Trên thực tế, dịch vụ lữ hành du lịch Quảng Bình ở tỉnh ta chỉ chiếm khoảng 1 đến 3% trong tổng doanh thu của một chương trình du lịch, hơn 96% còn lại thuộc về khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, mua sắm, vui chơi, giải trí… Với tỷ lệ này, xem ra việc phát triển thị trường kinh doanh lữ hành du lịch vẫn còn nhiều điều phải nghĩ, phải bàn…
Hiện nay, ngành Du lịch Quảng Bình ta đang được các cấp lãnh đạo quan tâm hơn bao giờ hết, với mục tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025, tỉnh ta phấn đấu là tỉnh có ngành Du lịch phát triển. Đây là một mục tiêu lớn đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ, sự cố gắng vượt bậc của các cấp, các ngành, các nhà quản lý, các đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch thì mới có thể đạt được.
Năm 2011, tỉnh ta đón được 904.920 lượt khách du lịch, trong đó có 18.860 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu tăng 5,49%, nộp ngân sách tăng 29,94% so với năm 2010. Mặc dù ngành Du lịch tỉnh nhà có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa xứng tầm. Vì nếu nói về cảnh quan, tỉnh ta sở hữu khá nhiều tài nguyên thiên nhiên đẹp như hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh huyền thoại, suối nước Moọc, hang tám TNXP, sông Chày – hang Tối, danh thắng Đèo Ngang – Hoành Sơn Quan, biển Đá Nhảy, Nhật Lệ,… đặc biệt có Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Do đó, tỉnh ta được đánh giá là tỉnh có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là các hoạt động lữ hành du lịch. Thế nhưng tính đến thời điểm này, tỉnh ta mới chỉ có 13 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành du lịch (trong đó có 3 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lữ hành quốc tế).
Ông Bùi Xuân Hoàng, Trung tâm TTXT Du lịch Quảng Bình cho biết: Nhìn chung các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh chưa thực sự đầu tư đúng mức vào các khâu quan trọng trong các hoạt động của việc khai thác dịch vụ lữ hành như: việc đầu tư vào yếu tố con người, cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển, đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp… Các hoạt động còn mang tính đơn lẻ, manh mún, khai thác mang tính thời vụ (chủ yếu là những tháng hè từ khoảng trung tuần tháng năm khi các em học sinh bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè cho đến trung tuần tháng tám các trường bắt đầu vào năm học mới).
Hiện điều đáng lo ngại nhất là kinh doanh lữ hành nhưng hầu hết các doanh nghiệp chỉ có 1 đến 2 hướng dẫn viên “kiêm nhiệm”. Do đó, nếu du khách có yêu cầu hướng dẫn viên thì các doanh nghiệp thường hợp đồng thuê hướng dẫn viên, chủ yếu là những sinh viên tranh thủ dịp hè đi tour kiếm thêm thu nhập. Do chưa có kinh nghiệm thực tế và kiến thức chuyên môn nên đa số hướng dẫn viên thuê đều không đáp ứng yêu cầu,đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ và uy tín của mỗi doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nhưng hầu hết đều không có đủ các loại xe chở khách du lịch, đa phần chỉ có một số loại xe từ 16 chỗ trở xuống, nếu lượng khách đông các doanh nghiệp phải thuê các xe khách chạy đường dài. Mà các xe thuê không phải là xe chuyên chở khách du lịch nên các trang thiết bị bắt buộc như tăng âm, loa máy, micro cho hướng dẫn viên, phao cứu sinh, tủ thuốc sơ cứu đều không có, chưa nói đến các lái xe không biết ngoại ngữ nên rất khó khăn để đáp ứng được yêu cầu của du khách, nhất là du khách nước ngoài, thậm chí có nhiều lái xe còn cung cấp thông tin sai khiến hình ảnh của du lịch tỉnh nhà bị “mất điểm” trong con mắt của du khách.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khai thác sử dụng internet, website nhưng chỉ mang tính hình thức, phong trào, chưa xây dựng được hệ thống quản lý thông tin theo quy trình quản lý hiện đại, nhanh, gọn, tiết kiệm. Hơn nữa, các doanh nghiệp lữ hành nhỏ nên khả năng tài chính hạn chế, ít có điều kiện tham dự các sự kiện du lịch chuyên nghiệp để học hỏi kinh nghiệm nên kinh doanh lữ hành ở tỉnh ta hiện đang rất kém phát triển.
Một nhân viên của doanh nghiệp Quảng Bình Tourism nói: “Các tour du lịch dừng ở Quảng Bình có đến khoảng trên 85% khách do đối tác từ các tỉnh khác hoặc từ nước ngoài gửi cho. Trước khi đến tỉnh ta, họ đã lo đâu vào đấy hết rồi, từ vé máy bay, đặt phòng và trả tiền trực tiếp cho khách sạn, phía doanh nghiệp lữ hành chỉ còn nắm được phần cung cấp ô tô, thỉnh thoảng mới có yêu cầu hướng dẫn viên. Nói thật, kinh doanh lữ hành du lịch Quảng Bình ta vừa non trẻ, vừa yếu kém lại vừa thiếu nên khó cạnh tranh. Do đặc điểm hoạt động như vậy nên các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành chỉ mang tính duy trì và tồn tại theo kiểu “làm một vụ ăn cả năm”.
Comments