Sau khi chùa Hoằng Phúc – một di tích lịch sử cấp Quốc gia tại xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy được khánh hạ, đông đảo người dân và du khách xa gần đều hướng sự quan tâm về lễ hội Chùa Hoằng Phúc năm 2016. Dự kiến lễ hội sẽ được tổ chức vào các ngày 27 và 28 tháng 2 năm 2016 (nhằm ngày 20 và 21 tháng Giêng năm Bính Thân). Đây là lần đầu tiên lễ hội Chùa Hoằng Phúc được tổ chức tại tỉnh ta.
Chùa Hoằng Phúc được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 4248 ngày 9-12-2015. Đây là ngôi chùa cổ, được hình thành cách đây trên 715 năm và đã trải qua nhiều tên gọi, khởi đầu là am Tri Kiến, tiếp đến là chùa Kính Thiên và sau là chùa Hoằng Phúc. Chùa còn có tên gọi dân gian là chùa Quan, chùa Trạm.
Am Tri Kiến là một ngôi chùa được lập để thờ Phật, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân Đại Việt từ miền Bắc di trú vào vùng đất mới và để cố kết cộng đồng bản địa. Chính nơi đây, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến ở và thuyết pháp truyền giảng giáo lý Phật giáo năm 1301. Ngôi chùa đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Năm 1555, trong tác phẩm Ô Châu cận lục, Tiến sĩ Dương Văn An viết: “Chùa Kính Thiên ở gần trạm Bình Giang huyện Lệ Thủy. Nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. Hẳn nhiên là một ngôi chùa núi u tịch, một cõi thần tiên vậy. Nhà cửa thôn xóm chẳng xa, nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng gà gáy chó sủa. Thật là một ngôi chùa lớn ở Tân Bình vậy. Chùa có đại hồng chung nặng nghìn cân, có tăng quan và người quét dọn, bốn mùa phụng thờ”.
Từ năm 1627, do chiến tranh loạn lạc dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, chùa Kính Thiên rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát và quên lãng. Dưới thời vua Minh Mạng đã cho tu sửa lại một số chùa, trong đó có chùa Kính Thiên/Hoằng Phúc. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), trong chuyến ngự giá Bắc tuần, vua có ghé thăm chùa Kính Thiên và cho đổi tên chùa là Hoằng Phúc tự. Năm 1839, nhân dân đã quyên góp đúc lại đại hồng chung năm xưa đã bị thất lạc và đề tên “Hoằng Phúc linh chung”. Đến cuối thế kỷ XIX, trải qua chiến tranh, chùa bị hư hỏng nhiều. Đầu thế kỷ XX, khoảng năm 1918, chùa có thiện duyên được một vị Thượng thư bộ Lễ phát tâm trùng tu. Năm 1977, trên nền chùa Hoằng Phúc cũ đã dựng lên một ngôi chùa nhỏ để làm nơi thờ các đức Phật, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo phật tử và nhân dân trong vùng. Năm 1985, ngôi chùa đã bị đổ nát do một trận bão lớn.
Với chiều dài lịch sử trên 715 năm, chùa Hoằng Phúc xứng đáng là chùa cổ danh tiếng của tỉnh Quảng Bình, của miền Trung và của cả Việt Nam. Ngày 1 tháng 6 năm 2010, UBND tỉnh đã xếp hạng chùa Hoằng Phúc là di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2015, chùa Hoằng Phúc đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trong công cuộc đổi mới,xây dựng điểm đến du lịch, việc tôn tạo, phục dựng di tích lịch sử văn hóa tâm linh được các cấp các ngành tỉnh ta và cả nước luôn quan tâm. Và công trình phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc được dư luận đánh giá cao bởi tính xã hội hóa của hoạt động này. Công trình do UBND huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư với sự tài trợ chính của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Công trình có tổng mức đầu tư 55,56 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng công trình văn hóa Tâm Việt. Đơn vị thi công chính là Tập đoàn Trường Thịnh. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 30 tháng 11 năm 2014. Sau 12 tháng thi công, công trình đã hoàn thành với chất lượng cao, quy mô khá hoành tráng. Toàn bộ di tích được xây dựng theo đúng không gian, bố cục và kiến trúc của chùa Việt truyền thống. Hướng chính của chùa được giữ nguyên trạng.
Tổng thể khu di tích được quy hoạch bao gồm: Tam quan ngoại, tam quan nội, tháp phật, tam bảo chùa, nhà thờ tổ, tả hữu hành lang, am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác như khu tăng xá, nhà trai đường, công trình bếp… Toàn bộ lối lên xuống, sân chùa, đường tản bộ được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống như đá xanh Thanh Hóa, gạch đất nung Bát Tràng, gạch hoa gốm tạo nên một tổng thể di tích trang nghiêm, thuần Việt. Tường rào khuôn viên chùa và lan can hoa gốm thấp ngăn chia không gian sân vườn, hồ nước. Trong quá trình tôn tạo, đơn vị thiết kế và thi công đã giữ nguyên trạng cổng cổ chùa Hoằng Phúc với 2 gốc sanh ôm phủ đầy vẻ trang nghiêm và cổ kính. Những cây cổ thụ, cây xanh được trồng hợp lý, tạo không gian xanh phù hợp với kiến trúc, phong thủy của chùa.
Di tích lịch sử cấp Quốc gia chùa Hoằng Phúc tọa lạc trên một vùng đất cao ráo, rộng chừng 10.000m2 thuộc thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, ở phía hữu ngạn sông Kiến Giang, cách trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy khoảng 4 km về phía nam. Sau khi hoàn thành, chùa Hoằng Phúc đã được đánh giá cao về các phương diện, mỹ thuật, kiến trúc, cảnh quan, trở thành một trong những ngôi chùa có giá trị lịch sử văn hóa, xứng đáng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Với quê hương Quảng Bình đã có thêm một công trình mang giá trị lịch sử tâm linh, với du lịch Quảng Bình có thêm điểm đến hấp dẫn trong hệ thống tham quan du lịch.
Ngày 16 tháng 1 năm 2016 chùa Hoằng Phúc được khánh hạ. Cũng tại lễ khánh hạ, Giáo hội Phật giáo Myanmar đã trao tặng chùa Hoằng Phúc 1 viên ngọc xá lợi để đồng bào, tăng ni, phật tử chiêm bái, thờ phụng. Viên ngọc là bảo vật của Phật giáo được rước từ chùa Vàng ở Myanmar.
Lễ hội chùa Hoằng Phúc là lễ hội lần đầu tiên được tổ chức. Vì thế sẽ rất có ý nghĩa bởi sự khởi đầu là để tạo tiền lệ và rút kinh nghiệm cho sự hình thành lễ hội thường niên sau này, dần định hình một loại hình lễ hội mới cho huyện Lệ Thủy nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung. Lễ hội sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa tâm linh tại tỉnh ta. Hẳn nhiên phải chờ thời gian nữa để có thêm kinh nghiệm, hoàn thiện dần.
Tuy nhiên để tạo dấu ấn của một lễ hội tại di tích lịch sử quốc gia, các đơn vị, ban, ngành có liên quan cần chuẩn bị chu đáo các hoạt động liên quan đến lễ hội. Trước hết, phải tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong việc tổ chức lễ hội; quan tâm vấn đề gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống lễ hội của dân tộc. Cũng tại lễ hội chùa Hoằng Phúc, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần công bố điểm tuyến du lịch chùa Hoằng Phúc cho du khách trong nước và thế giới biết.
Theo kịch bản, lễ hội chùa Hoằng Phúc sẽ có nhiều hoạt động văn hóa thể thao phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo bà con nhân dân trong, ngoài tỉnh tham dự. Đáng chú ý là lễ rước nước, lễ nhà chùa, thuyết pháp, ban lộc của nhà chùa, thả đèn hoa đăng cùng các trò chơi dân gian, hò khoan Lệ Thủy… Riêng nhân sự cho lễ rước nước sẽ khoảng trên 200 người hành hương theo thuyền và một số đại biểu. CLB hò khoan Lệ Thủy tham gia biểu diễn khoảng 30 người. Dự kiến lễ hội diễn ra đúng vào hai ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật nên lượng người tham gia lễ hội sẽ đông. Vì thế, trong quá trình diễn ra lễ hội, công tác bảo đảm an ninh trật tự cần được chú trọng, tránh tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; không để xẩy ra tình trạng vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm, mất vệ sinh; phải niêm yết giá các loại dịch vụ như gửi xe, hàng hóa, cấm các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, ngăn chặn tình trạng ép giá, bắt chẹt du khách. Vấn đề cần được quan tâm nữa là nhằm tạo thuận lợi cho những mùa lễ hội sau, các phương tiện thiết yếu phục vụ lễ hội phải được chuẩn bị chu đáo, chất lượng, có thể sử dụng lâu dài. Trong quá trình chuẩn bị mua sắm trang phục, phương tiện phục vụ lễ hội cần có sự tư vấn của chuyên gia uy tín trên lĩnh vực lịch sử, văn hóa…
Hướng về lễ hội chùa Hoằng Phúc năm 2016,mọi người dân mong muốn và kỳ vọng ban tổ chức, những đơn vị được giao nhiệm vụ phục vụ lễ hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất để lễ hội chùa Hoằng Phúc năm 2016 thành công tốt đẹp.
Phan Hòa – Báo Quảng Bình
Comments