Với ngành du lịch của một địa phương phát triển theo thời vụ như ở Quảng Bình, thời điểm mùa hè, tầm tháng 4, tháng 5 cho đến hết tháng 7 được đánh giá là “cơ hội vàng ròng” để các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận chuyển, lữ hành sử dụng tối đa mọi công năng để đón khách.
Được tạo hóa ưu ái những bãi biển nắng vàng hoang sơ, thuần khiết, nguồn hải sản phong phú, dồi dào, cùng với du lịch hang động, du lịch biển từ trước đến nay luôn góp phần tạo nên thương hiệu của du lịch Quảng Bình, là nguồn mưu sinh của hàng trăm, hàng nghìn lao động cả phổ thông và qua đào tạo. Tuy vậy, năm này qua năm khác, hè về biển gọi, du khách đến và đi, du lịch biển tỉnh ta vẫn chưa có điểm nhấn, chưa tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng và nhất là vẫn khó để níu chân du khách quay trở lại thêm nhiều lần nữa.
Theo thống kê của Ban quản lý các bãi tắm biển TP.Đồng Hới, tính từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đổ về các bãi biển để thư giãn, nghỉ dưỡng, ẩm thực đã khoảng hơn 300.000 lượt người, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách đổ về ngày một đông về số lượng, đa dạng về thành phần, ấy vậy khi hỏi về các sản phẩm du lịch mới trong một vài năm trở lại đây tại các bãi biển Đồng Hới, ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng ban quản lý các bãi tắm biển TP. Đồng Hới chia sẻ, hiện tại, thành phố chủ yếu tập trung vào các hoạt động bảo đảm an toàn cho du khách khi tắm biển, môi trường sinh thái, cảnh quan, an ninh trật tự.
Một số dự án, chương trình vui chơi giải trí cho trẻ em trên biển đã được kêu gọi xã hội hóa đầu tư, nhưng sự tham gia còn rất manh mún, nhỏ lẻ, chưa thu hút được nhiều khách tham gia. Nguyên nhân chính là do tính thời vụ khiến không ít nhà đầu tư chùn tay, không dám đầu tư lớn. Mô hình dịch vụ motor nước tự phát gần đây của người dân cũng đang khiến những nhà quản lý lúng túng đau đầu. Bởi hiện tại, mặc dù đã có khoanh vùng hoạt động cho loại hình này, thành phố vẫn chưa có quy định, cơ chế tạm thời nào để cơ quan chức năng quản lý loại hình giải trí này, nhằm bảo đảm an toàn cho du khách.
Tạm khoan chưa nhắc đến vấn đề to tát như phát triển sản phẩm du lịch biển, hai ví dụ đơn cử khác được ông Hoàng Văn Tiến đưa ra cũng rất đáng để suy ngẫm, đó là ki ốt thông tin và nhà vệ sinh. Đầu tháng 5, một ki ốt phục vụ thông tin cho khách du lịch được tài trợ đặt tại bãi biển Bảo Ninh. Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng hoạt động, quá ít khách ghé thăm khiến ki ốt đóng cửa, chuyển sang bãi biển Nhật Lệ.
Ban quản lý hiện có 4 nhà vệ sinh cố định, 2 nhà vệ sinh di động sử dụng từ năm 2013, nhưng do nhiều lý do khách quan, chủ quan từ thời tiết, ý thức người dân…, tình trạng hỏng hóc, không sử dụng vẫn xảy ra bất chấp nỗ lực của phía nhà quản lý. Như vậy, có thể thấy, để phát huy tiềm năng sẵn có, cần thiết phải đi từ gốc đến ngọn, từ cái nhỏ đến cái lớn, thay đổi tư duy dẫn đến hành vi, thói quen, và kế đó mới là những quy hoạch to lớn, bền vững hơn.
Anh Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH TT&DL Netin, Tổng Thư ký Hiệp hội du lịch Quảng Bình khẳng định, du lịch biển tỉnh ta đang thiếu điểm nhấn, thiếu những sản phẩm du lịch đặc trưng. Khách đã quá quen và nhàm chán với hành trình tắm biển, ăn hải sản và ra về. Ngoài kết hợp với du lịch hang động, sự liên kết giữa du lịch biển và các loại hình giải trí, văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của địa phương vẫn đang còn bỏ ngỏ.
Gần đây, một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã mạnh dạn đưa những sản phẩm du lịch biển mới vào khai thác, như: trượt cát, câu mực trên biển… Nhưng, khó khăn lớn nhất vẫn là ở khâu quảng bá, truyền thông. Bởi, thực tế, việc “mạnh ai người nấy chạy”, chưa có sự liên kết trong tuyên truyền giữa các đơn vị làm du lịch, khiến cho các sản phẩm trên dù hấp dẫn, độc đáo, vẫn ít khách biết đến để tham gia. Hơn nữa, trong quá trình tổ chức, các đơn vị vẫn chưa tạo được vị thế nhất định và xây dựng thương hiệu riêng của mình đối với du khách.
Một thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh bãi biển Bảo Ninh, bãi biển Nhật Lệ, bãi tắm Đá Nhảy có chỗ đứng bấy lâu nay trong lòng du khách thập phương, Quảng Bình vẫn còn đó nhiều bãi tắm giữ được vẻ hoang sơ, hấp dẫn khác nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Năm 2013, Công ty TNHH TT&DL Netin đã tổ chức một tour du lịch khám phá biển Ngư Thủy Trung, Lệ Thủy cho đoàn khách 150 người đến từ Hà Nội và để lại những ấn tượng khó quên cho khách tham quan. Tham gia tour, trước hết, khách được tổ chức hoạt động hướng thiện thả cá ở hồ Sen, Sen Thủy.
Tiếp đó, khách được đưa về thăm quan Tượng đài nữ pháo binh Ngư Thủy ở Ngư Thủy Trung. Điểm đặc biệt là du khách được trực tiếp trò chuyện với các chị C gái, những nữ pháo binh can trường trên tuyến lửa ác liệt ngày nào, được các chị chia sẻ, tâm sự nhiều kỷ niệm trong chiến tranh, để rồi thêm yêu, thêm trân trọng từng giây phút của hòa bình.
Buổi tối hôm đó, du khách dựng trại nghỉ ngơi ngay trên bãi biển Ngư Thủy Trung. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc được tổ chức, rất hấp dẫn du khách, như: nghe hát hò khoan Lệ Thủy, chơi các trò chơi dân gian của Quảng Bình, đốt lửa trại… Một điểm thú vị khác chính là du khách được chọn lựa, thưởng thức hải sản tươi sống, thơm ngon đánh bắt trực tiếp từ vùng biển Ngư Thủy. Mọi yếu tố an ninh trật tự, môi trường cảnh quan, sinh thái đều được phía công ty và chính quyền địa phương phối hợp thực hiện hiệu quả, chặt chẽ.
Sự tham gia nhiệt tình của người dân xã biển trong đêm hội trại có lẽ cũng là một điểm nhấn khó quên của tour du lịch này. Với sự thân thiện, mến khách và chất phác, hiền lành, bà con đã khiến tour du lịch thêm thành công, ấn tượng. Chỉ tiếc là sau tour này, công ty này chưa tổ chức được tour tương tự khám phá bãi biển nguyên sơ nào của Quảng Bình, trong khi, vẫn còn đó nhiều địa danh luôn là bí ẩn với du khách, như: Hải Ninh, Nhân Trạch…
Ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng ban quản lý các bãi tắm biển TP.Đồng Hới cho rằng, để kích cầu hơn nữa du lịch biển, bên cạnh tăng cường công tác quản lý, giám sát, cần thiết phải có một quy hoạch vùng và điểm phát triển dịch vụ du lịch biển, tránh quy mô nhỏ lẻ, manh mún từ khâu dịch vụ ăn uống, loại hình giải trí như hiện nay, góp phần thay đổi tính mùa vụ trong du lịch tỉnh nhà và kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho du lịch biển.
Trước mắt, anh Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH TT&DL Netin, Tổng Thư ký Hiệp hội du lịch tỉnh cho biết, hiệp hội đang phối hợp với Ban quản lý các bãi tắm biển TP.Đồng Hới xây dựng một địa điểm cố định trên bãi biển Nhật Lệ để tổ chức các hoạt động ngoài trời, như: gala dinner, ngủ đêm, lửa trại, văn hóa văn nghệ dân gian…, hướng tới khách du lịch có nhu cầu, đặc biệt là khách quốc tế. Còn đối với việc phát triển các sản phẩm du lịch khác, hấp dẫn, ấn tượng hơn, có lẽ, vẫn cần phải đợi…
Mai Nhân – Báo Quảng Bình
Comments