DU LỊCH QUẢNG BÌNH: SUY NGHĨ VỀ MỘT ĐỊNH HƯỚNG


Nguyễn Anh Trí ( GS. AHLĐ. Đại biểu Quốc hội khóa XIV)

Tôi đã đọc bản Kế hoạch: Thực hiện Chương trình hành động số 06- CTr/TU ngày 13/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó có một câu làm tôi rất suy nghĩ: “Đưa du lịch Quảng Bình (QB) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

 Vốn có thói quen trước khi bắt tay làm một việc gì, bao giờ tôi cũng kiểm đếm lại những tiềm lực của mình, như: sức khỏe, thời gian, năng lực, trình độ, các mối quan hệ, tiền bạc… Là một người con Quảng Bình, nên khi đọc câu đó, tôi lại trỗi dậy thói quen của mình: thử kiểm đếm xem những gì mà Quảng Bình đang có.

du lịch Quảng Bình
Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới

Trước hết là điều kiện giao thông để đến với Quảng Bình

Việt Nam là một nước theo đường chim bay thì trải dài trên 1.600 km và bờ biển thì dài trên 3.200km, nên việc đi từ chỗ nọ đến chỗ kia là cũng không phải hoàn toàn thuận lợi, vì có thể không đủ phương tiện, điều kiện để đi lại, như: có thể là không có sân bay, không có tàu biển, không có tàu hỏa; thậm chí đôi khi không có cả đường bộ – là quốc lộ nữa. Rồi nếu có thì cũng phải đi lâu vì đoạn đường dài quá, rất mất  thời gian cho việc đi lại. Còn QB là một tỉnh ở chính giữa đất nước. Lợi thế là ở chỗ đó. Cả hai đầu đến với Quảng Bình đều chỉ bằng nửa đường, còn các tỉnh gần với QB nữa thì lại quá thuận lợi. QB có đầy đủ các loại giao thông: đường bộ rộng, nhiều chuyến; đường tàu hỏa vừa thuận lợi (ở Hà Nội vào ra đều ngủ 1 đêm là đến), vừa đi qua những vùng cảnh đẹp như tranh; đường không thì có 2-3 hãng hàng không đến với QB, ngày nào cũng có chuyến; rồi đường thủy cũng rất thuận. Có thể nói cả nước không có tỉnh nào mà đi lại thuận lợi như đi đến Quảng Bình!

ga Đồng Hới
Sân bay Đồng Hới – Ga Đồng Hới thuận lợi cho du khách đến với Quảng Bình

Là một tỉnh có chiều ngang hẹp nhất nước

Hẹp nhưng có đủ tất cả các loại hình địa lý (rừng, núi, đồng bằng, sông, suối, biển…). Mà loại hình nào cũng đẹp, cũng phong phú, cũng ấn tượng.

Núi thì hang động nhiều miên man. Ai đã nghe nào là Phong Nha, Thiên Đường, Tú Làn, Hang Én, Sơn Đoòng… Xin thưa đó chỉ là một phần trong số hơn 300 hang động mà người QB với sự góp sức của Hội hang động Hoàng gia Anh giúp đỡ đã và đang phát hiện ra. Du lịch hang động ở chốn “vương quốc hang động” Quảng Bình thì hết tầm lung linh, hết tầm kỳ thú rồi! Tôi đã đi qua tất cả 6 hang động: Phong Nha, Hang khô (ở Phong Nha), Thiên Đường, Tú Làn. Hang Én (2 lần) và Sơn Đoòng nên tôi có khá đủ tự tin để khẳng định điều đó.

Khám phá Hệ thống hang Chà Lòi

Nói về sông suối: Quảng Bình có một hệ thống sông suối khá dày đặc, kết nối khá thuận lợi và rất đẹp. Các con sông chính là sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh và sông Nhật Lệ; với nhiều con sống nhỏ như sông Son, sông Long Đại, sông Kiến Giang… Mà tất cả đều xanh mát, đều dữ dội và đặc biệt là mang trên mình đầy những chiến tích anh hùng.

Rừng Quảng Bình nhiều (diện tích rừng 486.688 ha), là một trong những tỉnh có trữ lượng gỗ cao trong toàn quốc, hiện nay trữ lượng gỗ là khoảng 31 triệu m3; có rất nhiều loại gỗ quý; nhưng đặc biệt hơn là rừng Quảng Bình rất đẹp. Còn nhớ, hồi sân bay Đồng Hới chưa mở cửa, mỗi lần có dịp về quê bằng ô tô, tôi đều cho xe chạy theo đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông) để ngắm núi rừng xanh ngút mắt, đường quanh co uốn lượn, tha hồ chụp ảnh, tha hồ thư giãn với rừng rú.

Vườn Quốc Gia Phong Nha Kẻ Bàng

Rừng núi Quảng Bình nối với rừng núi của Lào tạo ra một vùng rộng lớn giàu, đẹp, mà huyền bí với những dãy lèn đá sừng sững vững vàng, và thực sự đó là nơi trú ngụ bình yên của các loại thú quý qua nhiều đời.

Đồng bằng, xin thưa: không hẹp đâu nhé! Chưa kể cánh đồng ở huyện Quảng Trạch, thì cánh đồng Lệ – Ninh (Lệ Thủy và Quảng Ninh) thẳng cánh cò bay, lúa tốt bời bời, nhiều giống gạo rất ngon. Đến nỗi, có câu “nhất Đồng Nai, nhì 2 huyện”  lưu truyền trong dân gian đã mấy trăm năm nay, để khẳng định một chân lý. Tôi nghiệm thấy: Phàm dân gian nói đã nói, đã tồn tại thì thường là rất đúng! Được biết là trong 2 thập kỷ gần đây, QB không có khi nào bị thiếu gạo phải nhờ Trung ương cứu đói.

Rồi, phía đông của tỉnh QB thường có những đồi cát (người QB gọi là “đôộng cát”), mà trước đây ai cũng “ớn” khi đọc câu thơ “chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình”. Vâng, thời những năm 60 của thế kỷ trước mà cụ Tố Hữu nói vậy là “chuẩn” đấy! (Tôi đã từng sống trong những thời kỳ đó, tôi thấm lắm!).  Nhưng nay thì khác hẳn! Mùa đông, được đi trên những đôộng cát đó mà chạy, mà nhảy, mà bay thì… không chi sướng bằng! Bằng chứng là, mùa đông năm kia tôi về quê, ra đôộng cát chơi, chụp mấy tấm ảnh đôộng cát, khe nước, hồ trên cát…, up lên facebook chơi, mà có đến gần ngàn like, hàng trăm người share; rồi có nhiều người hò hẹn “khi nào đi lại thì cho tôi đi với nhé!”. Còn mùa hè thì đã không còn “chang chang cồn cát” như ngày xưa nữa. Những rừng phi lao ngút ngát, xanh rờn, vờn bay theo gió. Mấy năm này khi nào về quê, tôi đều dành thời gian cho xe chạy theo con đường sát biển, rồi dừng lại, trèo lên những chòi canh rừng ngồi chơi với các cán bộ trông rừng, nhai khoai gieo, hóng mát, nói chuyện quê hương, ngắm những dãy núi xa xanh sau lưng, nhìn những con sóng dạt dào liếm vào bờ cát ngay trước mặt.  Cậu nhân viên quê Đông Anh (Hà Nội) đi cùng khi vào ngồi yên vị trong xe ô tô cứ tấm tắc mãi: “Mát quá, đẹp quá thầy ạ! Lần sau nếu đi nữa thầy cho em đi với nhé!”. Đó là còn chưa kể còn có Bàu Sen, Bàu Tró… những cái hồ nước tự nhiên, ở ngay sát biển mà nước ngọt và mát lạ lùng. Nước ngọt Bàu Tró nuôi cả mấy vạn dân thành phố Đồng Hới mà không bao giờ cạn.

Rồi biển nữa. Biển Quảng Bình kéo dài dọc cả tỉnh phải đến gần 150 km. Tôi đọc thấy Vietbook (một loại Ghi-net Việt Nam) đã ghi nhận: Quảng Bình là tỉnh có bờ biển dài nhất ở Việt Nam. Vâng, đúng vậy! Từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh đều có bãi biển. Mà bãi biển thoai thoải, cát mịn, trắng phau, nước xanh biếc, kể cả khi có sóng to cũng không đục. Còn nhớ lúc còn bé, đi lấy củi dương liễu (do máy bay Mỹ ném bom na-pan cháy cả vạt) ở những đôộng cát sát bờ biển, khi nóng bọn trẻ chúng tôi cứ thế nhảy xuống bất cứ chỗ nào cũng tắm được, chỗ nào cũng như là bãi biển “thứ thiệt” cả!

du lịch Quảng Bình
Đá Nhảy

Giữa những đôộng cát có những thung lũng nhỏ, trong đó có những cánh đồng cỏ rười  – loại cỏ cao tầm ngang bụng người lớn, đôi khi có rắn, có thỏ chạy vụt qua. Bọn trẻ chúng tôi hò nhau đuổi bắt. Vui lắm! Mùa mưa, có những dòng suối tự phát, nước trong leo lẻo, đôi khi gặp những đàn cá nhỏ bơi lội tung tăng… Đẹp như tranh!

Trong cuộc đời tôi đã đi qua một số nơi là sa mạc, có sa mạc hoặc như sa mạc ở Trung cận đông, Trung Quốc, Mỹ… thì thấy cát ở Quảng Bình rất đẹp, rất khác biệt. Tôi cứ ao ước một ngày nào đó sẽ có loại hình “du lịch sa mạc” ở quê tôi. Ở đó sẽ có cưỡi lạc đà, phi ngựa, đua xe (máy, ô-tô) trên các đôộng cát, cắm trại trong rừng phi lao, ngủ dưới trời sao trên giường cát biển, đắp tượng cát, bắt thỏ trong ruộng rười, tham quan ruộng dưa hấu, tổ chức đánh trận (giả) ở trên cát, ở dưới biển, đua thuyền buồm, lướt sóng, bay dù lượn, ẩm thực bên bờ cát biển,… Chắc chắn là vui và hấp dẫn đến không muốn về.

Hoa hậu hòa bình trượt cát

Vậy cái nắng, cái gió, rồi cát trắng,… tất cả đều trở thành những thế mạnh không đâu so sánh được.

Giáo sư Trí ở Bàu Sen – Lệ Thủy

Biển Quảng Bình đã dài nhưng mà còn đặc sắc về mặt thủy sản nữa. Các loại thủy sản gì nổi tiếng nhất của xứ biển thì QB đều có. Nhưng tôi muốn nói chuyện này, có lần ngồi ăn với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, một vị nói với tôi nửa đùa nửa thật “Bác Hồ nói với Bác Tôn: Mực, tôm chỉ có QB mới ngon!”. Chúng tôi cười vui vẻ, không có tranh luận (vì có ai chứng kiến đâu mà tranh luận!), nhưng tôi cứ băn khoăn có thật thế không? Một hôm, tôi gặp một kỹ sư thủy sản, tôi hỏi: “Có phải mực và tôm ở biển QB thì ngon hơn các nơi khác? Vì sao?”. Vị kỹ sư đó trả lời “Đúng đấy anh ạ, vì đặc điểm dòng hải lưu, các cửa sông, độ mặn của nước biển, rồi nắng và kỹ thuật chế biến nữa. Mà không chỉ mực, tôm đâu. Các loại hải sản khác cũng như vậy, nhìn chung ở biển Quảng Bình đều ngon!”. Người kỹ sư thủy sản nói như khẳng định!

du lịch Quảng Bình
Từ các khách sạn trên đường Trương Pháp du khách có thể view Biển hoặc Biển Bảo Ninh

Lại trở về với vấn đề Quảng Bình là một tỉnh có chiều ngang hẹp nhất trong cả nước! Tôi chỉ kể với mọi người chuyện này: Có lần về quê, gặp bạn cũ (cũng đã làm đến Phó Giám đốc Sở rồi), mời đi ăn trưa bằng chất giọng quý mến nhưng thách thức: “Bạn thích ăn đồ rừng hay đồ biển? Tất cả đều tươi rói nhé?” Tôi hỏi lại: “Có xa không?”. “ Chỉ cách xa nhau từ 4 đến 8 km, trong vòng 15 đến 20 phút thôi là có sự khác biệt đó!”. Chỉ có ở QB mới hiện thực được điều này!

Dạo anh Lương Ngọc Bính còn làm Bí thư tỉnh, anh rủ tôi “khi nào anh em mình đi một chuyến mà sáng ăn ở Đồng Hới, trưa ăn ở Lào, còn tối thì ăn ở Thái Lan”. Chỉ có ở Quảng Bình mới có đủ điều kiện để mời một chuyến đi “hào phóng” đến thế!

Như vậy, địa thế hẹp ở Quảng Bình thực sự là thế mạnh!

Về văn hóa, truyền thống, lịch sử Quảng Bình

Do đặc điểm về địa lý, tự nhiên và gắn liền ở một đất nước có một chiều dày lịch sử đánh giặc như Việt Nam, nên QB kể từ ngày thành lập (năm 1831) đến nay cũng đã có rất nhiều những biến động đáng nhớ.

Mặc dù là một tỉnh ở chính giữa đất nước, nhưng QB nhiều lần lại làm vị trí như phên dậu, như tiền đồn của đất nước. Thế mới là đáng ngạc nhiên! Xin kể một vài ví dụ gần đây cho dễ nhớ:

Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, đã lấy sông Gianh làm ranh giới giữa Đàng Trong (chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (vua Lê chúa Trịnh) kéo dài ngót nghét 1,5 thế kỷ (từ 1627 đến 1775) với hàng chục cuộc giao tranh lớn nhỏ. Đau thương cũng nhiều, mà chiến tích cũng lắm!

Rồi gần đây thôi, từ 8/1954 – đến 5/1975 giới tuyến tạm thời chia cắt 2 miền nước ta nằm ngay vĩ tuyến 17 thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), rất gần với Quảng Bình (ở vĩ tuyến khoảng 17,2). Nhà tôi cách sông Bến Hải theo đường chim bay khoảng 15 km, bởi vậy đạn ca-nông địch có thể bắn từ bên kia giới tuyến, hoặc từ tàu Mỹ ngoài biển vào Lệ Thủy là thường xuyên. Như vậy, có thể coi QB cũng là tỉnh “biên giới”, là “tiền đồn” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Do đặc điểm như vậy cho nên trong các thời kỳ đất nước có chiến tranh thì QB thường “không ngơi tiếng súng”, thậm chí thường là nơi diễn ra những trận chiến rất ác liệt. Đau thương lắm, nhưng cũng là anh hùng lắm. Đó cũng là lý do mà mảnh đất QB là nơi sinh ra rất nhiều tướng tài. Mặc dù dân số không đông (năm 2017 là khoảng trên 800.000 người), nhưng số lượng tướng lĩnh từ thiếu tướng trở lên thì vào hàng nhất nước (chỉ tính từ 1948 đến 2014 đã có 40 tướng); đặc biệt có danh tướng kinh bang tế thế mở rộng cương thổ quốc gia như Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, và cả tướng nổi tiếng thế giới là Võ Nguyên Giáp. Mà tướng người QB thường giỏi cả võ, hay cả văn; họ thường nói rất giỏi, viết rất hay, ứng xử rất nhân văn, sống rất tình cảm.

Rồi trên mảnh đất này có rất nhiều địa danh đã đi vào lịch sử với những khúc tráng ca thương đau mà chói lọi: đèo Ngang, thành Đồng Hới, Lũy Thầy, đèo Lý Hoà, cửa biển Nhật Lệ, hang Tám Cô, Cổng Trời, sông Gianh, Cự Nẫm, Xuân Bồ, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, Xuân Sơn, Long Đại, đường Hồ Chí Minh, trận địa pháo binh nữ Ngư Thủy, Đại Phong… Có thể nói trên đất QB đâu cũng là địa danh, đâu cũng có dấu ấn của lịch sử.

Quảng Bình Quan

QB cũng là tỉnh có sự giao thoa mạnh mẽ của các nền văn hóa. Các nhà khoa học khẳng định: Quảng Bình là vùng giao thoa của hai nền văn hóa cổ Việt – Chămpa; Quảng Bình là nơi giao thoa các nền văn hóa phương Đông (Ấn Độ, Trung Quốc), giao thoa văn hóa Bắc – Nam. Quảng Bình cũng là nơi tiếp thu nền văn hóa cung đình từ Huế ra, và thậm chí cũng là nơi cung cấp để làm giàu thêm văn hóa (âm nhạc, ẩm thực…) cung đình. Rất nhiều món ăn xứ Huế có nguồn gốc từ Quảng Bình; Và rất nhiều làn điệu dân ca đang thịnh hành ở Huế là bắt nguồn từ Quảng Bình. Cũng không ngạc nhiên mà các nhà nghiên cứu âm nhạc đã xếp vào nhóm “dân ca Bình – Trị – Thiên”, vì “khúc ruột” này vốn là một vùng văn hóa chung, có thời (1976-1989) còn là một tỉnh Bình – Trị – Thiên.

Bởi vậy, trên đất QB có rất nhiều món ăn ngon, lạ và đặc biệt. Có thể kể vài thứ bánh như: bánh tét (bánh đòn), bánh chưng, bánh ít, bánh bèo (bánh bột lọc), bánh lá, bánh nậm, bánh xoài, bánh khoái, bánh lá gai (còn gọi là bánh ít đen)… Một vài loại mắm ruốc như: nước mắm Ròn, mắm quầy, mắm nêm, mắm lầm, mắm lẹp, mắm ruốc (một loại làm từ con tép biển), mắm quầy trộn cà kiệu và ớt háp, nhút (loại làm từ con tép đồng)… Hoặc có những món ăn rất quý hiếm và ngon như cá nghéo bao tử, ốc ruốc, cháo hàu, đặc sản rắn đẻn, canh cá ngát nấu với cà chua bi… Món ăn ở Quảng Bình thường rất tươi (do gần sông, sát biển mà), cách chế biến thường là dân dã và đậm đà,… Nên bạn tôi đi công tác vào ăn cơm QB, về đến Hà Nội còn “nhạt mồm, nhạt miệng cả tuần vì nhớ món ăn Quảng Bình”! Rồi do sẵn tôm cá, nên văn hóa gắp thức ăn lên bát – có thể nói là chuyện rất nhỏ, nhiều người không để ý, ở Quảng Bình có khác với các nơi: gắp cả con, hoặc cả khúc cá (gọi vui là “nguyên đai, nguyên kiện”). Mấy người bạn tôi khi đến QB thường được nhắc phải làm như vậy là cười rung rúc! Cá thường kho một lửa (kho một lần, vừa chín và ngấm) là ăn, ít khi kho lại.

Do đặc điểm của các vùng miền khác nhau, ngay trên một miền đất hẹp nên cũng có nhiều loại hình lao động khác nhau (của miền rừng, miền biển, miền đồng ruộng) rồi cả trong sản xuất, trong chiến đấu, trong đời sống chống lại thiên tai khắc nghiệt mà tạo cho QB trở thành nơi có một nền dân ca vào loại phong phú nhất. Bên cạnh, có hát ru, ca trù, hát bài chòi,… từ các miền văn hóa khác giao lưu tới, thì còn có những làn điệu rất đặc sắc mà cũng rất đặc trưng cho QB, như Hò thuốc cá, hò hụi, hát nhà trò, hát dâng hương… và đỉnh cao phải kể đến đó là Hò khoan Lệ Thủy. Trong Tạp chí Văn hóa & Nghệ thuật của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (số ra ngày 15/6/2014) đã viết: “Hò khoan Lệ Thủy là loại hình đạt đỉnh cao trong nghệ thuật âm nhạc, có ảnh hưởng rộng khắp vùng đồng bằng và ven biển của tỉnh Quảng Bình”. Tôi nghĩ không cần phải bình luận gì thêm! Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không bao giờ quên những làn điệu của hò khoan Lệ Thủy. Tôi đã được nuôi dưỡng tâm hồn bởi âm hưởng và nội dung của hò khoan Lệ Thủy, của dân ca Bình – Trị – Thiên từ giọng ca của mẹ tôi, của bà con cô bác trong thôn xóm tôi; Và tôi đã mang những câu ca này đi suốt cuộc đời, sống với và sống vì những câu ca này! “Câu hò theo suốt dòng đời/ Neo níu mãi tình người xa xứ/ Muốn trở về với những đêm không ngủ/ Để nghe câu hò quê mẹ dưới trăng…”. Tất cả những người con QB khi xa quê, đều muốn trở về để nghe lại những câu hò khoan Lệ Thủy.

Rồi những lễ hội ở QB cũng rất phong phú. Mặc dù đã bị mất mát bớt do chiến tranh quá ác liệt, nhưng do có sức sống mãnh liệt nên có những lễ hội sống mãi với thời gian, tồn tại như một nhu cầu không thể thiếu của người dân QB. Có rất nhiều lễ hội ở QB, nhưng điển hình phải kể đến là Lễ hội bơi thuyền truyền thống của Lệ Thủy. Đây là một lễ hội đã có lâu đời, nhằm cầu mưa, được tổ chức vào tháng 4; nhưng sau Cách mạng tháng Tám (1945) đến nay thì đã tổ chức vào dịp Tết độc lập (2/9 hàng năm), nên các hoạt động trở nên hay hơn, vui hơn và chính thức hơn. Đó là ngày hội lớn ở QB. Lời một bài hát vang lên như thúc giục “Trai này! Bơi bơi bơi!/ Gái này! Đua đua đua!/Mời về Lệ Thủy, xem này bơi đua/Tháng Tám mùa Thu người người háo hức/ Làng làng rạo rực, đóng thuyền luyện quân/ Những chàng trai xuân, những cô gái đảm/ Kiến Giang dòng lụa tưng bừng ngày đêm…”. Con cháu làm đâu, sống đâu xa mấy cũng về để coi bơi, để ăn Tết độc lập với gia đình, với quê hương. Những năm vừa qua, vào dịp này khách du lịch đã đổ về với QB rất đông. Một tín hiệu tốt của du lịch quê tôi!

Tôi đã lang thang kiểm đếm nguồn lực về du lịch QB trong một bài viết khá dài, nhưng vẫn còn quá thiếu vì chưa nói sâu được các nhóm vấn đề đã đề cập ở trên; nhưng vẫn chưa đủ để nói về tài nguyên ở QB, đặc biệt là chưa nói về con người QB – những con người thông minh, khí khái, cương trực, biết nhường nhịn, sẻ chia và cũng rất trọng tình, trọng nghĩa.  

Tôi nhớ lại tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Bình – 2018 (27/8/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Trong một lần Bác Hồ về thăm Quảng Bình, Bác đã nói “Quảng Bình có những điều đặc biệt mà không nơi nào có!”. Rồi Thủ tướng nói tiếp: “Quảng Bình có những giá trị mà không thể nào lượng giá!” và ông nhấn mạnh: “Làm thế nào mà lượng giá được những kỳ quan độc nhất vô nhị như Sơn Đoòng!”. Rồi Thủ tướng đề nghị “Quảng Bình phải tạo ra một làn gió Đại Phong mới!”. 

Xin trở lại với ý tưởng “đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” của Tỉnh ủy Quảng Bình, tôi thấy đó thực sự là một định hướng đúng! Vâng, rất đúng!

Vấn đề còn lại là QB cần quyết tâm để biến những tiềm năng kể trên trở thành sự thực! Cần phải vào cuộc với tinh thần mạnh mẽ của “gió Đại Phong”, với sự sôi sục của phong trào “Hai giỏi” nổi tiếng hiệu quả và thành công trong thời kỳ đánh Mỹ.

Tôi có niềm tin, người Quảng Bình sẽ làm được!

  Hà Nội, 8/12/2018.

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour