Kinh doanh du lịch kiểu… đuổi khách


Thiếu và yếu là thực trạng chung của các cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống, dịch vụ tại Quảng Bình.

Thích thì ở, không thì đi

Hầu hết các cơ sở lưu trú ở Quảng Bình hoạt động nhỏ lẻ, gia đình nên không có chiến lược phát triển, khách tự tìm đến rồi thu tiền phòng là xong. Chủ hộ quản lý, đội ngũ nhân viên là người nhà, con cháu ở quê lên không được đào tạo, hướng dẫn bài bản nên thái độ, ứng xử với khách rất kém.

Có thể kể 2 câu chuyện để so sánh, ở khách sạn loại nhỏ T.H (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), lúc trả phòng chưa kịp ghi hóa đơn nhưng sau đó nhân viên sốt sắng gọi hỏi thông tin để ghi và chuyển hóa đơn vào đến đúng địa chỉ. Trong khi với khách sạn N.L (P.Đồng Mỹ, TP.Đồng Hới), khách bị quên CMND, dù đã gọi cho khách sạn nhờ gửi năm lần bảy lượt nhưng nhân viên khách sạn vẫn không chịu gửi; đành phải nhờ người quen đến tận khách sạn lấy, hỏi nhân viên thì được trả lời “còn bao nhiêu việc phải làm chứ đâu rảnh để đi gửi giấy tờ”.

Theo Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Văn Kỳ, ngành du lịch Quảng Bình có những nỗ lực và thành tích đáng ghi nhận trong năm 2014 nhưng đánh giá thật nghiêm túc thì vẫn dừng lại ở mức “ăn sẵn”; yếu tố công nghệ, kỹ năng vẫn nằm đâu đó “rất xa”. Nhân lực qua đào tạo chỉ đạt khoảng 25,8%, thuộc loại thấp nhất trong cả nước; thấp nhất thuộc về các cơ sở dịch vụ ăn uống. Rồi công tác xúc tiến, quảng bá của các doanh nghiệp còn quá yếu, thiếu liên kết, mạnh ai nấy làm; có làm cũng thiếu thông tin, thiếu cam kết và minh bạch chưa tạo được độ tin cậy cho khách cũng như các nhà tổ chức tour. Trong hội chợ du lịch tại Nga mới đây, các công ty nói họ không có nhiều thông tin về Quảng Bình.

Đuổi, tấn công khách

Hiện mới chỉ có 3 nhà hàng tại TP.Đồng Hới đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Vào các nhà hàng, quán xá ở Quảng Bình, thực khách chưa bao giờ được xem là “thượng đế” mặc dù giá cả được đánh giá là rất đắt đỏ.

Du khách thăm quan Phong Nha
Du khách thăm quan Phong Nha

Trong hội nghị du lịch tại Đồng Hới vào ngày 19.8, Giám đốc Công ty du lịch Bạn đường châu Á Nguyễn Đình Ân kể một tình huống vừa xảy ra ngay tại Đồng Hới: “Chủ nhà hàng gây khó khăn với khách, coi khách như đi ăn xin. Tôi vào nhìn thấy thế nên phải đi ra ngoài vì phản cảm”. Mới đây, sau khi nhận phản ánh từ du khách, thanh tra Sở VH-TT-DL phối hợp với QLTT đã có mặt và xử phạt hành chính nhà hàng ven biển Quang Phú (Đồng Hới).

Đáng báo động hơn đó là sự an toàn của du khách. Ngày 5.6, tại khu du lịch suối nước Moọc (ở Phong Nha-Kẻ Bàng), N.N.Sơn (ở xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch) đã lấy đá ném xuống khu vực có du khách đang tắm. Khi hướng dẫn viên nhắc nhở thì Sơn gây sự rồi xô xát. Sở VH-TT-Du lịch Quảng Bình đã phản ánh bằng văn bản với Công an tỉnh Quảng Bình tình trạng thanh niên địa phương trêu ghẹo, có ý sàm sỡ, tấn công du khách và đề nghị có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Thế nhưng, sau đó Công an tỉnh có công văn trả lời với nội dung là “đã xác minh và nhận thấy thông tin trên phản ánh không chính xác tình hình an ninh trật tự”. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau, tối 7.9, chị E.M, (29 tuổi, du khách Pháp) chạy xe máy lên gần đến Phong Nha đã bị nhóm 8 thanh niên xã Hưng Trạch chặn lại sàm sỡ.

Thống kê cho thấy số lượng khách du lịch đến Quảng Bình 1 năm trở lại đây tăng đột biến, ngang và vượt so với các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Huế. Theo Giám đốc Công ty Oxalis Nguyễn Châu Á, Quảng Bình cần đánh giá lại tiềm năng, loại hình du lịch, cơ sở hạ tầng để có định hướng cụ thể phát triển loại hình du lịch phù hợp và không làm quá tải. Ví như tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, thu hút các khách du lịch có khả năng chi trả lớn đồng thời lưu trú dài ngày hơn tại địa phương. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, tạo sự liên kết giữa các đơn vị khai thác du lịch, không cạnh tranh lẫn nhau mà cùng nhau liên kết tạo thế mạnh.

Trương Quang Nam

Báo Thanh Niên

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour