14:02 - 16.09.2024
Liên kết giữa văn hóa và du lịch: Bao giờ mới “bén duyên”?
13:44 - 16.09.2024
Bấy lâu nay, nhắc đến du lịch Quảng Bình, du khách dễ dàng nghĩ ngay đến hệ thống hang động thiên nhiên hùng vĩ Phong Nha-Kẻ Bàng hay các bãi biển còn đậm nguyên nét hoang sơ hoặc các di tích lịch sử minh chứng cho thời kỳ dựng nước, giữ nước oai hùng của dân tộc, mà vô tình bỏ quên đi kho tàng văn hóa đồ sộ của mảnh đất miền Trung đầy nắng gió này. Đó có thể là các di sản văn hóa vật thể đa dạng với các đình, chùa, miếu mạo…, là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, như: các lễ hội văn hóa, văn nghệ dân gian, làng nghề truyền thống… Tuy nhiên, sợi dây liên kết giữa văn hóa-du lịch ở tỉnh ta vẫn còn rất lỏng lẻo và hầu như bỏ quên tiềm năng lớn này.
Trong bối cảnh môi trường biển đang bị ô nhiễm đe dọa nghiêm trọng đến du lịch Quảng Bình, phải chăng đã đến lúc mối quan hệ này càng nên “bén duyên” chặt chẽ hơn, mở ra những hướng đi mới trong đa dạng hóa các sản phẩm du lịch? Trong khuôn khổ bài viết này xin được lạm bàn riêng về văn hóa phi vật thể.
Du lịch văn hóa đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia, vùng miền trên thế giới, vừa góp phần quảng bá những nét đặc trưng riêng của mình đến bè bạn năm châu, vừa là cách thức hiệu quả để cộng đồng cùng làm du lịch, mang lại những lợi ích kinh tế cao. Và hầu như việc làm đầu tiên của mỗi du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, khi đến một vùng đất mới đó là tìm hiểu sơ lược nhất, nhanh chóng nhất về con người, sinh hoạt văn hóa, thói quen, tập quán bản địa. Chính vì thế, bảo tàng luôn là địa chỉ tin cậy, quan trọng để du khách tìm đến phục vụ cho nhu cầu thu thập kiến thức này. Ấy vậy ở tỉnh ta, Bảo tàng tổng hợp tỉnh đến nay vẫn chưa thể mở cửa để đón du khách, một thiệt thòi quá lớn cho du lịch tỉnh nhà.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh, Bảo tàng vẫn đang trong quá trình tiến hành xây dựng đồng bộ các bước để trưng bày và vẫn chưa thể đưa vào sử dụng đón tiếp du khách đến tham quan. Ông Tuấn ngậm ngùi, dẫu biết nhu cầu của khách du lịch là rất lớn, nhưng hiện tại, ngoài một số hiện vật ít ỏi đang đặt bên ngoài bảo tàng khách có thể tham quan và một số cuộc triển lãm phục vụ chuyên đề, Bảo tàng tổng hợp tỉnh vẫn cần nhiều thời gian để hoàn thiện chức năng phục vụ du khách của mình. Dẫu vậy, còn một điều an ủi là sau này khi công trình đi vào hoạt động, bên cạnh chức năng trưng bày hiện vật, Bảo tàng sẽ dành một phòng riêng cho các nghệ nhân dân gian trình diễn, gặp gỡ và giao lưu với công chúng. Đây được xem như một bước đi mới trong nỗ lực đưa văn hóa văn nghệ dân gian địa phương đến với đông đảo người quan tâm, nhất là khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, chặng đường này ở Bảo tàng tổng hợp tỉnh sẽ vẫn còn lâu dài và cũng chưa biết khi nào Bảo tàng mới thực sự có cơ hội “bén duyên” với du lịch?
Về sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch, ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH TT&DL Netin, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Quảng Bình cho biết thêm, đã từng có một số sản phẩm du lịch văn hóa được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ta mạnh dạn đưa vào thử nghiệm. Nhưng, kết quả lại không được như mong muốn. Chẳng hạn như Công ty TNHH TT&DL Netin đã đưa hò khoan và lễ hội đua bơi thuyền Lệ Thủy vào tour khám phá Quảng Bình, gồm các điểm đến chùa Hoằng Phúc-Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng cũng mới chỉ triển khai được duy nhất cho một đoàn khách. Không nản chí, tiếp sau đó, Công ty cũng thử sức đưa một đội hò khoan Lệ Thủy về TP. Đồng Hới để phục vụ nhu cầu của du khách, tuy nhiên, do kinh phí cao, hoạt động này cũng rất khó để duy trì.
Ông Trần Xuân Cương chia sẻ thêm, nguồn kinh phí luôn là thách thức đối với các đơn vị kinh doanh mong muốn kết nối giữa văn hóa và du lịch, nhằm đa dạng hóa, đổi mới các gói sản phẩm du lịch. Bởi, trên thực tế, trong khi tới 70% công ty lữ hành Quảng Bình chủ yếu là đưa khách từ trong tỉnh ra ngoại tỉnh thì chỉ 30% công ty lữ hành là thiên về đón khách từ nơi khác về Du lịch Quảng Bình. Các doanh nghiệp này thường có quy mô nhỏ, nguồn lực kinh tế chưa đủ mạnh để có thể tự mình duy trì các sản phẩm du lịch văn hóa. Bản thân Công ty TNHH TT&DL Netin từng cố gắng xây dựng một tour gắn kết giữa du lịch biển với múa bông, chèo cạn, trượt cát và hò biển. Vậy mà khi đi tìm hiểu thực tế thì thấy kinh phí “đội” lên quá nhiều, đành phải bỏ cuộc. Cụ thể, có địa phương yêu cầu hơn 1 triệu đồng cho 1 lần mở cửa đình làng hoặc nhà văn hóa để biểu diễn, kinh phí cho đoàn văn nghệ dân gian cũng ít nhất 2,5-3 triệu đồng/buổi. Rõ ràng, nếu chỉ một mình doanh nghiệp đứng ra tự tổ chức để duy trì sản phẩm du lịch văn hóa thì không thể thành công, mà đòi hỏi cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp và sự phối hợp đồng bộ với chính quyền cơ sở. Không nản chí, mới đây ông Trần Xuân Cương cũng đã kết hợp mở một quán ăn đặc sản Quảng Bình và có xây dựng chương trình văn hóa văn nghệ dân gian phục vụ du khách. Mặc dù chỉ là quy mô nhỏ và đang trong quá trình chuẩn bị, nhưng ông Cương kỳ vọng rằng mô hình mới này sẽ thỏa mãn phần nào nhu cầu của du khách muốn tìm hiểu về văn hóa xứ Quảng.
Để tìm và phát triển một sản phẩm du lịch văn hóa đối với Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng lại không hề dễ dàng theo một khía cạnh khác. Ông Lê Thanh Lợi, Giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng khẳng định, Trung tâm luôn mong muốn quảng bá nét đẹp văn hóa địa phương đến với du khách, nhất là du khách quốc tế, và đã thử nghiệm đưa một số sản phẩm, như hò khoan Lệ Thủy, vào các tour của mình. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng bởi lý do từ chính đội ngũ nguồn nhân lực văn hóa văn nghệ dân gian. Ông Lê Thanh Lợi giải thích thêm, trên thực tế, các nghệ nhân đều thường đã cao tuổi, sức khỏe yếu, lại đi xa để biểu diễn, do đó, chất lượng chương trình khó có thể bảo đảm được, trong khi lớp kế cận lại hầu như không có, hoặc nếu có thì vẫn chưa đạt đến trình độ để khách du lịch thưởng thức. Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng vẫn mong muốn tìm được những nghệ nhân văn hóa văn nghệ dân gian đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra để xây dựng thành các sản phẩm du lịch kết hợp văn hóa toàn diện và mang lại hiệu quả cao nhất. Thế nhưng, đó là mong muốn, còn trên thực tế thì khó chồng khó. Chính điều này bộc lộ một hạn chế rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh ta khi mà lớp kế cận vẫn còn quá mỏng mảnh, còn lớp cao nhân thì đã ở tuổi xế chiều.
Có cơ hội gặp gỡ không ít nghệ nhân văn hóa văn nghệ dân gian của tỉnh ta, trước khi gần đất xa trời, hầu như không khó để nhận thấy các cụ đều đau đáu một mong muốn được giới thiệu, phát huy, bảo tồn các loại hình truyền thống này đến với bè bạn trong, ngoài nước và xây dựng thế hệ đi sau giỏi nghề tâm sáng. Mong muốn vẫn chỉ là mong muốn nếu như không có những động thái tích cực từ chính các cơ quan chức năng và bản thân các doanh nghiệp du lịch. Những chia sẻ của ông Trần Xuân Cương cho thấy một thực tế buồn là sắp tới một số sản phẩm du lịch mới sẽ đi vào triển khai, nhưng không có sản phẩm nào liên quan đến văn hóa phi vật thể cả. Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp tục xảy ra, chúng ta đang lãng phí tối đa kho tàng văn hóa quý giá mà cha ông đã để lại và vô tình làm đánh mất đi cơ hội bảo tồn của chính những giá trị kết tinh văn hóa truyền thống đó. Muộn còn hơn không, đã đến lúc cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền các cấp và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cùng ngồi lại và mở ra những lối đi mới cho sự gắn kết chặt chẽ, lâu bền giữa văn hóa và du lịch.
Mai Nhân – Báo Quảng Bình
Bài viết liên quan
13:50 - 16.09.2024
Một số hình ảnh Phong Nha Kẻ Bàng đẹp
13:41 - 16.09.2024
Chép chép biển – Món ngon của Quảng Bình
13:44 - 16.09.2024