà thơ đời Tống làm thơ theo cảm hứng của ông, hoàn toàn không vì một địa danh nào ở Trung Quốc.
Học giả Phan Thuận An cho hay không thấy có địa danh Phong Nha nào bên ấy, vì vậy “Phong Nha ở tỉnh Quảng Bình là địa danh có một không hai”. Theo Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn thì Phong Nha là tên một trang ở miền núi tương đương đơn vị làng ở miền xuôi. Các nhà nghiên cứu người Pháp như Buoffier (1930), Antoie và Michel (1932) , Madeleine Colani (1936) kết luận Phong Nha vốn là tên làng, mới được dùng đặt tên cho động sớm nhất khoảng năm 1920.
Du khách đứng trên cầu Xuân Sơn nhìn về thượng nguồn sông Son sẽ thấy vô vàn đỉnh núi đá vôi nhấp nhô như vô tận. Nơi ấy tàng chứa hàng trăm hang động nổi tiếng thế giới như Động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường, Sơn Đoòng… Tạo hóa xếp hàng các đỉnh núi ở đây đợi chờ tổ chức Liên hiệp quốc từ hàng trăm triệu năm nay, mãi đến thế kỷ 21 mới được UNESCO xưng tụng và cấp chứng chỉ “Phong Nha kẻ Bàng Di sản thiên nhiên thế giới”.
Nguyễn Quốc Toàn
Comments