Thành Đồng Hới có lịch sử kiến trúc từ buổi hình thành cho đến nay đã hơn 390 năm. Gần 4 thế kỷ (1631- 2021), thành Đồng Hới đã khắc sâu biết bao dấu ấn lịch sử tiêu biểu của dân tộc và quê hương mãi mãi không bao giờ quên.
Với kiến trúc độc đáo và vị trí địa lý ngay trung tâm thành phố Đồng Hới. Thành Đồng Hới hứa hẹn sẽ là điểm đến mới hấp dẫn cho du khách khi đến du lịch Quảng Bình.
Trong Thành Đồng Hới ngày nay du khách có thể đến thăm quan bảo tàng Quảng Bình, Quảng trường Hồ Chí Minh
Thuở đầu là lũy Trấn Ninh trong hệ thống trường thành Đầu Mâu- Nhật Lệ hay lũy Động Hải được Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ cho xây đắp năm 1631. Trong lũy là công sự, đồn binh phòng thủ có các cổng chắc chắn canh phòng các mũi tấn công của quân chúa Trịnh từ Đàng Ngoài vào. Chiến địa trọng yếu Động Hải- Nhật Lệ, được coi là yết hầu của cả xứ Đàng Trong. Gần nửa thế kỷ đem hàng vạn quân đánh nhau với Chúa Nguyễn, nhưng chúa Trịnh cũng chủ yếu tập trung quân đánh vào đồn Động Hải, đánh vào lũy Trấn Ninh, thành ngoài bảo vệ đồn Động Hải. Nhưng cuối cùng, sau những trận quyết chiến, dồn sức đánh vào lũy Trấn Ninh, không những không vào đồn Động Hải được mà phải chịu thảm bại, chấm dứt cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” kéo dài gần 50 năm (1627- 1672), buộc phải lui về trấn giữ từ Bắc sông Gianh trở ra.
Có thể nói, nhờ hệ thống lũy Đào Duy Từ mà chủ yếu là lũy Đầu Mâu- Nhật Lệ, trong đó mấu chốt là lũy Trấn Ninh, đồn Động Hải đã giúp chúa Nguyễn giữ vững biên giới địa đầu phía Nam nước Việt để chúa Nguyễn có gần 150 năm gây dựng sự nghiệp của nước Việt ở miền Nam.
Đến cuối thế kỷ XVIII, con cháu chúa Nguyễn đi ngược lại quyền lợi nhân dân nên ngày càng suy yếu. Lợi dụng sự tan rã của chúa Nguyễn, chúa Trịnh lại tiến công vào xứ Đàng Trong. Ba vạn quân Trịnh vượt sông Gianh đánh vào các đồn lũy của quân Nguyễn ở Quảng Bình, hệ thống lũy Đào Duy Từ, và lần này lũy Đầu Mâu- Nhật Lệ lũy Trấn Ninh bị quân Trịnh dễ dàng đánh chiếm. Quân Trịnh chỉ đánh trống mà vào đồn Động Hải rồi tiến thẳng vào Phú Xuân.
Mười năm sau, dưới thời Tây Sơn, tháng 6 năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến quân ra Thuận Hóa đánh tan quân Trịnh. Quân Tây Sơn cũng tiến quân vào đồn Động Hải, chiếm lấy lũy Trấn Ninh, chấm dứt sự chiếm đóng của quân Trịnh ở Phú Xuân. Rồi cũng từ đồn Động Hải, quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long, dẹp hết nạn cát cứ mấy trăm năm trên toàn cõi Việt Nam, bước đầu thống nhất đất nước. Đến đây, quân Tây Sơn chẳng những không phá hủy bức lũy Trấn Ninh, đồn Động Hải mà còn cho tu sửa, bồi đắp thêm vững chắc hơn.
Dười thời triều Nguyễn, năm 1811, năm Gia Long thứ 10, thành Đồng Hới cũng được tu bổ thêm, và lấy làm nơi làm việc của bộ máy hành chính cấp tỉnh, gọi là Thành Quảng Bình.
Tám năm sau Gia Long mất, Minh Mạng nối ngôi vua (1820- 1840). Năm 1824, Minh Mạng đã nhờ một sĩ quan người Pháp là Olivic de Puname thiết kế lại thành Đồng Hới theo kiểu kiến trúc Vauban, kiến trúc thành lũy quân sự. Năm 1842, sau hai năm lên ngôi vua, Thiệu Trị ngự giá Bắc tuần Động Hải, ra lệnh cho quan Thượng Thư Bộ Công và quân dân địa phương tu bổ thành này và các cổng trên hệ thống thành lũy chắc chắn hơn. Thành có kiến trúc khá đẹp có hình “Mũi khế”, trong đó có 4 múi to, 4 múi nhỏ. Bốn múi nhỏ nằm theo hướng Tây Nam- Đông Bắc và Tây Bắc Đông Nam.
Chu vi thành là 1860m, cao 4m. Mặt thành rộng 1m35, móng thành dày 2m. Mặt chính của thành quay về hướng Tây. Thành có 3 cổng lớn: cổng Bắc, cổng Nam và cổng Đông. Trên cổng có vọng canh tám mái. Cổng thành thông ra ngoài bằng chiếc cầu xây bằng gạch cuốn vòm xinh xắn. Hai cổng Bắc- Nam xây chếch nhau để bên ngoài không thấy bố cục bên trong. Ngoài thành cách chân thành khoảng 5-6m là hào rộng 28m (7 trượng).
Năm 1885, lần đầu thực dân Pháp tấn công hòng nhanh chóng chiếm thành Đồng Hới nhưng đã bị binh sĩ và nhân dân vùng Động Hải đánh trả quyết liệt buộc chúng phải rút lui. Nhưng do sự hèn nhát của vua quan nhà Nguyễn đã sớm đầu hàng, ngày 19 tháng 7 năm 1885, thực dân Pháp tấn công thành Đồng Hới lần thứ hai và chúng đã chiếm được thành một cách dễ dàng, mở đầu thời kỳ thực dân Pháp xâm lược Quảng Bình. Trong thành chúng cho xây dựng đồn lính khố xanh bên cạnh tòa sứ do người Pháp chỉ huy.
Năm 1886, hưởng ứng phong trào Cần Vương, nhân dân Đồng Hới tham gia nghĩa quân do Nguyễn Phạm Tuân chỉ huy đã ba lần đột nhập thành Đồng Hới, tấn công binh linh Pháp, gây cho chúng nhiều tổn thất. Để đối phó với phong trào yêu nước và phong trào cách mạng của quân và dân ta, thực dân Pháp đã ra tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa. Chúng xây dựng nhà lao ngay trong thành giam cầm những người yêu nước và các chiến sĩ cách mạng, trong đó có cả các chiến sĩ cộng sản trong phong trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Quảng Bình, nhân dân Đồng Hới ngày càng giác ngộ cách mạng đã vùng lên cùng cả nước khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đồng bào các vùng quanh thị xã từ Đức Ninh, Nghĩa Ninh kéo xuống, từ Lý Ninh, Lộc Ninh kéo vào, Bảo Ninh kéo sang cùng đồng bào nội thị theo lệnh Ủy ban khởi nghĩa kéo vào thành giành chính quyền. 8 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, trong nội thành Đồng Hới một cuộc mít tinh lớn của hàng vạn quần chúng chào mừng ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Bình thắng lợi. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Bình ra mắt nhân dân. Thành Đồng Hới tràn ngập màu cờ đỏ sao vàng cùng với những nụ cười, ánh mắt sáng ngời niềm tin thắng lợi và bừng bừng hào khí cách mạng. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, nhân dân thị xã và các vùng ngoại thị tập trung tại thành Đồng Hới mít tinh mừng ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lắng nghe tiếng Bác Hồ kính yêu đọc Bản Tuyên ngôn độc lập qua đài Tiếng nói Việt Nam.
Tiếp đến là những ngày thành Đồng Hới sẵn sàng đứng trước những thử thách nguy cơ giặc Pháp trở lại xâm lược. Trong thành các cơ quan lãnh đạo của Đảng chính quyền, tỉnh bộ Việt Minh, quân đội, các đoàn thể cách mạng cùng nhân dân đồng lòng dốc sức, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, vừa tích cực chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược.
Ngày 27 tháng 3 năm 1947, thực dân Pháp cho máy bay “Bà già “, ba tàu chiến cho theo xe lội nước với lực lượng binh lính và vũ khí hiện đại đổ bộ lên bãi biển Nhật Lệ tấn công vào thành Đồng Hới với tham vọng đánh nhanh thắng nhanh và tiêu diệt ngay các cơ quan lãnh đạo và lực lượng chủ lực của tỉnh, nhưng ba lần tấn công chúng đều bị quân dân ta, đặc biệt là tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường của Tiểu đoàn Lê Thành Đồng đánh chặn quyết liệt, đánh bật chúng ra biển, tạo điều kiện và thời gian bảo toàn lực lượng kháng chiến.
Sau ba lần phải lui quân, thực dân Pháp tăng cường lực lượng và thay đổi chiến thuật, dốc sức tấn công. Thấy lực lượng địch quá mạnh, quân ta tạm thời lui về củng cố xây dựng lực lượng ở những căn cứ an toàn, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Một lần nữa, thực đân Pháp lại chiếm được thành Đồng Hới.
Để tăng cường phòng thủ, đề phòng bộ đội Việt Minh tấn công, sau khi chiếm được thành Đồng Hới, thực dân Pháp đã xây thêm trên thành 5 lô cốt ngầm. Trong đó, 4 lô cốt đổ bê tông cốt thép, các lỗ châu mai hướng về phía Tây, một lô cốt bằng thép xe täng, lỗ châu mai quay về hướng Nam. Các vọng lâu 8 mái trên nóc ba cổng thành, chúng đều đập phá để xây bốt canh và phá hoàn toàn mũi khế ở thành phía Đông để đặt súng đại bác.
Xem thêm: Các điểm di tích trên đường 20 quyết thắng
Mặc dù tăng cường bố phòng nghiêm ngặt, nhưng trong 9 năm kháng chiến, thực dân Pháp chiếm đóng trong thành vẫn không ngủ yên, nhiều lần bị quân dân Đồng Hới và bộ đội Việt Minh tấn công vào thành, gây cho chúng nhiều thiệt hai. Cuộc kháng chiến trường kỳ anh dùng của nhân dân ta đã đi đến thắng lợi. Thực dân Pháp nếm mùi thất bại cay đắng ở Điện Biên Phủ và khắp các chiến trường, buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương. Đúng 15 giờ ngày 18 tháng 8 năm 1954, tên Pháp cuối cùng cuốn gói rời khỏi thành Đồng Hới. Và cùng thời khắc lịch sử ấy, theo sau lá quân kỳ “Quyết thắng” lấp lánh huân chương, Trung đoàn 270 và các đơn vị bộ đội thuộc Tỉnh đội Quảng Bình oai nghiêm tiến vào tiếp quản thị xã Đồng Hới.
Trước trụ sở Ủy ban quân chính thị xã, trong thành, ngoài phố rợp màu cờ đỏ tung bay, nhân dân các phường xã đổ về, hồ hởi đón tiếp “Bộ đội cụ Hồ”. Các cơ quan lãnh đạo của tỉnh đều về đóng trụ sở ngay trong thành.
Ngày 16 tháng 6 năm 1957, quân và dân Quảng Bình, đại biểu đặc khu Vĩnh Linh, Quảng Trị, cán bộ và nhân dân thị xã vinh dự đón Bác Hồ kính yêu vào thăm và làm việc tại Đồng Hới, trung tâm tỉnh lỵ Quảng Bình. Thành Đồng Hới rợp cờ, hoa và biển người đón Bác, lắng nghe từng câu, từng tiếng Bác nói chuyện với hơn 3 vạn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào.
Nhân dân Đồng Hới đang yên bình cùng cả tỉnh, cả miền Bắc phấn khởi, hăng say đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhưng, hết thực dân Pháp lại tiếp đến đế quốc Mỹ xâm lược. Sau “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Nhân dân Đồng Hới cùng với cả tỉnh, cả nước quyết tâm bảo vệ quê hương, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngay những ngày đầu chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, quân dân Đồng Hới với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đã bắn cháy một máy bay AD6 của giặc Mỹ rơi ngay trong thành.
Trong những năm giặc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đồng Hới, Thành cổ là một trong những mục tiêu chúng tập trung đánh phá hủy diệt. Ba cổng thành xây uốn kiểu tam quan, ba chiếc cầu bằng gạch xây cuốn vòm xinh xắn và cả đoạn thành phía Đông đều bị giặc Mỹ đánh phá tan tành, nửa thành còn lại ở phía Bắc và phía Tây bị đánh rạn nứt, sụt lún, đổ vỡ thành 15 đoạn và nhiều đoạn còn nham nhở vết bom đạn.
Dù nhà cửa, đường phố…, thành cổ bị đổ nát, quân dân Đồng Hới vẫn bám trụ anh dũng, kiên cường với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ vững sản xuất vừa làm tròn nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường. Mỗi phường xã là một pháo đài đánh Mỹ.
Thành Đồng Hới có những khi trở thành trận địa, công sự phòng không hay điểm tập kết cho những đoàn quân, những chuyến xe ra tiền tuyến, nhất là trong chiến dịch vận tải VT5.
Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, Đồng Hới từng ngày đổi mới, đàng hoàng, tươi đẹp, mạnh mẽ chuyển mình với tầm vóc của một thành phố đô thị ngày càng giàu đẹp văn minh. Những nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc quê hương Đồng Hới vẫn long lanh bên dòng Nhật Lệ. Những công trình mới mang tầm thời đại đã và đang mọc lên vẫn không làm mất đi vẻ cổ kính của thành Đồng Hới.
Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật thành Đồng Hới được bảo tồn, tôn tạo xứng đáng là một di tích quốc gia tọa lạc giữa lòng thành phố Hoa Hồng.
Nay mai, khi dự án bảo tồn, tôn tạo di tích hoàn thành viên mãn, mỗi lần đến với Đồng Hới, du khách sẽ ung dung, thoải mái dạo bước dưới bóng những hàng cây, thảm cỏ xanh tươi bao quanh thành cổ và dưới những ánh đèn màu lung linh huyền ảo lấp lánh hào thành đầy nước mát trong. Du khách chắc sẽ khó quên được cảm giác vừa lâng lâng với những hương sắc của thành phố đổi mới bên dòng Nhật Lệ, vừa lắng đọng thấm sâu với bao dòng chảy lịch sử bi hùng trên mãnh đất Đồng Hới, Quảng Bình của biết bao thế hệ đã đi qua.
Thành Đồng Hới bao bọc bên trong là các cơ quan quan trọng của tỉnh. Đặc biệt ngày nay với việc xây dựng quảng trường Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình. Với công viên rộng là điểm để du khách đến checkin và được nghe giới thiệu. Ngoài ra bảo tàng Quảng Bình cũng là điểm đến cho du khách nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của Quảng Bình.
Đến du lịch Quảng Bình bạn đừng quên trải nghiệm đi bộ thành đồng Hới và đến bảo tàng Quảng Bình, Quảng trường Hồ chí Minh.
Comments