14:06 - 16.09.2024
Lễ hội mừng cơm mới của người Bru Vân Kiều tại Quảng Bình
14:05 - 16.09.2024
Quảng Bình là tỉnh có truyền thống lịch sử – văn hoá lâu đời, nơi con người đã tụ cư sinh sống từ ngàn xưa; nơi chứa đựng nhiều dấu tích văn hoá của các lớp dân cư trong tiến trình lịch sử của dân tộc.
Lễ hội mừng cơm mới của người Bru Vân Kiều xã ngân Thủy cảm ơn thần linh đã phù hộ cho họ có một vụ mùa tốt, đồng thời cầu xin thần lúa, và các vị thần sông, thần núi cho họ mùa tới tốt hơn.
Đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Bình
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên khoảng 3.845 km2, có 9 xã biên giới với 201 km đường biên giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Dân số tính đến 31/12/2021 là 10.907 hộ, 45.400 người. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 102 thôn, bản thuộc 15 xã và 3 bản của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Dân số đồng bào dân tộc thiểu số có 6.417 hộ, 27.004 người (chiếm hơn 2,96% dân số toàn tỉnh). Trong đó, dân tộc Bru-Vân kiều có 4.543 hộ, 19.209 người, gồm các tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì; dân tộc Chứt có 1.717 hộ, 7.064 người, gồm các tộc người: Sách, Rục, A rem, Mày và Mã liềng. Đây là 2 dân tộc thiểu số có số dân đông nhất, còn lại là các dân tộc thiểu số khác với số dân không nhiều như: Mường, Thổ, Tày, Nùng, Thái… với 57 hộ, 177 người. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 69,52%.
Bảo tồn văn hóa của bà con dân tộc thiểu số tại Quảng Bình
Địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình chủ yếu tại các bản, làng trên dãy Trường Sơn hùng vỹ. Trong quá trình sinh tồn và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình đã sáng tạo và gìn giữ rất nhiều giá trị văn hoá vật chất, tinh thần độc đáo; đồng thời cũng đóng góp nhiều công sức, xương máu trong công cuộc bảo vệ và xây dựng bản làng, xây dựng quê hương, đất nước.
Các di sản văn hoá phi vật thể (lễ hội, tín ngưỡng, phong tục – tập quán, tri thức -diễn xướng dân gian,…) của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình rất phong phú, đặc sắc và mang nhiều giá trị nhân văn, thẩm mỹ, phản ánh tình yêu thương, khát vọng sống và vươn lên để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, của cộng đồng dân cư cũng như đời sống kinh tế-xã hội của mỗi tộc người; là nguồn sử liệu quan trọng, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa của quê hương, đất nước.
Người Bru Vân Kiều
Trong các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều gồm nhiều nhóm tộc người, với nhiều tên gọi khác nhau. Tộc người Vân Kiều sinh sống ở các xã Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) và xã Ngân Thủy, Kim Thủy (huyện Lệ Thủy); tộc người Khùa sinh sống ở xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa), xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch). Tộc người Tri (hay còn gọi là Tia-Ri, Chà-Ly, Trùi,…) và tộc người Ma-Coong (còn gọi là Măng-Coong, Mong-Khong, Mường-Kong,…) sinh sống ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch).
Trãi qua bao biến thiên của lịch sử, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình vẫn giữ gìn được tính thống nhất về ngôn ngữ, cũng như những truyền thống tốt đẹp về văn hóa. Mặt khác, họ còn có tinh thần đoàn kết, gắn bó với các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.
Người Bru Vân Kiều định ra các ngày và tên ngày tháng qua quan sát sự chuyển dịch của mặt trăng, đồng thời họ cũng quan niệm có những ngày tốt (ngày mồng 4,7,9), những ngày xấu (30 và mồng 1). Mỗi năm lịch nông nghiệp của người Bru Vân Kiều gồm 10 tháng thời gian trồng trỉa thường bắt đầu vào tháng 5 (Rool) kéo dài đến thời gian trăng mọc (Ca xơ lây) của tháng 6. Đến tháng 10 lúa chín, người Bru Vân Kiều tổ chức thu hoạch. Ngày đầu thu hoạch, họ không cho người lạ mặt vào bản, rẫy, quy định không được phóng uế. Thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 11. Đến tháng 12 là lúc nghỉ ngơi.
Lễ hội mừng cơm mới của người Bru Vân Kiều
Người Bru Vân Kiều rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, tín ngưỡng của họ còn mang dấu vết của tô tem giáo. Họ tin vào các thần linh huyền bí (Yang), họ coi vạn vật hữu linh, thờ thần lúa. Thần lúa được coi là vị thần quan trọng nhất (Trong truyền thuyết thần lúa tượng trưng hình trái bầu) không chỉ cứu vớt loài người trong trận lũ lụt lớn mà còn mang lại ấm no hạnh phúc cho dân tộc họ. Bởi vậy người Bru Vân Kiều luôn bảo lưu các lễ hội liên quan đến thần lúa như lễ trỉa hạt, lễ mừng cơm mới. Các lễ cúng liên quan khá sâu sắc đến hoạt động sản xuất như khâu phát đốt cốt, trỉa, tuốt lúa và cất giữ lúa…
Lễ hội mừng cơm mới thường được tổ chức vào ngày trung tuần của tháng 12 âm lịch. Người Vân Kiều gọi là tư ka bôn. Lễ tư ka bôn được tổ chức 3 đến 5 năm một lần. Đây là nghi lễ được tiến hành khi vụ mùa kết thúc một chu kỳ sản xuất để bước vào một vụ mùa mới. Họ cúng tạ ơn các thần linh đã phù hộ cho họ có một vụ mùa tốt, đồng thời cầu xin thần lúa, và các vị thần sông, thần núi cho họ mùa tới tốt hơn. Đồng bào Vân Kiều có câu tục ngữ: “Ca xay oong, ta oong ngoai cha” (Nghĩa là tháng chạp là tháng ăn chơi). Tháng 12 thường là tháng nghỉ ngơi sau một kỳ thu hoạch, là lúc đồng bào thăm viếng, sinh hoạt cộng đồng với các lễ hội và sau đó dồn công sức cho vụ mùa sau.
Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình sinh sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp nương rẫy, họ thường tìm đất canh tác ở nơi có rừng già, nhiều cây cối, ít gió, bảo đảm cho việc sản xuất. đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình định ra các ngày và tên ngày tháng qua quan sát sự chuyển dịch của mặt trăng, đồng thời họ cũng quan niệm có những ngày tốt, những ngày xấu.
Mỗi năm lịch nông nghiệp của người Bru-Vân Kiều gồm 10 tháng; thời gian trồng trỉa thường bắt đầu vào tháng 5 và kéo dài đến thời gian trăng mọc của tháng 6. Đến tháng 8, tháng 10 lúa chín, người Bru- Vân Kiều tổ chức thu hoạch. Người Bru-Vân Kiều trồng lúa, ngoài ra trồng thêm sắn, ngô, khoai, bầu, bí và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Trước đây, đồng bào làm rẫy với những công cụ thơ sơ như con dao phát, rìu chặt, gậy chọc lỗ, cào cỏ. Người Bru-Vân có tục phát một chỗ làm dấu rồi đêm về nằm mộng, thấy “điềm lành” mới tiếp tục phát, gặp “điềm gỡ” sẽ bỏ đi tìm nơi khác. Đồng bào làm rẫy, ruộng theo lịch riêng. Đến nay, trình độ sản xuất nông nghiệp của người Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình đã tương đối tiến bộ, nhưng về cơ bản lịch canh tác như trên vẫn không thay đổi.
Lễ cúng mừng Cơm mới
Lễ cúng cơm mới của đồng bào các tộc người Vân Kiều được tiến hành qua hai bước. Đầu tiên, sau khi thu hoạch lúa trên các nương rẫy về, trong từng gia đình thường tổ chức lễ ” rước hồn lúa”. Trong lễ này chỉ có các thành viên trong gia đình tham gia, không mời khách bên ngoài. Trước hết người vợ lên nương lựa chọn những bông lúa mẩy hạt đem buộc lên cột nhà chính (cột cái) để cúng Yàng. Lễ vật gồm có ít rưọu, thịt, bát cơm mới. Sau lễ cúng gia đình là lễ cúng chung được tiến hành tại nhà chủ làng, trong lễ này, các gia đình có trách nhiệm đóng góp lễ vật bao gồm: Một ché rượu, một con cá nướng, một dĩa bánh lá và một chén cơm lúa mới. Trên mỗi lễ vật đều được cắm lá cây, điều đó được tượng trưng cho sự tốt tươi, được mùa. Sau khi chuẩn bị xong lễ vật mọi thứ cần thiết, chủ làng cũng đồng thời là vị chủ lễ đứng ra khấn vái và mời ma rẫy về ăn cơm lúa mới. Nội dung lời khấn đại ý như sau: Ơ Yàng phía đông, Yàng phía tây, Yàng mây, Yàng Sét, Yàng núi…nay lúa đã được tuốt về, hồn lúa đã về kho, heo đã được mổ, rượu đã đong đầy ché, xin mời các Yàng hãy cầm cần rượu, ăn miếng thịt heo, ăn bát cơm lúa mới, mong Yàng cho mùa sau lúa được sai bông, hạt mẩy, đến kỳ thu hoạch đầy gùi, nhập kho, người cõng không hết…ơ Yàng…Đồng bào Vân Kiều còn có tục xin keo sau lễ cúng bằng cách tung đồng bạc trắng, nếu đồng bạc sấp chứng tỏ được Yàng ủng hộ sang năm sẽ được mùa tiếp, nếu đồng bạc nằm ngữa thì phải tiếp tục xin cho đến khi Yàng chấp thuận.
Xưa kia, hầu như toàn bộ cuộc sống của người Bru-Vân Kiều bị ràng buộc bởi các thần linh. Tất cả mọi vật, mọi hiện tượng tự nhiên cũng như trong cuộc sống, đối với họ, đều có thể trở thành thiêng và thờ cúng được. Trong đó, phổ biến là các thần, như thần lúa (dang kăn tro), thần núi (dang co), thần sông (dang krong), thần đất (dang ku te), thần cây (dang a luông),…Người Bru-Vân Kiều rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, tín ngưỡng nông nghiệp của họ còn mang dấu vết của tô tem giáo. Họ tin vào các thần linh huyền bí, họ coi vạn vật hữu linh, thờ thần lúa. Thần lúa được coi là vị thần quan trọng nhất, không chỉ cứu vớt loài người trong trận lũ lụt lớn mà còn mang lại ấm no hạnh phúc cho dân tộc họ. Bởi vậy, người Bru-Vân Kiều luôn bảo lưu các lễ hội liên quan đến thần lúa như lễ trỉa hạt, lễ mừng cơm mới. Các lễ cúng liên quan khá sâu sắc đến hoạt động sản xuất như khâu phát đốt cốt, trỉa, tuốt lúa và cất giữ lúa…
Người Bru – Vân Kiều chuẩn bị lễ vật cho lễ hội mừng cơm mới rất chu đáo. Lúa nếp sau khi tuốt từ nương rẫy đem về nhà sẽ được để ít nhất 3 ngày mới đem giã. Trong 3 ngày đó, hạt lúa được bà con đem phơi khô, sảy, làm sạch, chọn lọc những hạt lúa chắc mẩy nhất đem cất vào kho. Sau khi lúa đã được phơi khô, làm sạch, bà con cho vào cối lớn bằng gỗ để giã. Với đôi bàn tay khéo léo nhưng cũng không kém phần mạnh khỏe, rắn chắc, những người phụ nữ Bru – Vân Kiều đã tạo ra thành phẩm là những mẹt gạo nếp trắng trẻo, thơm nồng.
Gần đến ngày tổ chức lễ, những người phụ nữ Bru – Vân Kiều cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, lấy rau củ trên rừng trên nương để chuẩn bị vật phẩm phục vụ lễ cúng mừng cơm mới. Trong khi đó, những người đàn ông thì cầm cung, nỏ, ná, đeo nơm lên rừng xuống suối để tìm kiếm những thành quả mà thiên nhiên ban tặng như cá, mật ong rừng và các sản vật khác.
Còn những già làng, trưởng bản, người uy tín trong đồng bào Bru – Vân Kiều thì chuẩn bị dựng cột nêu hình cây lúa. Trên cây nêu có buộc túm những cây lúa sai hạt vào cột. Cột nêu được trang trí hình chim muông, mặt trăng, mặt trời với các đường nét đơn giản nhưng thanh thoát.
Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru – Vân Kiều ở Quảng Bình được tổ chức trên quy mô cộng đồng, do đồng bào tự đóng góp lại. Lễ hội thường được tổ chức theo nhóm, hay từng dòng họ. Mỗi dòng họ đóng góp theo suất của từng hộ gia đình… Các suất được quy định như cùng góp con lợn, con gà, ché rượu và nhiều sản vật, bánh trái khác. Đặc biệt, vật phẩm không thể thiếu tại lễ hội đó là những mâm xôi cơm mới để cúng lễ.
Tại buổi lễ, đồng bào tham gia thực hiện các nghi lễ, các trò chơi dân gian và thực hành, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Các cụ già uống rượu và hát các làn điệu dân ca. Một số đánh chiêng, thổi khèn, thổi sáo… Lời hát là các làn điệu dân ca truyền thống cầu chúc cho cuộc sống an bình.
Lễ mừng Cơm mới của người Bru Vân Kiều tại Ngân thủy được công nhận là di sản phi vật thể cấp Quốc gia
Trải qua bao nhiêu biến thiên và thăng trầm của lịch sử, bà con Vân Kiều trên địa bàn xã Ngân Thủy đã phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của mình để hôm nay lễ hội mừng cơm mới của bà con được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia.
Du khách đến trải nghiệm ở miền tây Quảng Bình có thể được hòa mình vào lễ hội mừng cơm mới, ngoài việc thám hiểm hang động hay trekking trong rừng và suối thác thì tìm hiểu Văn hóa của bà con ở nơi đây là một điểm nhấn không thể thiếu khi đến du lịch ở đây.
Bài viết liên quan
14:06 - 16.09.2024
Mật ong rừng Động Châu
14:05 - 16.09.2024
Quảng Bình nhiều hoạt động chào đón năm mới 2024
14:06 - 16.09.2024
Khám phá Đảo Cồn Cỏ – viên ngọc bí ẩn ở Quảng Trị
Related Articles
14:06 - 16.09.2024
Quang Binh hotels are fully booked during the April 30th holiday
14:06 - 16.09.2024
Mật ong rừng Động Châu
14:05 - 16.09.2024
Quảng Bình nhiều hoạt động chào đón năm mới 2024
14:06 - 16.09.2024