Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh nổi tiếng và có sức lôi cuốn du khách như: bãi biển Nhật Lệ, Đá Nhảy, Cổng Trời, Vũng Chùa-Đảo Yến, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng… Đặc biệt, nơi đây là điểm giao thoa hội tụ của nhiều luồng văn hoá, đồng thời là chiến trường ác liệt trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc nên ngày nay còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử, văn hoá của nhiều thời đại khác nhau, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
>> Mua gì khi đi du lịch Quảng Bình
Theo thống kê sơ bộ từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Bình, năm 2014 tổng lượt khách du lịch đến với tỉnh ta ước đạt hơn 2,716 triệu lượt khách, tăng 97,5% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 1.622 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2013. Trong đó, số lượt khách lưu trú đạt 942.658 lượt, tăng 3,6%. Với số lượng khách du lịch đến địa phương đông như vậy, nhưng tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, có thể nhận thấy sự đơn điệu, nghèo nàn và thiếu vắng các sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn văn hoá đặc trưng…
Đến khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng du khách dễ dàng bắt gặp rất nhiều quầy bán hàng lưu niệm với nhiều mặt hàng khá đa dạng, phong phú. Thế nhưng để tìm được một sản phẩm làm đồ lưu niệm mang nét đặc trưng của Quảng Bình thì rất khó. Một số mặt hàng hiện có chủ yếu là sản phẩm thủ công mỹ nghệ tranh thêu, sơn mài, sản phẩm tượng bằng gỗ hoặc đồng, mây, tre lá…
Anh Trần Minh Hạng, một du khách đến từ Hưng Yên cho biết, anh theo đoàn đi tham quan Quảng Bình trong hai ngày, được đến thăm Vũng Chùa-Đảo Yến, động Thiên Đường, và về lưu nghỉ ở Đồng Hới. Nói chung đồ ăn ở Đồng Hới rất ngon, tuy nhiên để tìm được hàng lưu niệm về cho người thân thì thật khó. Vì đa số những mặt hàng ở đây thì ở Hưng Yên cũng có.
Những điểm thu hút nhiều khách tham quan như Vũng Chùa-Đảo Yến, hang Tám thanh niên xung phong,… quanh đi quẩn lại cũng vài tập bưu ảnh, những quyển sách lịch sử và vài món quà lưu niệm quá quen thuộc như túi, ví, quần áo in hình, móc đeo chìa khóa, mũ tránh nắng…
Hiện nay, nhiều khách sạn lớn ở Quảng Bình cũng hầu như chưa có khu trưng bày và bán sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch. Hướng dẫn viên du lịch chỉ còn biết đưa khách đến những khu chợ hoặc siêu thị. Tuy nhiên ngay cả những khu chợ lớn nhất như Đồng Hới, Nam Lý, Bắc Lý… mặt hàng lưu niệm được bày bán nhiều nhất vẫn là sản phẩm có xuất xứ từ những tỉnh, thành khác.
Thiếu sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng, đây là một thực tế không chỉ ở Quảng Bình, mà tại nhiều tỉnh, thành khác trong nước hiện nay đều gặp phải. Riêng ở tỉnh ta, một trong những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến thực trạng này là do du lịch làng nghề ở Quảng Bình chưa phát triển, người dân tại các làng nghề chưa chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm, chưa có thói quen tạo sản phẩm lưu niệm để bán cho khách du lịch. Một số sản phẩm có được bày bán nhưng kiểu dáng, kích cỡ cồng kềnh, khó vận chuyển hoặc giá thành cao…
Sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, níu giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả. Song nhìn vào “thị trường” quà du lịch tại Quảng Bình thì quả thật còn quá nghèo nàn, thiếu bản sắc, phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Từ thực trạng trên, để những sản phẩm của các làng nghề trở thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ cho phát triển du lịch, trong thời gian tới, các ngành, các dịa phương cần phải có sự nghiên cứu, đầu tư hợp lý. Trước hết, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị của nghề truyền thống, duy trì và truyền dạy nghề.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch, hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất và có sự hướng dẫn, tư vấn về mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu sản phẩm cho các làng nghề để phù hợp với thị hiếu khách du lịch. Các cơ sở sản xuất và đơn vị kinh doanh du lịch Quảng Bình cũng cần tăng cường phối hợp, liên kết với nhau trong khâu chào hàng, giới thiệu và bán sản phẩm lưu niệm.
Phạm Hà
Comments