Khi mọi ngóc ngách trên thế giới tưởng chừng đã khám phá hết thì ở một vùng nhỏ bé của Việt Nam là Quảng Bình người ta tìm thấy một “thế giới đã mất”. Ấy là Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới. Một hình ảnh tiếp thị cho nền du lịch Việt Nam mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn, lộng lẫy hơn trong mắt du khách quốc tế. Bởi thế mà thương hiệu của hang động này là niềm mơ ước của hàng trăm triệu du khách trên toàn cầu muốn đặt chân khám phá một lần trong đời.
1. Peter, một nhà nghiên cứu văn hóa bản địa người Mỹ khi đặt chân đến Việt Nam đã kể: “Sơn Đoòng là lý do để tôi gác những công việc ở Nam Mỹ lại và dấn thân đến đất nước tươi đẹp này. Nó không như tôi hình dung lúc đầu, chỉ là một hang động rỗng lớn, bên trong nó là các trầm tích của trái đất xa xưa truyền lại, rừng cây rộng lớn trong hang động. Ở với lòng đất Sơn Đoòng một tuần, tôi như thấy đó là cỗ máy trở về hàng trăm triệu năm trước trên địa cầu”.
Cộng sự của ông, john Rena thì nêu cảm tưởng: “Bạn hãy tưởng tượng vào thế kỷ 21 rồi, mọi nơi trên thế giới đều có dấu chân con người, Nasa hướng đến Sao Hỏa để khai phá trên đó mà ở Việt Nam lại có một vùng đất vừa mới có dấu chân con người đặt vào để phát hiện và tìm kiếm cho toàn cầu hang động lớn nhất thế giới. Tôi thật không thể tin được điều kỳ diệu này đã diễn ra. Everet là ngọn núi cao nhất thế giới, nhưng Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới sánh ngang cùng đẳng cấp. Nó là một phát hiện mới không chỉ cho Việt Nam mà còn cho thế giới vậy”.
Một người Mỹ khác, nhiếp ảnh gia Ryan Deboodt thốt lên: “Thềm thực vật trong hang, sự nguyên sơ của thảm rừng nhiệt đới trong hang, những dòng sông hang, bãi cát trong hang là tuyệt tác. Đó là một kỳ quan đặc biệt có một không hai của thiên nhiên. Thật khó để diễn tả hết điều kỳ diệu đó bằng ngôn từ. Chẳng có bất kỳ sự trải nghiệm nào trên trái đất này kỳ thú hơn thế”.
Trong khi đó, người đẹp của hãng truyền hình ABC cũng đến từ Mỹ, cô Ginger Rene đã dành hết ngôn ngữ của mình với Sơn Đoòng: “Đây là điều kỳ thú mà thiên nhiên hàng triệu năm lưu giữ, bạn chưa từng thấy những gì như vậy trên đời”.
Chuyên gia hang động Howart Limbert nói: “Sơn Đoòng cuốn hút những nhà thám hiểm khó tính nhất, thuyết phục những tay máy cầu kỳ nhất. Đó là hình ảnh rất mới, rất tuyệt vời của Việt Nam, một cái cổng ra của du lịch Việt Nam với toàn cầu, một cái cổng ra đầy biểu tượng và giá trị nổi bật giữa thời đại mới. Nó là niềm mơ ước của bất cứ ai trên thế giới muốn đặt chân đến”.
Bởi thế mà những tờ báo hàng đầu thế giới trong năm 2015 đều xếp Sơn Đoòng là nơi phải đến một lần trong đời của thế kỷ 21 hoặc là cảnh đẹp siêu thực như hành tinh khác. Tờ Business Insider ca ngợi hang Sơn Đoòng là một trong những điểm du lịch dưới mặt đất hấp dẫn nên đến trong đời. Rồi tạp chí khoa học nổi tiếng Smithsonian xếp hang Sơn Đoòng ở vị trí số 1 trong danh sách những điểm đến mới tuyệt vời của thế kỷ 21.
2. National Geographic, tạp chí lừng danh của Hội địa lý Hoa Kỳ đã có 4 dự án vinh danh Sơn Đoòng trên toàn cầu, một điều chưa bao giờ có trong lịch sử tạp chí trứ danh này với một địa chỉ trên thế giới. National Geographic đã làm phim, thuê nhiếp ảnh gia hàng đầu và các cây viết nổi tiếng đến Sơn Đoòng làm việc.
Bộ phim tài liệu dài hơn 45 phút phát đi 200 quốc gia và vùng lãnh thổ của Natgeo mô tả: “Sâu trong khu rừng nhiệt đới của miền Trung Việt Nam là một kỳ quan của thế giới. Một thế giới bị thất lạc che giấu hệ sinh thái độc đáo. Nó không có ở bất cứ đâu trên hành tinh này”. Từ cảm hứng này mà mới đây, các nhà khoa học Việt Nam khám phá ra kỳ quan hóa thạch từ đáy biển bên trong Sơn Đoòng có độ tuổi 300 triệu năm.
Người vừa khám phá ra điều độc đáo có giá trị ấy là PGS-TS. Tạ Hòa Phương công tác tại khoa Địa chất (Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội kiêm Chủ tịch hội Cổ sinh-Địa tầng Việt Nam). Giáo sư Phương mô tả: “Tại khu vực gần hố sập 1 (giếng trời-NV), chúng tôi phát hiện những tảng đá có nhiều di tích đốt thân Huệ biển trên bề mặt.
Trong ngách hang từ hố sập 1 đi xuống, về phía tây, có rất nhiều hóa thạch San hô bốn tia đơn thể. Kích thước hóa thạch khá lớn, đường kính 3-4cm, gặp cả bên vách hang lẫn trần hang. Đây là một trong những điểm hóa thạch san hô độc đáo nhất của Việt Nam: nhiều về số lượng, lớn về kích thước”.
Đấy là những hóa thạch có giá trị về cổ sinh, chúng không chỉ có ở đó mà trên trần hang cũng chi chít hóa thạch san hô. Chính những bằng chứng này càng củng cố giả thiết, hang động ở khu vực này, từ hàng trăm triệu năm trước chúng có nguồn gốc đại dương. Vận động của vỏ trái đất nâng lên và tạo ra khối núi Kẻ Bàng hùng vĩ.
Cho đến nay, không quá 500 người được chiêm ngưỡng kỳ quan này ngoài các nhà nghiên cứu, chuyên gia hang động, một số ít du khách trả tiền theo tour chinh phục Sơn Đoòng với mức phí 3000USD mỗi người mới có cơ hội vào xem “bảo tàng” cổ sinh này. Chúng đóng vân màu trắng, chi chít trên nền đá màu đen xanh, nhiều như một “bảo tàng” với các hiện vật đủ kích cỡ về một thời đại của 300 triệu năm trước. Gia tài đó hiện chỉ có Sơn Đoòng cất giữ bên trong.
Sơn Đoòng có hai hố sụt mà nhiều người vẫn gọi hố sập, nó nằm sâu bên trong lòng hang. Mỗi hố sụt rộng khoảng 0,4ha nhưng ở đó các loài thực vật mọc thành rừng. Nhà sinh vật học người Đức, nữ tiến sĩ Anette Becher khi đặt chân vào sâu bên trong hai khu rừng này đã phát biểu: “Đó là chén thánh của các nhà sinh học”. Bởi ở đó bà đã nhận dạng được hơn 200 loài thực vật nhiệt đới. Chúng có giống loài tương tự các loài ở bên trên mặt núi cách vị trí khu rừng gần 400m chiều cao.
Những thân gỗ ở đây không phát triển to bè mà phát triển chiều cao nhằm hướng về ánh nắng, nước mưa, có thân cây cao đến 30-40m. Lá của nó nhỏ hơn so với đồng loại ở trên núi. Trước vẻ đẹp của khu rừng trong hai hố sụt ở hang động Sơn Đoòng, các nhà thám hiểm đã gọi đó là vườn địa đàng Edam.
Nữ tiến sĩ Anette Becher đến Sơn Đoòng nghiên cứu với tâm lý không kỳ vọng nhiều về phát hiện các cá thể sống cả thực vật và động vật. Nhưng khi thấy hai rừng mưa nhiệt đới cách mặt núi hơn 400, sâu dưới lòng hang động lớn nhất thế giới, bà bị thuyết phục bởi: “Một thế giới bị thất lạc che giấu hệ sinh thái độc đáo”. Và trong thế giới này, bà đã tìm ra một loài vật màu trắng, thân chia nhiều đốt và gọi loài mới, nó được gọi tên tiếng Việt là “mọt gỗ”. Nó không có mắt, sống trong vĩnh viễn của bóng tối Sơn Đoòng.
Bằng con mắt của người nghiên cứu cổ sinh vật, TS. Phương đánh giá: “Nó là đại diện của lớp không cánh (Apterygota) thuộc ngành chân khớp. Từng xuất hiện trên trái đất từ kỷ Devon cách đây 415-355 triệu năm”-Một dạng hóa thạch sống quý hiếm bên trong lòng hang Sơn Đoòng.
Kỳ diệu hơn, TS. Phương được ông Howard Limbert, chuyên gia hang động Anh cho “gặp” một loài vạn chân trong bóng tối vĩnh hằng này. Nó được Chủ tịch hội cổ sinh miêu tả rất khoa học: “Con vật này thuộc phân ngành nhiều chân (Myriapoda, có nghĩa vạn chân), ngành động vật chân khớp (Arthropoda), cùng với cuốn chiếu, giời leo và rết… Nhưng xét về hình thái thì nó gần với cuốn chiếu hơn, với cơ thể ngắn, chỉ khoảng 2cm, cùng sinh cảnh với con vật không cánh kể trên”.
Nghĩa là nó có mặt từ rất nhiều triệu năm. Các nhà khoa học nhìn vào càng khẳng định sự thích nghi của tiến hóa loài đối với điều kiện nghặt nghèo của tự nhiên mà cụ thể là môi trường khắc nghiệt của Sơn Đoòng đã cho chúng cuộc sống trong trần thế này.
3. Bên trong hang Sơn Đòng, ở hai hố sụt, các nhà thám hiểm vẫn thường thấy một hệ thống các loại tháp “thạch nhũ” nhỏ, như đang lớn lên, hướng về phía ánh sáng. Chúng mọc ngắn, nhỏ, màu trắng, xếp rất đều nhau. Người ta cứ tưởng do sự bào mòn của nước đã hình thành dạng tháp này.
Chỉ đến khi TS. Phương có mặt, ông đã đưa ra mô tả thuyết phục các nhà thám hiểm hang động. Nhìn kỹ các cấu trúc dạng que, có khi rất nhọn đầu, có thể thấy một lớp mỏng màu lục bao phủ phía hướng về ánh sáng. “Đó chính là tảo lục. Cùng phát triển với chúng còn có đội ngũ vi khuẩn đông đúc nữa. Chúng phát triển không đồng đều trên mặt đá và trong quá trình sống chúng đã tiết ra các axit gặm mòn đá. Những chỗ chúng phát triển mạnh, đá bị mòn nhiều, lấn sâu vào bên trong. Những chỗ ít hoặc không có tảo thì đá không bị phá hủy mấy, nhô lên như cây chông.
Cũng vì tính chất ăn mòn do thực vật này mà cấu trúc các bó que ấy đều hướng về phía ánh sáng của hố sập trong hang Sơn Đoòng”. TS. Phương gọi đó là phytokarst có yếu tố thực vật. Và trong sự nghiệp của mình, đi nhiều nơi, ông xác nhận với chúng tôi, phytokarst chỉ duy nhất có trong Sơn Đoòng. Vô cùng độc đáo.
Các nhà khoa học cũng tìm ra lời giải thích về ngọc động trong hang Sơn Đoòng. Ấy là những viên đá tròn hoặc cầu dẹt, hoặc hình trứng cút nằm trong các bậc thang của lòng hang. Chúng được hình thành bởi dòng nước bão hòa cacbonnat.
Theo TS. Phương giải mã: “Dung dịch này thoạt đầu kết tủa xung quanh một nhân kết tinh nào đó, như hạt cát chẳng hạn. Các lớp tinh thể can xi lần lượt mọc lên, khiến viên đá lớn dần. Vừa lớn, nó vừa được lăn bởi dòng nước, nên không bị gắn chặt vào đáy, mà được vo tròn thành hình cầu hoặc gần cầu”. Ông Howard bảo đã từng đi nhiều hang động trên thế giới, nhưng chưa ở đâu ông thấy ngọc động nhiều và to như ở Sơn Đoòng, có viên lớn và nặng đến cả ký lô…
Thật sự Sơn Đoòng là một kỳ quan của thế giới. Một báu vật của Việt Nam được bảo hộ toàn cầu bởi UNESCO quốc tế. Hang động này đã đi qua được khói lửa bom đạn và mãi đầu thế kỷ XXI gia tài này mới được biết đến một phần nào đó mà theo Howard Limbert, chuyên gia hang động người Anh, phải nghiên cứu thêm về Sơn Đoòng để hiểu thêm về sự khổng lồ của nó cũng như những tri thức ẩn sâu bên trong lòng hang chưa biết hết.
Theo Báo Quảng Bình
Comments