Nằm bên cạnh quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng, Tú Làn là hệ thống hang động mới, thuộc xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, cách Phong Nha chừng 70km, được đưa vào khai thác hơn một năm nay. Đọc những thông tin hấp dẫn của tour ‘Thám hiểm hệ thống hang động Tú Làn’, tôi quyết định phải tham gia.
Tên gọi Tú Làn bắt đầu được biết đến nhiều hơn qua cuộc thi hỗn hợp “Thử thách Tú Làn 2015” tổ chức vào dịp 30.4 vừa rồi. Đã từng chinh phục Fansipan và nhiều đỉnh cao ở Việt Nam, nên khoản leo trèo với tôi không ngại, chỉ có phần bơi là băn khoăn vì nghe nói phải “bơi trong hang tối hàng trăm mét, có lúc ngược dòng chảy”, với trang phục… leo núi. Mới biết bơi là kỹ năng sống quan trọng biết chừng nào. Vì quá muốn đi, tôi đánh bạo hỏi nhà tổ chức, may được trấn an “yên tâm, sẽ có người hỗ trợ”. Tôi chọn tour 3 ngày 2 đêm, vì độ hấp dẫn cao, độ khó vừa phải và chi phí phù hợp.
Hành trình của chuyến đi khoảng 18km cả đi và về, trong đó có 2km bơi trong hang và ngoài suối; hơn 3,5km thám hiểm các hang; gần 7km đường đồng ruộng, thung lũng và chừng ấy đường dốc núi. Là vùng cao nhưng người dân nơi đây phải làm nhà phao để tránh lũ vì nước thường đột ngột dâng cao hàng chục mét. Mới tuần trước còn nắng chang chang, gió Lào rát bỏng, nhưng chỉ vài trận mưa dầm là cỏ cây xanh tốt, khí hậu dịu hẳn. Ven suối, từng đàn trâu bò nhơn nhơ gặm cỏ hoang ven rừng, cứ như vườn quốc gia Kenya. Từng chú trâu, bò “câu cá trên cạn”, dừng ăn nghía khách lạ. Nói vậy vì trâu bò được buộc dây vào cây sào dài, cong vút như cần câu cá, nhằm tránh việc dây quấn chân, vướng cây.
Cánh đồng cỏ Tân Hóa Để hành quân thoải mái, tôi tự chế cho mình “chiếc gậy Trường Sơn” hỗ trợ leo trèo. Nhưng gậy chỉ hữu ích với đường ruộng, đường rừng, hoặc dốc vừa phải, còn với dốc Tú Làn thì phải dùng cả 2 tay để kéo, chống, đẩy… khá vất vả. Trừ đoạn từ trạm đón khách vào chân núi và đoạn bơi vào rồi bơi ra hang Ken, các đoạn đường còn lại đều khác biệt, từ độ khó đến cảnh quan, tạo cho khách cảm giác luôn mới lạ. Có đoạn toàn đá tai mèo lởm chởm như hù dọa. Có đoạn dốc ngược len lỏi giữa rừng già nhiệt đới. Có đoạn tràn ngập hương hoa đồng nội, lút cả tầm nhìn. Có đoạn bùn sình lầy lội, cứ đi “hàng hai” như phi hành gia đổ bộ mặt trăng, mỗi chân chừng… 2 kg bùn đeo bám. Có đoạn đành phải trượt “máng” bùn mấy chục mét… Còn cảm giác bơi hàng trăm mét trong hang tối, ngược dòng thác đang cuộn chảy, leo vách núi thẳng đứng (dù có cầu thang và dây an toàn), men vách đá cheo leo hoặc lội suối ngang ngực… dù có lột tả cách mấy, cũng khó mà hình dung. Chỉ có đi tour mới trải nghiệm được. Từ việc trekking giữa rừng hoa dại ngút ngàn, tản bộ giữa đồng cỏ mượt mà như thảo nguyên; hay rẽ cây, vạch lá giữa cheo leo rừng già nhiệt đới; cho đến những thử thách với dốc đá tai mèo, đủ hình thù góc cạnh… Hành trình mỗi buổi cho ta cảm giác “luôn luôn bất ngờ – luôn luôn mới mẻ”.
Hang động luôn đi kèm núi, thung lũng và sông suối. Hành trình 70 giờ thám hiểm sẽ khám phá 10 điểm đến tuyệt vời. Đó là 6 hang động: Chuột, Ken, Kim, Hung Ton, Bí Mật và Tú Làn; 3 thung lũng là La Ken, Tố Mộ, Tú Làn và dòng suối Rào Nan. Tiếng địa phương “rào” nghĩa là suối. Dòng suối trong veo, quanh co uốn lượn, thoắt ẩn, thoắt hiện, mát lạnh rợn người.
Bên trong hang Ken trước hang Tú Làn, Rào Nan rẽ nhánh gọi là Ngà Han (nghĩa là Ngã Hai), thật ra là ngã ba. Đi khắp đất nước Việt Nam, chỉ có ngã ba quốc lộ 1 rẽ lên ga Mương Mán (hiện đổi tên là ga Bình Thuận) được dân gốc Nghệ An gọi là Ngã Hai. Bây giờ, tôi mới hiểu, có lẽ dân Nghệ – Tĩnh – Bình gọi là 2 vì có thêm nhánh đường mới, còn đường cũ đi và về chỉ tính 1. Lần đầu xuống suối, dù đã nai nịt gọn gàng và trang bị áo phao an toàn, tôi vẫn hơi hoảng, chỉ… giả vờ bình tĩnh. 2 chặng đầu, bơi sải rã rời tay nhưng không dám kêu vì “quê độ”. Rút ra kinh nghiệm, những lần bơi kế tiếp, cứ luồn tay thoải mái kiểu bơi ếch thì vô tư, dù hơi chậm. Cứ bơi sau người bơi giỏi để giảm lực cản. Bây giờ, nếu có áo phao thì anh em bơi tới đâu, tôi cũng túc tắc tới đó. Thậm chí, bơi còn khỏe hơn leo mấy dốc đá dựng đứng. Có người bảo sao không dùng thuyền chèo cho khỏe, nhưng chẳng lẽ chèo một đoạn lại leo dốc vác thuyền theo. Như vậy thì còn đâu cái thú bơi trong hang tối lấp loáng ánh đèn hay vượt thác kiêu hãnh. Nhất là màn tắm thác, được massage toàn thân miễn phí mà mỗi thác có kiểu massage riêng, lúc nhẹ nhàng mơn trớn, khi nồng nàn mạnh mẽ, khi cuồn cuộn khiêu khích. Nhưng tuyệt vời hơn cả là khoảng 3,5 km của 6 hang động thám hiểm. Tôi đã đi nhiều hang động nổi tiếng của Việt Nam như Phong Nha (từ hồi chưa có điện), Tiên Sơn, Thiên Đường (Quảng Bình), Đầu Gỗ, Sửng Sốt, Thiên Cung (Hạ Long, Quảng Ninh), Ngườm Ngao (Cao Bằng)… nhưng đến với hệ thống hang động Tú Làn thì cứ như nhà quê ra tỉnh.
Thế giới hang động muôn hình vạn dạng. Tạo hóa là kiến trúc sư tuyệt vời mà những con người thông minh nhất cũng không thể tưởng tượng được. Không có sự lặp lại; từ cấu trúc, hình dáng, quy mô đến màu sắc, bố cục, chất liệu và cả hiệu ứng âm thanh, ánh sáng.
Hang Tú Làn được xem là anh cả vì độ dài, không gian bề thế và trần hang lộng lẫy. Hang Chuột thì bạt ngàn măng đá, lớp lớp nhấp nhô như bãi cọc Bạch Đằng. Hang Hung Ton (tên một loài vật họ nhím?) thì cơ man vỏ ốc và mảnh gốm, có niên đại hàng ngàn năm, dấu tích của con người tiền sử. Hang Kim (tên người Hà Lan, phát hiện ra hang động năm 2012) thì lạ lùng với màu rêu đồng.
Ta thường thấy rêu xanh và một ít rêu đỏ (ở Sa Pa của nước ta và Bokor, Campuchia), còn rêu đồng lần đầu mới gặp. Những cây dương chỉ và dây leo quấn quít với măng đá và thạch nhũ một cách kiên cường. Hang Ken với vô số ngọc đen hang động, cả những hồ nước thiên thần và ruộng bậc thang tiên nữ. Hang Bí Mật còn nguyện vẹn bộ xương khỉ, lắt léo lối đi, cứ như xuống địa ngục… Hang nào cũng bất ngờ sự sống.
Từ các loài vật nhỏ như nhện, cúc (loài vật nhỏ bằng hạt đậu xanh, sống trong những phễu cát nhỏ), thằn lằn, kỳ nhông cho đến dơi, cua cá… Những con nhện chân dài ngoằng, mắt lấp lánh kim cương giữa mịt mùng bóng tối. Nhiều nhất là dơi, hang nào cũng có và cá thì suối nào cũng nhiều. Có lúc cá quẫy làm giật mình du khách đang mê mải ngắm hang động.
Thích nhất là tự mình khám phá hang động với đèn pin và đèn trên đầu. Không có những sắc màu lòe loẹt xô bồ hay nhợt nhạt vô hồn. Vì ánh sáng di động nên “cuộc sống” trong hang cũng mở ảo, hư thực và sống động bất ngờ. Sửng sốt, bất ngờ, mê hoặc, hoa mắt… Nếu thiên đường có thật thì hẳn cũng đến thế là cùng.
Người ta bảo “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Thám hiểm Tú Làn 3 ngày tôi có thêm mấy “gánh” trải nghiệm, học thêm bao điều mới. Càng vui hơn vì sự tính chuyên nghiệp của nhà tổ chức và sự giàu có đến kinh ngạc về thế giới hang động của Quảng Bình. Vậy mà, trong số 2.000 khách khám phá Tú Làn năm 2014, chỉ có gần 20% người Việt. Một sự thiệt thòi không đáng có.
Tôi đã đi các tour mạo hiểm ở Malaysia, Thái Lan và Brunei nhưng sự độc đáo và đẳng cấp cũng chưa bằng. Vậy mà lâu nay cứ tưởng, du lịch kiểu gì mình cũng thua họ. Chuyên nghiệp từ việc tập huấn chuẩn bị đến hướng dẫn viên (HDV) và porter. Khách được trang bị từ chân đến đầu, cả nghĩa đen lẫn bóng. Từ giày leo núi, áo phao, nón bảo hiểm, găng tay, đèn pin đầu, bình nước, các loại ba lô, võng, lều, túi ngủ, túi y tế…
Ấn tượng nhất là vệ sinh du lịch. Nhà vệ sinh dã chiến, dân gian và độc đáo. Lạ là nhà vệ sinh dân dã mà không có mùi hôi. Nước uống và nấu ăn đều được lọc bằng thiết bị chuyên dùng. Lúc nào cũng có nước khử trùng tay, từ chỗ vệ sinh cho đến từng bữa ăn chính hoặc phụ. Các bữa ăn được chuẩn bị công phu, có phần thịnh soạn, đảm bảo cả chất lượng lẫn khẩu vị.
Nhóm tối đa 12 khách thì có 2 hướng dẫn viên chuyên nghiệp và 5 porter kiêm phục vụ. Mỗi nhóm có khu vực bếp và ngủ riêng. Đêm đầu ở ven suối, anh em ngủ lều, còn tôi nằm võng có tăng che mưa như thời bộ đội. Mưa rả rích, thác xa vắng ngọt ngào ru giấc ngủ vô thường. Đêm sau ở trong hang, mỗi người một lều, có túi ngủ, gối kê tươm tất. Không có đàn, mọi người dùng muỗng nĩa gõ vào thau, hát vang trời đất.
Tính chuyên nghiệp còn thể hiện trong việc thiết kế chương trình chặt chẽ và hợp lý với sự hỗ trợ của các chuyên gia hang động Hoàng gia Anh. Các hướng dẫn viên quá nhiệt tình, kiến thức nghiệp vụ vững, kỹ năng tốt. Anh em thuộc lòng từ khúc sông, đoạn suối cho đến từng chỗ đặt chân, vịn tay; từng loại cây cỏ trong hành trình. Hay nhất là ý thức bảo tồn thiên nhiên. Các lối đi chỉ vừa đủ đặt chân, không xâm hại môi trường, từ cỏ cây đến hang động. Không sờ, gõ, dẫm đạp hoặc mang bất cứ thứ gì của thiên nhiên ra khỏi hang, khỏi rừng. Vấn đề vệ sinh luôn được đặt lên hàng đầu..
70 giờ khám phá hệ thống hang động Tú Làn là những trải nghiệm tuyệt vời, ngay cả với tôi, vốn là dân du lịch, chuyên thiết kế tour lạ. Không quá mất sức và ai cũng cảm thấy mình giỏi hơn mình tưởng. Rời Minh Hóa vẫn thoải mái đi tiếp tour “Bình – Tĩnh ngao du” hoặc về lại Sài Gòn. Từ Tú Làn, tôi bỗng mê hang động. Thèm được trở lại, dù vừa ra khỏi hang. Thèm được thám hiểm các hang động mới trong thế giới hang động vô tận của đất mẹ quá đỗi yêu thương.
Netin Travel
Comments