Quảng bá xúc tiến thương hiệu Du lịch Quảng Bình


Với định hướng “ưu tiên phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, dựa trên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, những năm qua, Du lịch Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó có sự góp sức không nhỏ của công tác quảng bá xúc tiến thương hiệu.

Quảng bá xúc tiến còn bộc lộ hạn chế

Thời gian qua, thương hiệu Du lịch Quảng Bình đã xuất hiện tại nhiều sự kiện, lễ hội, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế. Tỉnh đã tổ chức các đoàn khảo sát điểm đến; quảng bá thông qua các ấn phẩm du lịch, pa nô tấm lớn, trên các kênh thông tin đại chúng, tạp chí chuyên ngành; liên kết thực hiện các chương trình quảng bá xúc tiến giữa các địa phương; quảng bá trên website, làm phim du lịch… để tạo hiệu ứng thu hút khách. Nhờ đó, lượng khách đến Quảng Bình tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước, từ 850 ngàn lượt khách năm 2010 lên 1,2 triệu lượt năm 2013. Đặc biệt, sự trở về với đất mẹ Quảng Bình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thu hút số lượng lớn du khách thập phương về dâng hương, tri ân Đại tướng và trải nghiệm về vùng đất, con người Quảng Bình. Dự kiến năm 2014 có khoảng 3 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Bình.

Quảng bá xúc tiến thương hiệu Du lịch Quảng Bình
Quảng bá xúc tiến thương hiệu Du lịch Quảng Bình

Tuy đã có nhiều nỗ lực và kết quả đáng khích lệ, nhưng công tác quảng bá xúc tiến thương hiệu du lịch còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có thể nhận thấy một số đặc điểm sau:                              

Các hoạt động quảng bá xúc tiến thiếu một chiến lược tổng thể và bước đi thích hợp, ngay cả định vị sản phẩm du lịch cũng chưa thực sự rõ nét nên phần lớn các sản phẩm du lịch nổi tiếng của tỉnh như khám phá hang động, nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh… vẫn chưa đến được với nhiều khách hàng tiềm năng. Số lượng và chất lượng các công ty lữ hành Quảng Bình còn hạn chế và chưa đủ mạnh nên các tour còn nghèo nàn, đơn giản, chưa đáp ứng nhu cầu của khách. Việc khai thác tài nguyên du lịch đang còn ở mức thấp, chưa giúp khách du lịch cảm nhận và trải nghiệm được giá trị của điểm đến; chưa tổ chức được nhiều các hoạt động có tính liên ngành, liên vùng để tạo sức mạnh tổng hợp trong quảng bá xúc tiến; nguồn nhân lực làm công tác marketing du lịch của tỉnh còn thiếu và yếu.

Do chưa có phương thức tổ chức phù hợp, chất lượng sản phẩm, thông tin còn hạn chế và thiếu tính tập trung nên Quảng Bình chưa nhằm đúng “mắt xích” quan trọng trong các kênh phân phối sản phẩm du lịch; thiếu sự liên kết giữa các công ty lữ hành trong tỉnh, trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình du lịch bán cho khách.

Việc liên kết hợp tác trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch nhìn chung vẫn tình trạng “mạnh ai nấy làm”, còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết phối hợp giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước, giữa các địa phương với nhau nên thường manh mún, dàn trải, chưa phát huy sức được sức mạnh tổng hợp, lãng phí nguồn lực và hiệu quả thấp.

Nguồn kinh phí dành cho công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn quá khiêm tốn nên chưa tổ chức được nhiều hoạt động, sự kiện có tầm cỡ hoặc tham gia các hội chợ, khảo sát thị trường nước ngoài để giới thiệu thông tin đến khách hàng tiềm năng và thị trường trọng điểm nhằm thu hút khách, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch. Chính vì vậy, lượng khách du lịch quốc tế đến Quảng Bình còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của một tỉnh có Di sản Thiên nhiên thế giới.

Để Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch lớn

Nhằm đưa Quảng Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, trên cơ sở tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần thực hiện những giải pháp sau:        

Xây dựng chiến lược phù hợp và tăng cường các hoạt động quảng bá xúc tiến thương hiệu du lịch: Quảng Bình cần có một chiến lược cụ thể với tầm nhìn dài hạn và bước đi thích hợp về các hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch nhằm xây dựng thương hiệu Du lịch Quảng Bình trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc thực hiện marketing điểm đến bao gồm xây dựng hình ảnh – vị thế – thương hiệu – tầm nhìn và cần phải có Logo và slogan cho du lịch của tỉnh. Các hoạt động quảng bá xúc tiến và xây dựng các ấn phẩm du lịch đều phải dựa trên nền tảng của biểu trưng này.

Thu hút nguồn khách du lịch đến Quảng Bình trên cơ sở cân đối hài hòa giữa phát triển sản phẩm với các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch: Việc thực hiện các hoạt động quảng bá xúc tiến để tạo trào lưu di du lịch Quảng Bình là hoàn toàn khả thi với nguồn lực thích hợp của tỉnh hiện nay. Vì vậy, những thông tin đến với khách hàng phải trung thực và chính xác về hình ảnh điểm đến để xác định mục tiêu thu hút khách một cách hợp lý với phương châm số lượng khách không phải là ưu tiên số một trong ngắn hạn; phát triển nguồn khách đi đôi với phát triển sản phẩm và năng lực; các hoạt động xúc tiến quảng bá phải có lộ trình hợp lý nhằm đưa lại hiệu quả tối ưu trong hoạt động du lịch. Nguyên tắc cân đối hài hòa này sẽ góp phần bảo đảm cho Du lịch Quảng Bình phát triển bền vững.

Các hoạt động quảng bá xúc tiến phải theo nguyên tắc xã hội hóa, thu hút nguồn lực vào việc tạo dựng hình ảnh Du lịch Quảng Bình trên thị trường, trong đó cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phải là người tổ chức phối hợp và đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực này: Trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế thì đây là giải pháp tối ưu tạo ra nguồn lực để thực hiện các hoạt động quảng bá và xúc tiến. Tức là các doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm, dịch vụ của mình, còn tỉnh quảng bá hình ảnh điểm đến của địa phương. Để làm được điều này, trước hết phải chủ động xây dựng các chương trình quảng bá xúc tiến phù hợp với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, trên cơ sở lợi ích của cả điểm đến với mục tiêu nhằm tăng số lượng khách nội địa và quốc tế đến Quảng Bình chứ không phải vì lợi ích của một nhà cung cấp dịch vụ cụ thể nào đó. Những hoạt động như xây dựng website, in các ấn phẩm quảng bá phải được chủ trì bởi cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh để tạo sự thống nhất, bảo đảm tính công bằng và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thị trường một cách bình đẳng hơn. Mặt khác, cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, khu vực và địa phương để tạo hiệu ứng trong phát triển.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh theo hướng bền vững: Xem đây là một trong những giải pháp hữu hiệu về phát triển bền vững nhằm tránh sự trùng lắp, nhàm chán đối với du khách. Nên tập trung vào các loại hình và sản phẩm du lịch chủ lực là thế mạnh của tỉnh như du lịch khám phá hang động, nghỉ dưỡng, tâm linh. Ngoài ra cần phát triển các loại hình du lịch khác mà tỉnh đang có tiềm năng như du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch MICE…

Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mỗi doanh nghiệp: Chất lượng sản phẩm du lịch của một điểm đến không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của một đơn vị cụ thể nào đó mà nó là sự tổng hợp của rất nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thông qua chất lượng phòng ngủ khách sạn, phương tiện đi lại, chất lượng bữa ăn, các hoạt động tham quan, mức độ nhiệt tình và trình độ nghiệp vụ của hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ, sự niềm nở của cộng đồng địa phương… Để tạo ra mức độ hài lòng của du khách khi đến Quảng Bình, đòi hỏi sự đồng tâm nhất trí trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm của mỗi đơn vị thành viên trong ngành Du lịch.

Phát triển kênh phân phối sản phẩm du lịch, tập trung vào thị trường trọng điểm: Đối với thị trường nội địa, cần ưu tiên kênh phân phối sản phẩm du lịch thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tiếp đến là thị trường Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đối với quốc tế, tập trung thị trường Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan thông qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo theo quốc lộ 12A, trên Tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; thị trường ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc; châu Âu như Pháp, Hà Lan; châu Mỹ như Bắc Mỹ, Canada và thị trường khác như Australia…

Ngân sách cho công tác quảng bá và xúc tiến du lịch:  Đây là nội dung cốt lõi và là điều kiện tiên quyết để giải quyết bài toán về quảng bá xúc tiến thu hút khách. Vì vậy, tỉnh và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần chú trọng ưu tiên dòng ngân sách phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quảng bá xúc tiến du lịch.

Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, thị trường còn khá hạn hẹp, để có thể thành công, Quảng Bình cần phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quảng bá nâng cao hình ảnh và thương hiệu du lịch của tỉnh trong phát triển bền vững./.

Nguồn: Tạp chí Du lịch Việt Nam

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour