Trận chiến thắng Phù Trịch-La Hà


Di tích lịch sử Trận chiến thắng Phù Trịch-La Hà nằm ở cuối thôn Phù Trịch, thuộc xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn. Di tích ghi dấu chiến thắng của quân và dân ta trong trận chống càn ngày 27-2-1950, tiêu biểu là Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57 và Bộ đội địa phương 365 cùng dân quân, du kích  các xã vùng Nam Quảng Trạch, đặc biệt là gương hi sinh anh dũng, chiến đấu cảm tử đến người cuối cùng của Tiểu đội 15 thuộc Trung đội 21, Đại đội 54, Trung đoàn 57 cầm chân địch để bộ đội ta rút về tuyến sau an toàn.

Quảng Trạch nằm giữa vùng địch hậu, vùng căn cứ du kích và vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh. Nơi đây có số lượng đồng bào theo đạo thiên chúa đông nhất Quảng Bình và đây cũng là nơi mà giặc Pháp đã chốt một  phòng tuyến kiên cố, gồm cả 3 lực lượng: lính com-măng-dô ở Ba Đồn và Tiên Lệ, bọn bảo vệ quân và hàng loạt đồn hương vệ đóng theo tuyến công giáo Đơn Sa, Hướng Phương, Hòa Ninh, Phù Kinh…. và một hệ thống hội tề dày đặc, lực lượng mật vụ, gián điệp khá đông.

Trong chiến dịch Lê Lai, Tiểu đoàn 418 cùng với bộ đội địa phương 365 và dân quân du kích trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã chiến đấu anh dũng, đập tan nhiều hệ thống đồn bốt, hương vệ và liên tục đánh nhiều trận nhằm bao vây uy hiếp các đồn Ba Đồn, Tiên Lệ, Minh Lệ, chặn đánh ca nô địch hoạt động trên sông Gianh.

Xác định hai thôn Phù Trịch, La Hà có vị trí chiến lược trọng yếu, nó như là một hòn đảo án ngữ toàn bộ hướng Đông của vùng Nam Quảng Trạch, giặc Pháp muốn tấn công lên các xã vùng Nam đều phải dùng ca nô từ đồn Thanh Khê theo sông qua hai thôn.

Vì vậy, trước khi diễn ra trận đánh, Tiểu đoàn 418 triển khai cho quân vượt sông sang chiếm lĩnh trận địa. Tại Phù Trịch, Đại đội 54 là đơn vị chủ công đánh mũi chính diện, Trung đội 21 được bố trí sát bờ hói Hác để đánh vỗ mặt địch. Đại đội 60 là lực lượng dự bị nhưng phải sẵn sàng cùng với Đại đội 54 hợp đồng tác chiến đánh địch, khi địch lọt vào ổ phục kích của ta.

Tại Vĩnh Phước, ta bố trí Đại đội 59 đánh chặn viện quân từ Tiên Lệ tới. Lực lượng bố trí là như vậy, nhưng khi có biến động thì tùy tình hình cụ thể để có phương án đánh địch thích hợp. Nếu quân địch đổ bộ vào trận địa bằng đường sông thì chỉ để lại 1 trung đội làm nhiệm vụ chặn quân ứng viện. Lực lượng trinh sát của tiểu đoàn có nhiệm vụ cảnh giới, theo dõi tuyến sông Gianh đề phòng địch chuyển hướng đổ bộ ở bến khác, chủ động diệt địch khi chúng mới lên bờ.

Để trấn an tinh thần quân lính và tái chiếm địa bàn bị mất, tiêu diệt sinh lực của ta, địch mở trận càn lớn lên vùng  Phù Trịch-La Hà và vùng đất “ngã ba sông Gianh” – nơi có địa thế thuận lợi, với hy vọng sau khi chiếm được La Hà-Phú Trịch, quân địch có thế mở cuộc hành quân càn quét cả vùng Nam Quảng Trạch.

Do nắm được kế hoạch của địch, nên ngay từ tối 26-2-1950, các cánh quân của ta triển khai lực lượng chuẩn bị chống càn. Cánh quân ở xóm Nam Minh Lệ được giao nhiệm vụ chặn đánh địch, nếu chúng càn lên nguồn Son, đồng thời chặn quân Pháp từ đồn Minh Lệ về. Cánh quân thứ 2 bố trí về làng Phù Trịch, đào công sự sẵn sàng nghênh chiến giặc khi chúng đổ bộ lên càn theo hướng nguồn Nậy sông Gianh. Hậu quân đang đóng ở các vị trí như Văn Thánh, điện, miếu đầu làng Vĩnh Lộc được lệnh tiến vào làng đợi lệnh.

Tám giờ sáng ngày 27-2-1950, quân địch bắt đầu mở chiến dịch càn quét. Trước khi tiến vào Phù Trịch – La Hà, quân địch đã huy động đại bác, ca nông từ Thanh Khê, Ba Đồn bắn lên các làng để mở đường cho quân đổ bộ. Sau những đợt pháo kích dữ dội, toàn bộ số quân từ đồn Thuận Bài được đưa lên thuyền qua sông, tiến vào đuồi Văn Phú (La Hà).

Mũi từ Thanh Khê với đoàn ca nô lớn nhỏ chở đầy quân lính, súng đạn cũng đổ quân xuống đuồi Văn Phú. Quân địch dàn quân ra cả trên bộ lẫn dưới sông, sau đó xua quân lướt nhanh qua cánh đồng La Hà, phá hàng rào tiến vào xóm Đông (Quảng Văn). Chúng đốt nhà, cướp phá, lùa dân ra làm bia đỡ đạn.

Tám giờ sáng ngày 27-2-1950, quân ta đã bí mật bố trí lực lượng, chủ động tấn công khi ca nô, thuyền của địch chuẩn bị vượt sông sang đuồi Phù Trịch. Do chênh lệch lực lượng, tuy bị quân ta chủ động tấn công nhưng sau khi chấn chỉnh lại lực lượng, địch vẫn lệnh cho ca nô, thuyền tiến vào bờ. Các trung đội xung kích sau nhiều lần đẩy lùi bước tiến của địch, theo mệnh lệnh chiến đấu, 2 Tiểu đội 13 và 18 được lệnh rút lui, tiểu đội 15 ở lại cầm cự giữ trận địa.

Trong khoảnh khắc, toàn bộ chiến sĩ tiểu đội 15 cảm tử, từng người một lần lượt hy sinh. Quân địch tràn lên cánh đồng thôn Phù Trịch nhả đạn và tiến vào làng. Để chống trả sự phản công của bộ đội ta, địch đã chiếm một giếng xây giữa đồng làm công sự (cái giếng nay vẫn còn), đặt đại liên, súng máy khống chế cả một vùng.

Từ Ba Đồn, địch cho 2 thuyền chở đầy quân lính vượt sông, đổ bộ lên làng Phù Trịch đánh tập hậu, chặn đường tiến quân của quân ta. Với ý đồ tiêu diệt toàn bộ quân ta đang được bố trí từ cuối làng đến vùng Tam tòa, Tứ miếu giáp lùm sác đuồi Phù Trịch, địch đã bố trí một lực lượng mạnh để tiêu diệt. Được lệnh, 5 chiến sĩ đi theo đường vòng, có sự yểm trợ hỏa lực của các phân đội, đã tiến đánh điểm chốt, tiêu diệt được tên chỉ huy Pháp. Bí mật, bất ngờ, bộ đội ta thừa thắng xông lên tấn công ồ ạt, tiếng hô xung phong vang lên khắp trận địa, trong làng tiếng trống, tiếng mõ của nhân dân hò reo, thôi thúc quân ta xông lên tiêu diệt hết quân thù.

Quân địch rối loạn đạp lên xác nhau, quay đầu bỏ chạy tán loạn. Chúng phải gọi pháo, ca nông từ Ba Đồn, Thanh Khê, Minh Lệ bắn yểm trợ cho cuộc tháo chạy. Do mắc vào bãi bồi lầy lội, lại bị bộ đội ta dũng mãnh truy kích nên ca nô, thuyền của địch không vào gần bờ được. Chúng nhảy xuống sông, dẫm đạp, giành nhau trèo lên ca nô, lên thuyền, những tên không lên được thuyền, ca nô phải cởi bỏ áo quần nhảy xuống sông bơi sang làng La Hà để thoát thân.

Trận địa im tiếng súng lúc 13 giờ ngày 27-2-1950, quân ta đã tiêu diệt 120 tên địch, bắt sống 10 tù binh,  phá hủy và làm hư hỏng nặng 4 ca nô; số quân lính còn sống sót hoảng loạn tháo chạy về Thanh Khê, bỏ lại hàng trăm súng các loại; ta thu 100 súng đại liên, trung liên, tiểu liên, 300 súng trường, 45 súng ngắn và nhiều quân trang, quân dụng khác. Về phía ta, Trung đoàn 57 có 33 chiến sĩ hy sinh. Đây là một tổn thất lớn đối với Trung đoàn 57 nói riêng, quân và dân Quảng Bình nói chung. Máu các anh đã nhuộm đỏ quê hương.

Các anh đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ vùng  Nam Quảng Trạch. Tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Lộc, 33 liệt sĩ không có tên, trên tấm bia mộ chỉ khắc chung dòng chữ E57 (Trung đoàn 57), ngày hy sinh 27-2-1950. Ba mươi ba chiến sĩ nằm tại nghĩa trang Quảng Lộc đều cùng chung một cái tên “Vô danh” và cùng chung ngày mất. Tất cả 33 chiến sĩ này đều quê ở Hà Tĩnh, Nghệ An. Các anh đã nằm lại trên mảnh đất này đã 65 năm, nhưng đến nay chúng ta cũng chỉ mới tìm được danh xưng của  5 liệt sĩ.

Chiến thắng Phù Trịch-La Hà là trận chống càn có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn, ta đã chủ động đánh bất ngờ và đã tiêu diệt một lực lượng sinh lực quan trọng của địch, phá tan âm mưu mở rộng vùng tạm chiếm và đánh bại ý đồ củng cố lại các phòng tuyến đã bị ta phá nát, cô lập các vị trí đồn bốt của địch.

Vùng giải phóng của ta được mở rộng, vùng du kích phát triển, hệ thống hội tề của ngụy quyền bị giải tán, thay thế vào đó là chính quyền và các tổ chức cách mạng. Quảng Trạch đã thoát khỏi cảnh o ép của giặc, xây dựng được thế trận và phát triển du kích bám sát đồn địch. Từ đây tuyến tiếp tế của Trung ương cho chiến trường Bình-Trị-Thiên được thuận lợi hơn trước.

Chiến thắng Phù Trịch- La Hà là một đột phá lớn, tạo lòng tin vững chắc vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta và tạo tiền đề để tấn công các đồn bốt lớn của địch trên bờ Bắc – Nam sông Gianh, động viên mọi lực lương hăng hái tham gia các chiến dịch đánh địch mới, góp phần cùng quân dân cả nước đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trận chiến thắng Phù Trịch-La Hà không những ghi đậm trang sử truyền thống của Trung đoàn 57, Tiểu đoàn 418 anh hùng, của bộ đội chủ lực, mà còn là niềm tự hào của nhân dân Quảng Bình. Đặc biệt, sự hy sinh cao cả, cảm tử của tiểu đội 15 mãi mãi là truyền thống của Quân đội ta chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Di tích Trận chiến thắng Phù Trịch-La Hà đã đi vào lịch sử thơ ca, là nơi để giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau về sự anh dũng hy sinh, lòng quả cảm, cảm tử cho tổ quốc khi bị ngoại bang xâm lấn, giáo dục truyền thống yêu quê hương, khẳng định chân lí không có gì quý hơn độc lập tự do. Với nội dung lịch sử, giá trị giáo dục truyền thống của di tích, ngày 11 tháng 11 năm 2015, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định số 3213 xếp hạng Trận chiến thắng Phù Trịch-La Hà là di tích cấp tỉnh.

Đây là vinh dự, là niềm tự hào cho lực lượng vũ trang Quảng Bình nói chung, nhân dân hai xã Quảng Văn, Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn) nói riêng. Bến đò Phù Trịch, cửa Hác nay đã được thay thế bằng cây cầu vững chãi (cầu Quảng Hải). Nhưng mỗi lần trở lại nơi đây lòng tôi không khỏi bồi hồi nhớ tới 10 chiến sĩ quả cảm của Tiểu đội 15 năm xưa đã anh dũng hy sinh cho trận chiến cuối cùng qua câu thơ của cố nhà thơ Xuân Hoàng:

“Nắng mênh mông nắng ngập cả bờ sông
Bờ Phù Trịch: mồ chôn đoàn cảm tử”.

Tạ Tiến Hùng
(Ban Quản lý Di tích Quảng Bình)

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour