Các điểm di tích trên đường 16 tại Quảng Bình


Trong các tuyến đường ngang thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình thì đường 16 là tuyến đường xuất hiện khá sớm và mang ý nghĩa đặc biệt là con đường ngắn nhất đến vĩ tuyến 17 và là con đường kết nghĩa của 3 tỉnh Bình – Trị – Thiên.

Động Thiên Đường Quảng Bình

Đường 16 là một trong 4 tuyến đường ngang của hệ thống đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình, được bắt đầu từ ngã tư Thạch Bàn (Phú Thủy – Lệ Thủy) đến Bắc sông Xê – Băng – Hiêng dài 84 km. Năm 1959, sau đợt tiếp tế cho đồng bào Trị- Thiên và miền Nam bị chính quyền Mỹ – Diệm khủng bố. Bộ GTVT nhận thấy đây là con đường ngắn và bí mật, có thể sử dụng để phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến nên đã chủ trương cho mở rộng và nâng cấp dần vào các năm 1960, 1965, 1969.

Đường 16 con đường quan trọng tại Quảng Bình

Đường 16 còn có tên gọi là đường Thống Nhất, con đường mang nguyện vọng, ý chí và quyết tâm của tất cả các lực lượng đã tham gia chiến đấu và lao động trên tuyến đường. Trong thời gian đầu cho đến năm 1965, đường 16 chủ yếu chỉ dùng cho gùi thồ, do thời gian này ta vừa mở đường, nâng cấp đường vừa phải giữ bí mật cho tuyến đường nằm sát giới tuyến. Sau này, khi được đầu tư mở rộng dần, đường 16 đã được sử dụng cho các loại xe cơ giới.

Trên suốt chiều dài hàng chục km len lõi giữa núi rừng Trường Sơn vượt qua bao đèo cao, vực thẳm, có thể nói không nơi nào trên tuyến đường 16 là không có các điểm di tích ghi dấu sự cày xới của bom đạn giặc Mỹ, đặc biệt là trong những năm từ 1970-1971:”Mùa khô 1965 1966, địch đánh đường 12 là 87 lần, đường 20 là 102 lần. Mùa khô 1970 – 1971, dịch đánh đường 12 là 617 lần, đường 20 là 926 làn, đường 10 là 579 lần và đường 16 là 1.114 lần”. Tuy nhiên, bom đạn giặc Mỹ đã không uy hiếp nổi tinh thần của quân và dân ta, trái lại cảng làm tăng thêm lòng căm thù và quyết tâm chiến đấu chống lại những hành động phá hoại của đế quốc Mỹ.

Địch càng bắn phá ác liệt thì hàng vào miền Nam ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 1971, khối lượng vận tải trên hướng đường 16 và đường 18 tăng trong tháng 2 gấp 1,7 lần, tháng 3 gấp 2,1 lần, tháng 4 gấp 3,3 lần so với tháng Giêng.

Đường 16 đón nhiều lãnh đạo và chính khách

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, đường 16 cũng đã vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Ủy viên Bộ Chính trị- Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và nhiều đồng chí như đồng chí Trần Nam Trung (Trần Lương)- Bí thư Liên khu ủy V; đồng chí Trần Văn Trà – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã vào kiểm tra việc mở đường cũng như thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng chiến đấu, lao động trên tuyến đường.

Năm 1973, đường 16 còn được vinh dự đón ngài Quốc trưởng Campuchia Nô-rô-đôm Xi-ha-núc và Hoàng hậu Mô-vich trở về thăm đất nước sau nhiều năm sống ở nước ngoài. Qua đường 16, Quốc trưởng Campuchia đã tỏ thái độ thán phục trước tinh thần dũng cảm quyết chiến quyết thắng của quân và dân Việt Nam và ngài cũng đã vô cùng xúc động trước sự giúp đỡ của Quân đội ta. Nhân dịp này, ngài cũng đã tặng Bộ tư lệnh Trường Sơn bài thơ “Biết ơn đường Hồ Chí Minh” với những câu thơ chứa chan tình cảm thắm thiết giữa hai nước.

Đường 16 có 3 điểm di tích quan trọng: Đó là các điểm di tích Ngã tư Thạch Bàn, suối nước khoáng Bang, Làng Ho.

Điểm di tích ngã tư Thạch Bàn:

Ngã tư Thạch Bàn là điểm đầu xuất phát của đường 16, còn gọi là tuyến Thống Nhất, tên gọi của con đường thể hiện nguyện vọng, ý chí và quyết tâm của quân và dân cả nước. Ngã tư Thạch Bàn cũng là điểm xuất phát của tuyến đường Thạch Bản – Khe Hó (Vĩnh Linh), là một trong những tuyến đường đầu tiên của Đoàn 559, có vị trí vô cùng quan trọng nối hậu phương với tiền tuyến mà Quảng Bình là cầu nối.

Ngã tư Thạch Bàn

Trong những năm từ 1968 – 1973, ngã tư Thạch Bàn là nơi đóng quân của Ban B – là cơ sở đón tiếp cán bộ, nhân dân 2 tỉnh Trị – Thiên ra học tập, công tác, nghỉ ngơi an dưỡng. Việc thành lập Ban B tại ngã tư Thạch Bàn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân Quảng Bình với nhân dân Trị – Thiên trong những tháng năm chiến tranh ác liệt nhất. Ngã tư Thạch Bàn còn là nơi đặt Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn năm 1973 và là nơi đóng quân của Trung đoàn ô tô Vận tải Tài 13 – Đoàn 559. Từ năm 1965 – 1973, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá ngã tư Thạch Bàn cực kỳ khốc liệt. Tại trọng điểm này các lực lượng cản bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân địa phương đã không quản ngày đêm lao động, chiến đấu anh dũng, kiên cường để mở đường, thông tuyến, đảm bảo chí viện kịp thời cho chiến trường miền Nam..

Điểm di tích lịch sử suối nước khoáng Bang:

Cách ngã tư Thạch Bàn khoảng 10km theo hướng Tây trên đường 16 là điểm di tích lịch sử – danh thắng suối nước khoáng Bang. Khu vực này có địa thế rộng rãi nhưng khá kín đáo, có suối nước khoáng nóng tự nhiên. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. xâm lược, khu vực này là chiến khu của huyện Lệ Thủy. Trong những năm chống Mỹ, Đoàn 559 đã chọn nơi này làm nơi đóng quân của Ban Quân y. Bệnh xã của Ban có đến 50 giường bệnh do bác sĩ Phạm Văn Phối (bác sĩ vào tuyến sớm nhất) phụ trách.

suối nước khoáng Bang
suối nước khoáng Bang

Cùng với 2 bệnh xá của Trung đoàn 70, Trung đoàn 71 đã phối hợp hình thành bậc thang điều trị, nâng cao hiệu quả cứu chữa cho thương bệnh binh trên toàn tuyến. Năm 1973, tiếp tục phát huy lợi thế cùa khu vực này, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên – Tư lệnh Đoàn 559 đã cho xây dựng Trạm Điều dưỡng cùng với việc ngăn suối, xây bể tắm phục vụ bộ đội Trường Sơn và thương, bệnh binh được chuyển về từ các chiến trường.

Từ năm 1991, Xí nghiệp khai thác nước khoảng Lệ Thủy thuộc Sở Công nghiệp Quảng Bình đã bắt đầu khai thác nguồn nước khoáng. Qua các công trình nghiên cứu đều đã kết luận nước khoáng suối Bang chứa nhiều nguyên tố vi lượng quý hiếm rất tốt cho sức khỏe, được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Bên cạnh đó, với ưu thế là suối nước khoáng có độ nóng nhất trong các suối nước khoáng ở Việt Nam, có bể ngâm nóng và bể ngâm lạnh, lại nằm giữa những đồi thông và rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, khu vực suối Bang là địa điểm lý tưởng để xây dựng mô hình du lịch sinh thái của Quảng Bình.

Điểm di tích Làng Ho

Điểm di tích làng Ho nằm trên tuyến đường 16, thuộc xã Kim Thủy. Cuối năm 1959, Làng Ho được Đoàn 559 chọn đặt Sở chỉ huy tiền phương. Làng Ho là điểm đầu của tuyển gùi thồ “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, tuyến chi viện đắc lực cho chiến trường Trị – Thiên và Khu V từ những năm 1959 – 1962. Trong những năm 1966 – 1967, các lực lượng bộ đội, TNXP đã tập trung cho chiến dịch đồng loạt ra quân mở đường và nâng cấp đường từ Thạch Bàn đến Làng Ho, Làng Ho- Khe Sanh, Làng Ho – Bản Đông. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, ta đã tổng tấn công và kết thúc thắng lợi chiến dịch Mậu Thân 1968 và chiến dịch Đường 9- Nam Lào năm 1971.

Di tích lịch sử Làng Ho
Di tích lịch sử Làng Ho

Trong thời gian đầu mới đến đóng quân, Đoàn 559 đã phải đương đầu với không ít khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, nhờ có sự giúp đỡ tận tình của bà con dân tộc nơi đây. Đoàn 559 đã từng bước xây dựng khu hậu cứ từ Sở chỉ huy, kho tàng, bệnh xá, trại sản xuất, trạm đón khách.. Hàng hóa từ miền Bắc chuyển vào được tập kết nơi đây để rồi theo đường 16 chuyển vào các chiến trường miền Nam và Trị Thiên. Với địa thế nhiều núi đồi, khe suối, hang hốc, bản làng Ho đã trở thành địa điểm tập kết hàng hóa an toàn nhất.

Như vậy, từ khi ra đời cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đường 16 đã có nhiều đóng góp trong công tác vận tải chiến lược phục vụ chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Đường 16, tuyến đường vượt Trường Sơn ở cực Nam Quảng Bình, cùng với các tuyến đường dọc, ngang hòa nhập hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tiến sâu vào chiến trường miền Nam. Đường 16 là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, trí thông minh, lòng dũng cảm của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến trên khắp mọi miền Tổ quốc đã hội tụ về đây cùng chung sức, chung lỏng làm tròn nhiệm vụ của hậu phương với tiền tuyến lớn.

Đường 16, cùng với các tuyến đường dọc ngang trong hệ thống đường Hồ Chi Minh đã vận chuyển hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa; 45 triệu tấn vũ khí và 5,5 triệu mét khối xăng dầu vào chiến trường cùng hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân vào Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi cuối cùng: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Quảng Bình Di tích Danh Thắng

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour