Lớp tập huấn ‘Kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng’ của vùng đệm Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy được diễn ra ngày 6/6/2022 do tổ chức HELVETAS Việt Nam, Công ty Du lịch Netin và các đối tác địa phương cùng phối hợp thực hiện. Đây là một trong những chuỗi hoạt động của Tiểu Hợp Phần 6 (THP), có mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng thông qua hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng để bảo tồn đa dạng sinh học rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
THP6 là một trong những tiểu hợp phần của Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Tổ chức phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Dự án có mục tiêu duy trì và tăng cường chất lượng rừng ở những vùng có giá trị bảo tồn cao, bảo vệ và cân bằng các quần thể động vật hoang dã, loài và sinh cảnh ở những tỉnh có giá trị bảo tồn. Dự án được triển khai tại 5 tỉnh Miền Trung từ năm 2022-2026 (xem thông tin chi tiết phụ lục 1).
Lớp tập huấn diễn ra trong 1 ngày với sự tham gia đầy đủ, nhiệt tình và sôi nổi của 18 học viên người dân tộc Vân Kiều đến từ 3 bản biên giới của xã Kim Thủy, bao gồm Ho-Rum, Mít Cát, Trung Đoàn. Thành phần học viên bao gồm cả nam và nữ, độ tuổi trung bình khoảng 30-35 tuổi, các thành viên có đủ sức khỏe, năng động, nhiệt huyết và yêu thích du lịch. Nội dung tập huấn bao gồm kiến thức cơ bản về kỹ năng giao tiếp với du khách; kỹ năng phục vụ tour; dịch vụ lưu trú ‘homestay’, ẩm thực và văn hóa bản địa; kỹ năng dựng lều trại, đảm bảo môi trường du lịch sinh thái.
Theo nhận xét của các học viên, lớp tập huấn đã đem lại những kiến thức hữu ích cho các thành viên tiềm năng trong cộng đồng để chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào các hoạt động du lịch cùng với công ty TNHH Netin tại địa bàn xã. Các học viên mong đợi những lớp tập huấn chuyên sâu tiếp theo để nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ du lịch.
Tổ chức Helvetas và công ty TNHH Netin sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng nâng cao kỹ năng làm du lịch, xây dựng sản phẩm, quảng bá ra thị trường nhằm thu hút khách du lịch và đem lại nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của rừng khu vực Động Châu – Khe Nước Trong.
Phụ lục 1: Thông tin chung về Dự án
Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC) là dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và được thực hiện trong thời gian 5 năm từ 2021 đến 2026. Mục tiêu tổng thể của dự án là giảm phát thải nhà kính, tăng khả năng hấp thụ car-bon từ rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng trồng tại Việt nam, bảo tồn ĐDSH ở các khu vực rừng có giá trị cao về ĐDSH của Quốc gia. Dự án bao gồm hai hợp phần: Hợp phần 1 – Quản lý rừng bền vững và Hợp phần 2 – Bảo tồn ĐDSH.
Mục tiêu cụ thể của Hợp phần 2 là: 1) duy trì và tăng cường chất lượng rừng ở những vùng có giá trị bảo tồn cao; 2) bảo vệ và cân bằng các quần thể động vật hoang dã, loài và sinh cảnh ở những tỉnh có giá trị bảo tồn. Hợp phần 2 hướng đến 10 Ban quản lý rừng đặc dụng (RĐD) và ít nhất 5 Ban quản lý rừng phòng hộ (RPH), trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, TT Huế, Quảng Nam và Lâm Đồng. Hợp phần được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của các Tổ chức WWF Mỹ, WWF Việt Nam, Helvetas Việt Nam, Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế Fauna & Flora International tại Việt Nam (FFI), Viện nghiên cứu động vật hoang dã Đức (Leibniz Institute for Zoo and Wildlife), Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (Global Wildlife Conservation, GWC), Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung Tâm Giáo Dục Thiên Nhiên – ENV.
Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học bao gồm bốn tiểu hợp phần:
Tiểu hợp phần (THP) 6 được Tổ chức Helvetas thực hiện với mục tiêu cải thiện sinh kế cho những cộng đồng dân cư sống tại vùng đệm các khu bảo tồn quốc gia thông qua thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn. THP sẽ khuyến khích phát triển chuỗi giá trị (CGT) thân thiện với rừng và ĐDSH cho các sản phẩm LSNG, nông nghiệp có giá trị cao, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và đào tạo kỹ năng, tìm cơ hội việc làm cho người dân.
THP6 sẽ tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính có liên quan chặt chẽ với nhau: 1) Cải thiện sinh kế thông qua phát triển bền vững các CGT sản phẩm nông nghiệp và LSNG; 2) phát triển du dịch cộng đồng và 3) tạo điều kiện chuyển nghề hợp pháp cho cho thợ săn, người khai thác gỗ trái phép và các thành viên gia đình họ.
Comments