13:51 - 16.09.2024
Thám hiểm động Sơn Đòong
13:33 - 16.09.2024
Du lịch Quảng Bình – Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) được các nhà khoa học và các nhà thám hiểm công nhận là hang kỳ vĩ nhất thế giới.Năm 2009, hang Sơn Đoòng ở Phong Nha-Kẻ Bàng đã được đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh công bố là hang động lớn nhất thế giới. Trong chuyến trở lại tìm kiếm thêm hang động mới gần đây, chúng tôi may mắn được cùng đoàn của ông Howard Limbert thám hiểm Sơn Đoòng cùng với đội làm phim hùng hậu của Nhật.
Cung đường ngoạn mục
Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh gồm 12 người do ông Howard Limbert dẫn đầu. Theo đoàn còn có 15 người làm phim của hãng NHK (Nhật) và hơn 50 người khuân vác. Êkíp của đoàn làm phim hùng hậu với máy móc đặc chủng. Chúng tôi được phép cùng theo đoàn với ba lô trên vai.
Từ cây số 35 của đường Hồ Chí Minh tây Trường Sơn, mọi người tập hợp, khuân vác đồ đạc. Đường đi xuống đổ về một con dốc sâu hun hút mà người địa phương gọi là dốc Đoòng. Lối mòn đi dưới rặng cây già cỗi cao hàng chục mét. Đây là khu rừng gần như nguyên sinh. Từng thân gỗ vút cao, bám đầy rêu phong.
Đi một buổi, chạm nắng buổi trưa, chúng tôi đến bản Đoòng của người Vân Kiều với sáu hộ, 21 khẩu. Đây là những người Vân Kiều ở phía Trường Sơn, huyện Quảng Ninh chạy lũ quét năm 1993 và định cư ở thung lũng tuyệt đẹp này. Họ sống với cây cỏ tự nhiên, tự cung tự cấp lương thực, chủ yếu là làm lúa nước ven suối, bắt cá từ suối, lấy mật ong trên những lèn đá cao.
Sau bữa trưa cơm nắm muối vừng, hơn 100 người chúng tôi trải nghiệm sự thơ mộng diệu kỳ của con suối Rào Thương dài cả cây số. Cây rừng xanh ngắt, hai bên là những dãy núi đá vôi chồng lớp, hùng vĩ đến lạ thường.
4 giờ chiều, giữa mây nước Rào Thương, mọi người hạ trại dưới sự chỉ dẫn của trưởng đoàn Howard Limbert. Một cửa hang hùng vĩ hiện ra, đó là Hang Én, một hang động rộng lớn, tuyệt đẹp. Nhưng anh Hồ Khanh, người phát hiện hang Sơn Đoòng, nói sáng mai, khi chạm vào Sơn Đoòng, khái niệm hang động hoàn toàn biến mất, một thế giới khác lạ hiện ra hơn cả thần thoại.
Chạm vào vũ trụ thu nhỏ
Sau một đêm lửa trại, bắt cá ở Rào Thương, ngả lưng trong lòng Hang Én, nghe tiếng hàng triệu chim én vi vút, sáng ra ai nấy khoan khoái và hào hứng muốn đến hang động lớn nhất thế giới thật nhanh. Đi hết 1,7 km chiều dài Hang Én, qua một lòng hang rộng lớn, một hồ nước trong xanh là đến cửa sau của Hang Én. Từ đây, thêm vài giờ đi bộ nữa, chúng tôi chạm vào một trong những kỳ quan của nhân loại ở thế kỷ 21.
Ông Howard Limbert ca ngợi sự kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng: “Chúng ta đang chứng kiến một hang động cực kỳ lớn mà tất cả tài liệu của loài người chưa hề chứng nhận từ năm 2009 trở về trước. Nó không chỉ là hang động mà là một vũ trụ thu nhỏ, một thế giới mênh mông chưa một ai chứng kiến”. Cửa hang rộng lớn, cao và sâu đến cả trăm mét. Gió hắt ra những luồng hú rợn người bao trùm cả một góc rừng.
Đoàn thám hiểm leo dây xuống trước, kết những đinh vít vào tường hang. Dây thừng được neo chặt vào đó để mọi người tuần tự đi xuống lòng hang Sơn Đoòng. Đặt chân vào lòng hang lại không thể tưởng tượng ra đây là một hang động. Nhiều đoạn cao không thể thấy trần hang, cũng không thấy vách hang ở hai bên. Có những lúc toàn đoàn tắt hết các thiết bị máy móc, đèn chiếu sáng cá nhân, mọi người ngừng nói chuyện. không gian đen đặc như ở ngoài vũ trụ, một sự huyền diệu, bí hiểm khó tả mà chỉ gặp một lần ở Sơn Đoòng.
Chúng tôi vượt qua một con suối sâu chảy xiết trong lòng hang, sau đó đến một trong những đại thạch nhũ khổng lồ cao hơn 100 m mà nhiếp ảnh gia Carsten Peter trong đoàn ví chiều cao bằng tòa nhà 40 tầng ở New York (Mỹ). Các cấu trúc ở đây to lớn, hùng vĩ hơn bất cứ sự tưởng tượng nào của con người. Nơi rộng nhất của hang Sơn Đoòng được ông Howard Limbert thuyết trình rằng ba chiếc máy bay cỡ lớn có thể cùng bay hàng ba thoải mái.
Những trầm tích qua thời gian hàng trăm triệu năm, những dấu tích bào mòn của hàng tỉ trận siêu lũ lên hai bên bức vách của Sơn Đoòng. chúng tôi như chạm vào cuốn sách hóa thạch cổ xưa nhất của trái đất về địa mạo địa chất. “Nó như cho thấy kho tàng cổ xưa chưa một ai chiêm ngưỡng, chưa một dấu chân người, cho đến một ngày chúng tôi ngỡ ngàng đi vào đó” – ông Howard Limbert ngợi ca.
Vườn địa đàng Sơn Đoòng
Hang động lớn nhất thế giới không chỉ hấp dẫn bởi cấu tạo thạch nhũ mê hoặc và khổng lồ mà còn gây sửng sốt trong lòng hang có một khu rừng hang động ở một hố sụt rộng khoảng 2 ha. Chính khu rừng đã tạo ra sức mê hoặc tuyệt vời với Sơn Đoòng. Không ở bất cứ nơi đâu lại có hình thái rừng trong hang động.
Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh nhận xét khu rừng này có đầy đủ những loài thực vật nhiệt đới trên núi đá vôi. Ở trong này không có đất, thành tố quan trọng cho cây cối sống nhưng những mầm sống vẫn tiến triển, bởi chúng có ánh nắng để quang hợp và cây cối mọc lên từ các hạt mầm có ánh sáng chiếu vào. Từ đó, rễ cây ở đây phải tiến hóa vô cùng mạnh mẽ, tạo ra một hợp chất như acid để biến những lớp đá cứng thô thành mùn như đất, tạo ra năng lượng và vươn lên. Trên lớp đá vôi chắc cứng, các loài thực vật không còn cách nào khác là có một dung môi từ rễ cây như acid để bào mòn dần từng lớp đá phía trên để trưởng thành.
Các nhà khoa học cũng chỉ cho đoàn làm phim của Nhật và chúng tôi thấy không chỉ cây rừng trong hang trưởng thành mà cấu trúc canxi non cũng đang dần lớn lên theo năm tháng, nghĩa là chúng cũng sinh trưởng như một loài của tự nhiên. Một khu vực vài mét vuông canxi được đánh dấu từ năm 2010 đến 2012 đã sinh trưởng thêm gần 1 cm và đều hướng đến vùng có ánh sáng. Bước đầu các nhà khoa học nhìn nhận canxi non được lớn lên ngoài hơi ẩm, chúng dường như có một thứ ký sinh nào đó kích thích phân hủy hóa học với đá vôi để tạo ra môt thứ tương tự thạch nhũ nhưng sinh trưởng nhanh hơn.
Chúng tôi đắm mình trong khu rừng hang động đã được gọi tên là vườn địa đàng (Eden). Các nhà khoa học gọi đấy là chén thánh của địa mạo địa chất.
Trong khu vực vườn địa đàng, các nhà khoa học đoàn thám hiểm đã tìm ra ba loài mới về cuốn chiếu, rận gỗ và một loài giáp xác khác. Ở khu rừng, có đến gần 400 loài thực vật, trong đó có những loài chim phía ngoài di cư vào sinh sống rất đẹp và lạ mắt.
Rời vườn địa đàng Sơn Đoòng, đi nữa, phía cuối hang là bức tường cao hơn 150 m, hoàn toàn là canxi tinh khiết, thế giới không có bức tường nào đồ sộ như thế. Các nhà khoa học chưa xác định được độ dày, chỉ xác định chiều cao và độ rộng hơn 100 m. Vượt qua bức tường này bằng thang dây của đoàn thám hiểm, chúng tôi xuống một hồ nước rộng lớn, tuyệt đẹp với các măng đá nhô lên như vịnh Hạ Long thu nhỏ. Cả đoàn cùng gói đồ đạc trong những túi đặc dụng, những chiếc xuồng hơi được bơm căng để chở máy ảnh, hơn 30 phút sẽ đến cửa sau của Sơn Đoòng, hết chuyến thám hiểm chiều dài hang động lớn nhất thế giới 9,6 km. Từ cửa sau, chỉ mất hơn 3 giờ đi bộ, chúng tôi đã trở ra với đường Hồ Chí Minh, hoàn thành chuyến thám hiểm hang động lớn nhất thế giới.
Chia tay chúng tôi, ông Howard Limbert nói rằng: “Sơn Đoòng là gia tài của Việt Nam, cần bảo tồn và giữ gìn nó như thiên nhiên đã tạo ra và bảo quản cho chúng ta hàng trăm triệu năm qua. Nó vô cùng quý giá mà chỉ có quê hương các bạn mới vinh hạnh được sở hữu”.
Theo Báo Pháp Luật
Bài viết liên quan
13:50 - 16.09.2024
Một số hình ảnh Phong Nha Kẻ Bàng đẹp
13:52 - 16.09.2024
Dòng người Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầu năm 2019
13:49 - 16.09.2024