Thúc đẩy phát triển kinh doanh lữ hành tại Quảng Bình

quangbinhtravel

13:36 - 16.09.2024

Xu hướng du lịch ngày càng tăng do con người ngày càng có điều kiện và nhu cầu để khám phá và thưởng ngoạn sự khác biệt về tài nguyên, văn hóa… của một nơi cư trú khác. Tuy nhiên, rất ít người có thể tự tổ chức cho mình chuyến đi như mong đợi. Thử hình dung xem, bạn sẽ loay hoay thế nào để tự chuẩn bị cho mình một chuyến tham quan? Nào là phương tiện, nào là nơi ăn nghỉ, nào là nơi vui chơi, mua sắm, nào là thời tiết và trang phục phù hợp, nào là an ninh, nào là tập quán địa phương, nào là ngôn ngữ … Có khi, thu xếp xong những thứ đó thì bạn đã không còn thời gian và hứng thú để lên đường nữa. Vậy, hãy gọi đến một doanh nghiệp lữ hành và để mặc họ thu xếp. Bạn chỉ việc xếp vali và đợi người ta đến đón lên đường.

Khách Quốc tế ấn tượng các điểm tham quan tại Quảng Bình

Kinh doanh lữ hành là một phần quan trọng trong hoạt động du lịch Quảng Bình

Theo định nghĩa của Luật Du lịch Việt Nam thì kinh doanh lữ hành “là việc xây dựng, bán, tổ chức thực hiện các chương trình du lịch nhằm mục đích sinh lợi”. Các doanh nghiệp lữ hành một mặt giúp du khách cảm nhận sản phẩm trước khi họ quyết định mua và thực sự tiêu dùng nó thông qua các hình thức marketing của doanh nghiệp, giúp du khách tiết kiệm tài chính do được mua sản phẩm giá ưu đãi, thường thấp hơn giá công bố của các nhà cung cấp dịch vụ 10-20%. Mặt khác, giúp các nhà cung ứng sản phẩm du lịch quảng bá sản phẩm, chủ động lập kế hoạch và giảm bớt rủi ro. Đối với các doanh nghiệp dịch vụ khác, doanh nghiệp lữ hành thúc đẩy phát triển và giúp định hướng chiến lược xây dựng và phân phối sản phẩm dựa trên nhu cầu của du khách: vận tải, sản xuất và chế biến thực phẩm, dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, giải trí và các dịch vụ tài chính … Đối với địa phương, doanh nghiệp lữ hành giúp người dân tìm thấy và nắm bắt cơ hội kinh doanh trên cơ sở sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực sẵn có, giúp họ ý thức hơn trong bảo tồn văn hóa truyền thống bản địa. Điều quan trọng là chính nhờ doanh nghiệp lữ hành, các địa phương phát triển sản xuất, gia tăng mức tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập, thu hút sự quan tâm của bên ngoài, làm tiền đề cho phát triển.

sondoong
Hang Sơn Đoòng

Đất nước Newzealand (NZ) với khoảng 4,5 triệu dân luôn tự hào về vẻ đẹp của núi non hùng vĩ, vẻ đẹp hoang sơ của thảo nguyên mênh mông cùng đàn cừu chừng 50 triệu con, đàn bò 5 triệu con và đàn hươu 1,7 triệu con… Gần đây, mỗi năm các doanh nghiệp lữ hành đưa khoảng hơn 2,5 triệu lượt khách quốc tế đến NZ, chưa kể hàng chục triệu du khách nội địa. Với sự hỗ trợ của doanh nghiệp lữ hành, những người nông dân vừa trình diễn kỹ thuật vừa thuyết minh và giới thiệu sản phẩm cuối cùng cho khách, để rồi khách hào hứng mua hàng và hồ hởi trả tiền. Theo thống kê, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trực tiếp tạo việc làm toàn thời gian cho 6% dân số trong độ tuổi lao động và đem về 7,3 tỷ đô la NZ, tương đương 3,7% GDP cả nước. Bên cạnh đó, có khoảng 5% GDP được tạo ra từ các doanh nghiệp phục vụ du lịch gián tiếp.

Đất nước láng giềng Thái lan chúng ta có hơn 64 triệu dân và thủ đô Băng Cốc được biết đến như là thành phố được tham quan nhiều nhất thế giới. Năm 2013, có hơn 27 triệu lượt khách quốc tế đến đất nước này, đem lại một khoản thu đáng nể. Thống kê du lịch Thái lan năm 2007 cho thấy, hệ số lưu trú bình quân của một du khách là 9,1 ngày đêm, đem lại 547,782 triệu bạt. Trong đó không thể bỏ qua vai trò của các doanh nghiệp lữ hành.

Là một huyện đảo bốn bề là biển với diện tích gần 600 km² và chỉ khoảng 100.000 dân, Phú Quốc xác định lấy du lịch làm ngành kinh tế chủ đạo và ra sức thúc đẩy phát triển du lịch. Từ 6 doanh nghiệp lữ hành năm 2010 đến năm 2013 Phú Quốc có 36 doanh nghiệp và chi nhánh lữ hành hoạt động trên địa bàn, trong đó có 2 chi nhánh lữ hành quốc tế làm cầu nối đưa gần 400 ngàn lượt khách trong đó có hơn 35% khách nước ngoài đến tham quan nghỉ dưỡng và mua sắm, đem về cho huyện đảo hơn nghìn tỷ đồng.

Quảng Bình cần có chiến lược ưu tiên phát triển doanh nghiệp lữ hành

Nằm ở vị trí địa lý tự nhiên và địa hình đa dạng với đủ loại núi, rừng, đồi, đồng bằng, ven biển và hải đảo cùng các cảnh quan tuyệt đẹp nổi tiếng, Quảng Bình được đánh giá có tiềm năng lớn về du lịch. Đặc biệt khi các hang động được xếp hạng nhất nhì thế giới liên tiếp được khám phá trong những năm gần đây, lượng du khách đến Quảng Bình không ngừng tăng lên, từ hơn 500 ngàn lượt năm 2005 đến hơn 1 triệu lượt năm 2013. Doanh thu du lịch năm 2005 khoảng 163,3 tỷ đến năm 2013 tăng lên nghìn tỷ. Con số này xem ra còn quá  khiêm tốn so với tiềm năng. Đành rằng, mọi hàng hóa đều vận động theo quy luật cung cầu. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính là thiếu vắng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lữ hành. Năm 2010, Quảng Bình có 13 doanh nghiệp lữ hành và đến cuối 2013 có 17 doanh nghiệp. Trong số này, có 3 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và có doanh nghiệp chuyên phục vụ dòng khách du lịch mạo hiểm, khám phá hang động. Đa số các doanh nghiệp lữ hành còn lại ở quy mô nhỏ, năng lực phục vụ chưa thể hiện nhiều. Đa phần du khách đến Quảng Bình là thông qua các doanh nghiệp lữ hành ở Huế, Đà Nẵng, mà các doanh nghiệp này thường đưa khách ra đi ngay trong ngày theo tour tuyến định sẵn của họ. Điều này lý giải vì sao suốt gần 10 năm nay, trung bình hệ số lưu trú của du khách chỉ loanh quanh xấp xỉ một ngày đêm. Đến nỗi một chuyên gia du lịch quốc tế đã thốt lên: “Du khách đến đây chỉ vừa kịp xả rác chứ chưa kịp tiêu tiền”.

Hầu hết những ai trở về từ các chuyến tham quan đến các nước trong khu vực hay xa hơn đều phải thừa nhận một điều, về tài nguyên thiên nhiên, không thể so sánh với Quảng Bình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành của họ đã khéo léo liên kết với các doanh nghiệp dịch vụ khác để lập ra lộ trình hợp lý. Thêm vào đó, sự phục vụ và ứng xử chuyên nghiệp của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đã làm cho chuyến đi của họ được mãn nguyện. Ở nhiều nơi, hướng dẫn viên du lịch được đào tạo đạt đến trình độ chuyên nghiệp cao với kiến thức sâu rộng và đa ngành. Chính họ đã tạo cho du khách cảm giác thích thú trọn vẹn về điểm tham quan, sự an tâm về mỗi sản phẩm, kéo dài thêm mỗi điểm đến và cứ thế, khách hoan hỉ dốc hầu bao để chi tiêu, mua sắm.

Cần kết nối hơn nữa giữa doanh nghiệp lữ hành với doanh nghiệp dịch vụ  

Quảng Bình có nhiều làng nghề truyền thống được công nhận như làng chằm nón Mỹ Trạch, làng bánh tráng ở Ba Đồn, HTX khoai gieo Hải Ninh; HTX rượu Tuy Lộc; rượu Võ Xá; HTX mây tre đan; HTX chế biến và kinh doanh thủy hải sản, các trang trại thiết kế theo mô hình VAC/VACR khắp nơi trong tỉnh, và hơn thế. Tuy nhiên, sản phẩm của họ mới chỉ phục vụ tại chỗ hoặc loanh quanh gần đó cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương. Một số khác được trưng bày và bán tại các điểm đầu mối du lịch nhưng số lượng và chủng loại không nhiều. Điều đáng nói là các làng nghề hay HTX hay trang trại hoàn toàn có thể hình thành những điểm du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Có gì thích thú bằng được tận mắt thấy ngay giữa làng quê một quy trình ủ nấu rượu, được ngồi nhìn những giọt rượu nóng hổi chảy ra từ nồi hơi trong lúc nhấm nháp mấy hạt lạc rang bùi ngậy hay sợi khô mực ngọt thơm chấm mắm ớt cay xè, cuối cùng chiêu thêm ly rượu chưa kịp nguội? Chắc chắn bạn không cưỡng lại được việc mua luôn một lô một lốc để mang về tặng lại bạn bè và hân hoan chia sẻ cảm giác thú vị mà bạn đã trải qua tại lò nấu rượu. Cũng có khi, tự tay may lấy vài đường kim trên chiếc nón, tự tay múc đổ bột lên khuôn vải và loay hoay để lấy ra chiếc bánh ướt khỏi khuôn cũng đưa đến cho bạn một niềm vui thích khó tả. Hay đôi khi, cảm giác được cầm cuốc ra vườn dỡ khoai, bưng rá ra vườn hái rau và lui cui cùng nhau nấu nướng bày biện một bữa ăn dân dã giữa sân vườn của một trang trại nào đó giữa chuyến đi sẽ làm bạn nhớ đời. Nếu có dịp được cắt tầng mật ong để quay mật, chắc bạn khó lòng bỏ lại chai mật vừa quay được, mà bạn sẽ mua về để “báo công” với những người thân về một chuyến đi.

Làm gì để tạo ra sự kết nối hiệu quả cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành

Rõ ràng, không ai phủ nhận đóng góp của ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Muốn phát triển du lịch cần thúc đẩy doanh nghiệp lữ hành kinh doanh hiệu quả, qua đó làm gia tăng hệ số lưu trú qua đêm, tăng chi tiêu trong du lịch, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho cộng đồng.

Trước hết, các doanh nghiệp lữ hành nên tự xây dựng củng cố năng lực thông qua kế hoạch kinh doanh cụ thể và chi tiết, đảm bảo đủ các nguồn lực cơ bản:  nhân lực, vật lực, trí lực, tài lực. Ngoài ra, các các doanh nghiệp lữ hành nên tăng cường liên kết hỗ trợ nhau theo mô hình hàng ngang, cùng thống nhất một số điều khoản chung trong quy định phục vụ du khách và có thể trao đổi nguồn lực khi cần thiết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành cần hướng dẫn, hỗ  trợ một số làng nghề, HTX, trang trại cách thức tổ chức để có thể đón tiếp du khách tại chỗ. Doanh nghiệp lữ hành nên giúp họ giới thiệu quảng bá các làng nghề cho du khách tiềm năng và hình thành điểm đến, sao cho du khách có thể trải nghiệm một cách vui thích một vài nét sinh sống của người bản địa, đồng thời giúp sản phẩm của làng nghề đến tận tay du khách và qua đó lan tỏa xa hơn. Nếu việc này được diễn ra thì hệ số lưu trú của du khách chắc chắn sẽ không giẫm chân loanh quanh con số 1 như bấy lâu nay.

Chính quyền, các cơ quản lý du lịch cần tạo điều kiện, có cơ chế thuận lợi và tạo hành lang pháp lý thông thoáng để thúc đẩy doanh nghiệp lữ hành và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch khác trong địa phương. Các cơ quan, đơn vị liên quan nên hỗ trợ doanh nghiệp về nghiệp vụ, về thông tin và cơ hội giao lưu quảng bá với bên ngoài. Các hội nghị mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức cuối năm 2013 để đối thoại giữa quản lý nhà nước với các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch cần được tiếp tục tổ chức.

Bên thềm năm mới, hy vọng cùng với những đóng góp sôi động của các doanh nghiệp lữ hành địa phương, du lịch Quảng Bình sẽ xứng danh là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

   Lê Thế Lực                                                                                                                        

Bài viết liên quan

quangbinhtravel

14:02 - 16.09.2024

TOP 12 địa điểm du lịch Quảng Trị nên đến nhất

Khi nhắc đến du lịch Quảng Trị, đa số chúng ta đều nghĩ đến mãnh đất gắn liền với bom đạn, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng oanh liệt kiên trung. Ngày nay, ngoài lịch sử đấu tranh oanh liệt, Quảng Trị còn có nhiều điểm tham quan du lịch văn hóa, sinh thái, […]
quangbinhtravel

13:50 - 16.09.2024

Một số hình ảnh Phong Nha Kẻ Bàng đẹp

Phong Nha Kẻ Bàng được đánh giá là điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách trên các tạp chí du lịch lớn của thế giới. Đến Du lịch Quảng Bình chưa đặt chân đến Phong Nha Kẻ Bàng, chưa được nghe giới thiệu về Phong Nha Kẻ Bàng có thể nói rằng bạn […]
quangbinhtravel

13:41 - 16.09.2024

Chép chép biển – Món ngon của Quảng Bình

Quảng Bình không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh biển đẹp mà còn có nguồn hải sản vô cùng phong phú, được chế biến thành nhiều đặc sản hấp dẫn. Bên cạnh những hải sản thông thường với cá, tôm, cua, mực,… thì còn có những loại hải sản nghe tên rất lạ như […]
quangbinhtravel

13:44 - 16.09.2024

Động Phong Nha – Điểm đến du lịch hấp dẫn

Động Phong Nha là hang động thuộc vùng núi đá vôi vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Là điểm đến hấp dẫn và nổi tiếng của Du lịch Quảng Bình. Động được đưa vào hoạt động du lịch từ năm 1991. Du khách sau khi ngược dòng sông Son đến thăm quan Động […]