Hà Nội-Quảng Bình… xa hóa gần! – Bài 1: Theo bánh con tàu quay


Bạn ở Hà Nội điện thoại vào khoe: “Quảng Bình quê ta ơi mùa du lịch này thay đổi cực kỳ rõ nét. Mà cái được nhất người Thủ đô khen nức nở là lần đầu tiên giữa Quảng Bình và Hà Nội hình thành nên đôi tàu du lịch. Tiện ích lắm, hợp lý lắm! Này nhé, chiều thứ sáu lên tàu, ngủ một giấc, sáng ra đã thấy ở Quảng Bình. Sau hai ngày thăm thú vương quốc hang động, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa – Đảo Yến, tắm biển Nhật Lệ…

Tối chủ nhật quay ra, sáng mai đến công sở làm việc bình thường”. Và để trải nghiệm lời bạn nói, vào một ngày đẹp trời cuối tháng sáu, chúng tôi khoác ba lô, lên ga Đồng Hới, theo bánh tàu quay ra bắc, vào nam… làm khách du lịch, ngồi trên tàu du lịch, đi du lịch…

Ngày chúng tôi đi làm ký sự đời tàu chợ cuối năm 2013, Phó trưởng Ga Đồng Hới Nguyễn Thanh Khánh tiễn chân lên tàu đầy tâm trạng. Lần này cũng là anh đưa chúng tôi ra sân ga, gương mặt rạng rỡ. Sân ga chiều chật kín người. Dự định trò chuyện cùng anh để nắm chút thông tin làm vốn trước khi lên tàu nhưng anh hẹn: “Thôi, các chú trải nghiệm thực tế trước, lúc nào về cần gì anh sẽ cung cấp thêm. Nhưng anh tin rằng tất cả mọi cái các chú muốn tìm hiểu đã có đủ trên chuyến tàu QB2 rồi”.

Đúng 16 giờ 30 phút chiều, chuyến tàu du lịch Quảng Bình – Hà Nội số hiệu QB2 được lệnh chuyển bánh rời sân ga Đồng Hới. Loáng thoáng qua ô cửa, thành phố Hoa Hồng lùi dần về phía sau. Nhiều khách đi tàu nhẹ đưa tay áp vào cửa kính tạm biệt Quảng Bình với cử chỉ trìu mến, trân trọng, hẹn dịp trở lại nơi vùng đất “chang chang cồn cát” mà chân tình, hồn hậu.

Quay ngược thời gian về một tháng trước đó, ngày 29-5, theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Bình, Công ty vận tải hành khách đường sắt (VTHKĐS) Hà Nội chính thức khai trương tàu du lịch QB1 nối Hà Nội – Quảng Bình. Một ngày sau, tàu QB2 cũng đưa vào vận hành chiều ngược lại.

Theo thỏa thuận giữa UBND tỉnh Quảng Bình và Công ty VTHKĐS Hà Nội, sứ mệnh phục vụ khác du lịch của đôi tàu sẽ chấm dứt vào ngày 12-7 (đối với QB1) và 13-7 (đối với QB2). Như vậy “họ và tên” của QB1, QB2 sẽ không tồn tại trong hệ thống xe lửa nối liền Bắc – Nam sau ngày 13-7, nếu không có sự “đột biến”.

Sự “đột biến” đó là gì? Theo một vị lãnh đạo của Công ty VTHKĐS Hà Nội tâm sự: Đó là nhu cầu nhân dân, nhu cầu khách du lịch từ các tỉnh miền Bắc đến Quảng Bình. Vì mới hình thành, lại đang trong quá trình thử nghiệm, nếu phát huy tối đa tính hiệu quả của đôi tàu thì Công ty tiếp tục duy trì. Tóm lại “tuổi thọ” của đôi tàu du lịch Hà Nội- Quảng Bình tùy thuộc vào quyết định từ khách du lịch.

Và câu trả lời chúng tôi tìm được trên chuyến tàu QB2 rời Quảng Bình đưa hành khách về Bắc sau những ngày trải nghiệm thú vị nơi vùng đất miền Trung nắng gió: tất cả các toa xe đều chật kín người.

Đã hẹn trước nên khi tàu vừa chuyển bánh rời ga Đồng Hới, Lê Anh Văn, Trưởng tàu QB2 đến chào chúng tôi. Một thanh niên dáng dong dỏng cao, mặt hiền hiền, giọng nói đậm chất Nghệ, anh bảo: “Mọi người cứ nghỉ ngơi cho khỏe, tranh thủ tác nghiệp khi trời còn chưa tối. Thú thật, nhiều lần cùng với tàu hỏa vào ra, nhưng khi xuyên giữa núi rừng Quảng Trạch, Tuyên Hóa, bên núi, bên sông, sơn thủy hữu tình, cảm xúc mỗi lần mỗi khác. Không gian đẹp như một bức tranh thủy mặc ít người họa được.

Ra Đồng Lê, “nhà tàu” trân trọng mời đoàn bữa cơm tối đạm bạc. Lúc đó ta có thời gian ngồi tâm sự với nhau”. Lê Anh Văn lời vừa dứt, thấy bóng dáng khuất phía cuối toa. Tôi có cảm giác vui vui trong lòng vì Văn rong ruổi theo đời tàu hỏa mà tâm hồn vẫn có chút lãng mạn tài tử, đúng chất dân Nghệ! Chắc chắn dễ gần.

Đôi tàu du lịch QB1, QB2 có nét gì đó hao hao giống tàu chợ địa phương, nghĩa là luôn luôn nhường đường cho các “đàn anh” máu mặt mang ký hiệu SE, TN… nhưng về tổng thể lại gần gũi với những “anh lớn” này khi chỉ dừng tại 8 ga trên hành trình hơn 500 cây số của mình: Đồng Hới, Đồng Lê (Quảng Bình); Hương Phố, Yên Trung (Hà Tĩnh); Vinh, Chợ Si (Nghệ An); Thanh Hóa và Hà Nội.

Trong tổng số 10 toa xe có 2 toa ngồi mềm, 2 toa giường nằm cứng và 4 toa giường nằm mềm. Tổ cán bộ, nhân viên phục vụ trên QB2 gồm 10 người và 3 trưởng tàu. Lê Anh Văn đảm nhận chức vụ trưởng tàu chỉ đến ga Vinh, sau đó bàn giao công việc cho người khác, vì gia đình anh hiện đang ở thành phố Vinh. Bình quân mỗi chuyến tàu QB1, QB2 có sự hiện diện trên 400 hành khách. Lúc cao điểm thì… cháy vé. Các toa giường nằm lúc nào cũng kín người.

Giữ đúng lời hứa, khi tàu rời ga Đồng Lê trong bóng đêm nhập nhoạng, trưởng tàu Lê Anh Văn xuất hiện tại phòng chúng tôi lỉnh kỉnh xách theo những hộp cơm nóng hổi. Anh nói: “Trên tàu chỉ phục vụ hành khách giải khát và đồ ăn nhẹ thôi. Thức ăn thông dụng nhất là mì tôm, nhân viên hay dùng vì tiện, nhanh, ngon, bổ, rẻ… Hôm nay có các nhà báo nên ăn cơm đột xuất. Hồi chiều anh em trong tổ phục vụ điện ra Đồng Lê đặt trước ở mối quen đó. Mời mọi người!”.

Cơm hộp đạm bạc, dân dã, câu chuyện theo chuyển động sục xịch của bánh tàu nghiến trên đường ray ngày càng thân mật hơn. Tựu trung lại cũng chỉ xoay quanh chuyện đôi tàu du lịch, cách phối hợp ăn ý giữa Hà Nội với Quảng Bình để hình thành nên ý tưởng làm du lịch bằng hỏa xa… Đội ngũ cán bộ, nhân viên trên đôi tàu QB1, QB2 ngoài sự nhiệt tình cần có còn được tập huấn thêm chuyên môn, nghiệp vụ kỹ năng về du lịch và phải biết chút ít ngoại ngữ.

du lich quang binh

Tưởng Lê Anh Văn là dân Nghệ, hóa ra chúng tôi “bé cái nhầm”, Văn gốc thôn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, sinh năm 1981, vào nghề từ những năm 2001. Trong hành trình rong ruổi trên cung đường sắt Bắc- Nam, Văn bén duyên với một cô gái Vinh rồi ở lại quê vợ luôn. Thi thoảng tàu ngang qua Đồng Hới, Văn tranh thủ ghé thăm nhà. Bảo Lê Anh Văn bị “Nghệ An hóa” mất rồi! thấy chàng trưởng tàu cười giòn tan “Mô anh! Quảng Bình chính xác một trăm phần trăm”.

Gặp đồng hương, lại là trưởng tàu, mọi thông tin chúng tôi cần đều được Văn cung cấp đầy đủ. QB2 của Văn rời ga Đồng Hới lúc 16 giờ 30 phút, đến Hà Nội khoảng 4 giờ 50 phút sáng, giá vé theo 3 mức: ngồi mềm điều hòa 459.000 đồng; giá nằm điều hòa tùy theo khách lựa chọn giường tầng 1 hay tầng 2 mà mức giá tương ứng 664.000 đồng đến 720.000 đồng. Đội ngũ nhân viên trung thực, nhiệt tình, chu đáo với hành khách, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” – đó là phương châm mà mỗi một cán bộ, nhân viên trên QB2 phải quán triệt thực hiện. Trong khoảng 3 ngày đầu đưa vào khai thác,  riêng tàu QB2 vận tải hơn 1.000 khách du lịch.

Trên chuyến tàu duyên nợ nối Quảng Bình – Hà Nội, tôi được trò chuyện cùng ông Lê Quang Vương, nguyên Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội nay đã nghỉ hưu. Ông Vương tâm sự trong đời 3 lần từng đến Quảng Bình. Lần thứ nhất người lính trẻ hành quân vào Nam, biết Quảng Bình là tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, mảnh đất kiên trung, anh dũng, kiên cường với những tên đất, tên làng dọc theo đường hành quân: Ba Trại, Cự Nẫm, đường 20 – Quyết Thắng, phà Long Đại, đường 10, Làng Ho… Lần thứ hai ông vào Quảng Bình trên cương vị một Chánh văn phòng UBND thành phố, có xe đưa xe đón, ăn ngủ nơi nhà hàng, khách sạn sang trọng nhất nhì Đồng Hới…

Vậy mà chẳng so được với lần thứ ba này, ông Vương với vợ là bà Lê Thị Bích Hằng cùng con cháu ngót nghét chục người thăm Quảng Bình bằng tàu hỏa, tự do khám phá động Thiên Đường, Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ấn tượng nhất là thỏa sức ngâm mình dưới biển Nhật Lệ, một bãi biển đẹp, nơi Bác Hồ từng tắm khi Người vào thăm Vĩnh Linh, Quảng Bình năm 1957. Nhật Lệ dù hoang sơ, chưa triệt để đưa vào khai thác nên có sức hút kỳ lạ đối với du khách…

Đánh giá tính hiệu quả của đôi tàu du lịch QB1, QB2, ông Lê Quang Vương khẳng định: “Cần tiếp tục duy trì, theo ý nguyện hành khách chứ đừng nên căn cứ vào mốc thời gian Công ty VTHKĐS Hà Nội và tỉnh Quảng Bình đề ra. Như vậy là duy ý chí! Ở đây, dân mình cần, đặc biệt tầng lớp cán bộ, công chức, giới bình dân, trẻ em và người cao tuổi… Phong cách phục vụ trên tàu có nét riêng cần phát huy. Theo ý ông thì nên duy trì “tuổi đời” đôi tàu cho đến khi miền Trung, Quảng Bình chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ”.

Câu chuyện của chúng tôi tạm ngưng khi trưởng tàu Lê Anh Văn đến chào từ biệt. Hóa ra QB2 đã đổ lại trên sân ga Vinh lúc nào chẳng hay. Đồng hồ điểm mốc thời gian hai giờ sáng. Kịp bắt tay Văn lúc con tàu rùng mình cần mẫn xuôi ra bắc, hướng về Thủ đô Hà Nội trong một đêm mùa hạ chuyển dần qua sáng hanh hao nóng…

Theo báo Quảng Bình

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour