Quảng Bình phát triển loại hình du lịch cộng đồng


Du lịch cộng đồng (DLCĐ) như: Homestay (ở nhà dân) hay Farmstay (ở nông trại) tại Quảng Bình đang hút khách trong những ngày nghỉ dịp lễ 30-4 và 1-5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình đang lập đề án nhằm phát triển loại hình du lịch mới quy mô và bài bản hơn.

Du lịch thân thiện với Homestay

Từ thành công bước đầu của mô hình Homestay Chày Lập, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch cách đây sáu năm, hiện nay DLCĐ đang xuất hiện ngày càng nhiều trong khu vực các xã thuộc vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Mới đây, cô gái Hà Thị Huyền Trang, ở phường Bắc Lý, TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã khai trương Homestay Ocean View ở xã Quang Phú, đánh dấu sự xuất hiện của loại hình du lịch thân thiện với thiên nhiên này tại thành phố biển Đồng Hới.

Chủ Pepper House ở Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Trần Thị Diện cho biết, tuy cơ sở vật chất bước đầu chưa thật sự khang trang, nhưng Pepper House lại có những lợi thế nhất định, như: tọa lạc trong khung cảnh thiên nhiên làng quê yên ả, dễ dàng tổ chức nhiều hoạt động sinh thái trong Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, có tính kết nối cao với các cơ sở lưu trú khác nhằm trao đổi khách.

Nhờ biết tiếng Anh và cách quảng bá, thời gian qua, cơ sở của chị Diện luôn đông khách. Đến đây, du khách nước ngoài không chỉ được du ngoạn thưởng lãm phong cảnh Di sản thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, mà còn được trải nghiệm với đời sống nông thôn Việt Nam.

Nằm bên cạnh dòng sông Son thơ mộng, Hồ Khanh Homestay, ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch của vợ chồng anh Hồ Khanh và chị Lê Thị Nghĩa gồm hai nhà gỗ nhỏ và ba ngôi nhà xây đơn giản đón gió sông Son.

homstay Quang Binh

Điểm hấp dẫn của Homestay này là phong cảnh đẹp, lãng mạn, tầm nhìn thoáng, thuận tiện cho đi lại tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

Quan trọng hơn cả là cùng với trải nghiệm khung cảnh và hoạt động làng quê ven sông, du khách sẽ có dịp trò chuyện với Hồ Khanh, người phát hiện hang động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới. Anh như một pho tư liệu về hang động Phong Nha, đủ để níu chân du khách khi đến tìm hiểu và khám phá tiềm năng du lịch hang động của Quảng Bình.

Đặc điểm dễ nhận thấy là loại hình DLCĐ cần vốn ít, hạ tầng có sẵn, quan trọng nhất là khả năng kết nối, thành thục các kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài và chất lượng dịch vụ.

Quảng Bình hiện có ba khu Farmstay và 27 hộ làm dịch vụ Homestay. Hai năm qua, các Homestay và Farmstay đã trở thành địa chỉ quen thuộc của khách quốc tế khi đến với Quảng Bình, nhờ phong cách phục vụ thân thiện, mến khách và giá cả cạnh tranh. Ba tháng đầu năm 2015, Quảng Bình đón hơn 10,4 nghìn lượt khách quốc tế, trong đó số khách lưu trú tại Homestay chiếm số lượng rất đáng kể.

Tiếp sức để Du lịch Cộng đồng phát triển

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Bình kiêm Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Bình, Nguyễn Văn Kỳ đánh giá cao hiệu quả của loại hình DLCĐ, cho biết: “Loại hình du lịch này không những góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch phong phú và hấp dẫn của tỉnh, mà còn mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, nhằm nâng cao đời sống cho người dân”.

Theo ông Kỳ, du lịch kiểu này có “đất” để phát triển chung quanh Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và dải cát ven biển, bởi nơi này mang vẻ đẹp nguyên sơ của rừng, biển và người dân thuần hậu, chất phác.

Ông Kỳ cho rằng, vào mùa du lịch năm nay, Quảng Bình thiếu khách sạn, nhà nghỉ, trong khi để xây dựng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn phải cần vốn lớn và thời gian. Vì vậy, DLCĐ chính là lời giải cho bài toán khó này.

“Một xã vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng như Hưng Trạch, chỉ cần chọn một thôn có điều kiện thuận lợi để phát triển Homestay, với 100 hộ mở dịch vụ, bình quân mỗi nhà có đón tám khách, thì sẽ có 800 người có chỗ lưu trú trong thời gian cao điểm. Số chỗ lưu trú kiểu Homestay này tương đương với hai khách sạn bốn sao”, ông Kỳ phân tích.

Vẫn theo ông Nguyễn Văn Kỳ, DLCĐ tại Quảng Bình hiện đang nặng tính tự phát, dù cơ quan chức năng đã có những định hướng cũng như bồi dưỡng nghiệp vụ.

Anh Hồ Khanh cho biết, vợ chồng anh chưa hề có kinh nghiệm hay kỹ năng làm du lịch, do đó khâu tuyên truyền, quảng bá chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của vợ chồng ông Howard Limbert (chuyên gia hang động hàng đầu thế giới người Anh-vốn đã gắn bó với hang động Phong Nha-Kẻ Bàng). Anh mong muốn được trau dồi thêm nghiệp vụ du lịch, để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ của Hồ Khanh Homestay.

Từ đó, Sở VH-TT&DL Quảng Bình đang lập đề án nhằm phát triển DLCĐ một cách quy mô và bài bản hơn. Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, trước hết, phải nâng cao nhận thức cho cán bộ chính quyền cơ sở về DLCĐ để có sự hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển loại hình du lịch này.

Tiếp đó là bồi dưỡng ngoại ngữ, nghiệp vụ du lịch, dịch vụ cho hộ gia đình, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ trong các Homestay, Farmstay.

Ông Kỳ cũng đề cao vai trò của các dự án hỗ trợ phát triển du lịch và chính quyền địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho DLCĐ và nguồn kinh phí hỗ trợ. Đây cũng là mấu chốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả của loại hình du lịch mà sự tham gia của người dân là chủ yếu.
BÀI, ẢNH: HƯƠNG GIANG 

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour