Đến nay, nhiều điểm du lịch Quảng Bình, cơ sở lưu trú, ăn uống… trên địa bàn tỉnh ta đã trở lại hoạt động bình thường sau nhiều ngày nỗ lực giải quyết các thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ lịch sử gây ra. Theo ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, thiệt hại lớn nhất là lĩnh vực lưu trú, tập trung ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, các điểm đến và một số dịch vụ du lịch khác. Riêng với khách du lịch, tỉnh ta bảo đảm được an toàn và không có tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Theo báo cáo sơ bộ của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ngày 17-10-2016, đối với riêng mảng du lịch, do mưa lớn liên tục và nước sông Son dâng cao, trụ sở Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng và một số điểm du lịch bị ngập lụt với độ sâu hơn 1,5m. Khoảng 40m hàng rào tại nhà khu tập thể của Trung tâm bị sập đổ hoàn toàn, điểm du lịch Suối Moọc vẫn chưa thống kê được thiệt hại do hiện tại nước vẫn đang ngập.
Tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, hệ thống cầu gỗ ở điểm du lịch sinh thái và diễn giải môi trường Vườn Thực vật bị nước lũ cuốn trôi, hơn 80m hàng rào điện tử tại khu bán hoang dã Núi Đôi bị sập…
Sau khi nước rút, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng đã chỉ đạo các đơn vị tổng dọn vệ sinh và khắc phục hậu quả sau lũ, ổn định tình hình, nhanh chóng đưa đơn vị hoạt động trở lại đồng thời chuẩn bị phương án phòng, chống các thảm họa thiên tai tiếp theo, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Trước đó, ngay khi nắm bắt diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, Ban Quản lý Vườn đã họp khẩn và chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Vườn và các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc triển khai phương án phòng, chống lụt bão theo kế hoạch đã được xây dựng, đặc biệt là đề phòng nước lũ dâng cao. Nhờ đó, công tác kiểm tra an toàn, di dời tài sản, thiết bị máy móc, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men và phối hợp với các lực lượng trên địa bàn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Anh Lê Dũng, chủ nhân Jungle Boss Homestay cho biết, các homestay trong địa bàn thôn Phong Nha đều chủ động, linh hoạt trước tình hình mưa lũ với kinh nghiệm sẵn có. Do đó, anh em đã kịp thời di chuyển đồ đạc lên nơi an toàn, bảo đảm an toàn cho du khách, đồng thời nỗ lực tối đa hạn chế thiệt hại do ngập lụt gây ra. Tuy nhiên, do nước lên nhanh, bất ngờ, nhiều cơ sở lưu trú vẫn chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, như: Chày Lập Farmstay…
Vượt qua những khó khăn, thử thách, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn tích cực khắc phục để trở lại hoạt động bình thường và đặc biệt, theo ông Trần Xuân Cương, Tổng Thư ký Hiệp hội du lịch Quảng Bình, nhiều cơ sở lưu trú Khách sạn Quảng Bình, nhà hàng đã chủ động giảm giá, có nhiều ưu đãi cho các đoàn khách về tình nguyện tại địa phương. Nhiều cơ sở lưu trú giảm giá tới 70% như Khách sạn Phong Nha Lake House…, 60% như Khách sạn Mường Thanh Quảng Bình…, 50% như Khách sạn Thanh Phúc 1 và 2, Khách sạn Mường Thanh Nhật Lệ, Khách sạn Ban Mai… Nhờ đó, hình ảnh con người Quảng Bình càng được yêu mến và tin cậy, thương hiệu du lịch tỉnh nhà tiếp tục được củng cố.
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình chia sẻ thêm, trong thời gian mưa lũ, lãnh đạo Sở Du lịch đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo các khu, tuyến điểm du lịch về việc ngừng đón khách, di dời lực lượng lao động và cơ sở vật chất lên những nơi an toàn.
Đồng thời, lãnh đạo Sở cũng đã đến thực tế nhiều khu vực để chỉ đạo các cơ sở lưu trú di dời khách du lịch đến những cơ sở lưu trú cao, bảo đảm công tác ăn nghỉ của du khách, không lợi dụng việc khách du lịch bị mắc kẹt do lũ để nâng giá dịch vụ, chặt chém, làm mất hình ảnh du lịch tỉnh nhà.
Ngay sau khi nước rút, Sở đã đôn đốc chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện công tác dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang các dịch vụ để sẵn sàng đón tiếp và phục vụ du khách.
Hiện nay, Sở đã có công văn đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh kê khai báo cáo thiệt hại, đồng thời, yêu cầu các cơ sở lưu trú tạo điều kiện tối đa cho các đoàn thiện nguyện về ăn nghỉ.
Mai Nhân
Comments