Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để tạo thương hiệu điểm đến


Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định: “Đưa du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Để thực hiện, trước hết tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt “Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ hiện đại; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch. Đặc biệt là, mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh Tiểu vùng sông Mekong mở rộng để phát triển du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình, sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc riêng, thân thiện với môi trường.

Bài toán cho sản phẩm du lịch đặc thù

Sản phẩm du lịch đặc thù được phát triển dựa trên tính độc đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu, mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo.

Việc phát triển sản phẩm đặc thù mang tính địa phương không chỉ là vấn đề riêng của du lịch tỉnh mà nó là bài toán chung cho các tỉnh miền Trung. Mặc dù các địa phương đã có nhiều chương trình liên kết để phát triển du lịch, nhưng hiện tại du lịch các tỉnh miền Trung vẫn đang trong tình trạng thiếu sản phẩm du lịch đặc thù, song lại thừa những sản phẩm du lịch bị trùng lặp, khiến sức hút du khách đến với miền Trung chưa thực sự mạnh mẽ.

Chính điều đó đặt ra những thách thức không hề nhỏ trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù đại diện cho du lịch Quảng Bình nhưng vẫn bảo đảm được tiêu chí đại diện, tiêu biểu, hấp dẫn, không trùng lặp với các tỉnh, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm du lịch của Quảng Bình vẫn còn đơn điệu và thiếu sự gắn kết giữa các tour, tuyến, điểm du lịch, không gian du lịch của tỉnh chưa gắn kết chặt chẽ trong mối liên kết vùng của không gian du lịch miền Trung. Những tour độc đáo hấp dẫn du khách còn hạn chế, du lịch còn mang tính mùa vụ. Có rất nhiều du khách chỉ ghé qua Quảng Bình rồi đến các điểm du lịch khác, không lưu trú hoặc lưu trú 1 đêm.

Bên cạnh đó dịch vụ giải trí ban đêm cũng chưa có. Một trong những nút thắt khiến du lịch tỉnh chưa thực sự tạo được bứt phá là sự thiếu sự kết nối của các điểm đến. Là một tỉnh có hệ thống di tích lịch sử cách mạng và danh thắng nổi tiếng và độc đáo. Tuy nhiên chưa có sự phối hợp tốt giữa Ban quản lý các khu di tích này với các công ty lữ hành.

Vì vậy nhiều di tích chưa được đưa vào thành tuyến, điểm tham quan thường xuyên của các tour du lịch. Thêm nữa Quảng Bình có nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm phong phú và đa dạng… tuy nhiên vẫn chưa được đầu tư sâu, chưa có một sản phẩm truyền thống làm quà tặng cho du khách, người làng nghề chưa nhận thức được hiệu quả từ du lịch đem lại, cùng với những khó khăn về cơ sở hạ tầng; giao thông vì thế nên sự đầu tư của làng nghề về việc phát triển du lịch chưa có, hầu như chưa liên kết giữa các công ty lữ hành.

Vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh chưa được phát huy đầy đủ với tư cách là chủ thể có trách nhiệm đầu mối phối hợp với chủ thể quản lý nhà nước và cộng đồng địa phương để liên kết các khu, điểm du lịch mà trực tiếp là các doanh nghiệp du lịch để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của điểm đến Quảng Bình.

Hướng đi mới để phát triển sản phẩm du lịch

Thời gian qua, du lịch Quảng Bình vẫn chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh để lựa chọn được sản phẩm du lịch thật sự nổi bật nhằm thu hút du khách. Năm 2015 du lịch Quảng Bình xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung nghiên cứu, từng bước hình thành sản phẩm du lịch đặc thù mang tính địa phương nhưng phải bảo đảm tính nổi bật nhất để tạo ra sự khác biệt, hấp dẫn du khách tham quan.

Để làm được điều đó, trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cần nghiên cứu đối tượng khách du lịch, những nhu cầu của du khách khi đi du lịch họ mong muốn điều gì? Nếu chỉ đơn thuần tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù mà quên mất yếu tố bổ sung các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách thì sẽ khó có thể hấp dẫn du khách, khó kéo dài thời gian lưu trú của họ đặc biệt là khó lôi kéo du khách trở lại những lần sau, như vậy sẽ làm giảm đi tính hấp dẫn của du lịch địa phương, điều đó đồng nghĩa với việc sản phẩm du lịch đặc thù không mang lại ý nghĩa cho sự phát triển du lịch của tỉnh.

Quảng Bình nên đa dạng hóa, khác biệt hóa, phù hợp với xu hướng chuyển từ du lịch thụ hưởng sang du lịch chủ động và đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm, tận hưởng của khách du lịch, phù hợp với từng thị trường, trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng: du lịch sinh thái, khám phá hang động, di sản văn hóa và lễ hội; tôn giáo và tâm linh; biển; ẩm thực; thiên nhiên, làng nghề, các khu bảo tồn…

Quá trình phát triển sản phẩm phải gắn với quá trình nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ, các điểm tham quan du lịch, với xúc tiến, quảng bá, marketing và phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý và hướng dẫn đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thông qua việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thẩm định các dự án của các cơ quan quản lý, tư vấn du lịch.

Ngoài ra, cũng cần coi trọng việc gắn kết sản phẩm du lịch với người dân để sản phẩm đó mang nét văn hóa đặc trưng của địa phương, sản phẩm đó cũng cần bảo đảm được yếu tố liên kết với các địa phương trong khu vực miền Trung và trong quá trình nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù ngoài việc kết hợp khai thác loại hình di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên thì việc gia tăng số lượng, loại hình dịch vụ trong cùng một sản phẩm du lịch cũng là một trong những yếu tố then chốt để làm nên sản phẩm mang đặc trưng của tỉnh trong thời kỳ mới, để hình thành được sản phẩm du lịch đặc thù thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng, các doanh nghiệp.

Xây dựng sản phẩm du lịch một cách tuần tự, bảo đảm tính nguyên sơ, thân thiện và đặc thù sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút du khách tạo đà cho du lịch phát triển một cách bền vững.

Hy vọng với những nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong toàn tỉnh, đặc biệt là những người làm công tác du lịch, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù của Quảng Bình trong thời gian tới sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi tới du khách trong và ngoài nước. Sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh sẽ tạo ra điểm nhấn thu hút khách, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, từng bước thay đổi diện mạo của du lịch và sẽ trở thành một thương hiệu mạnh không chỉ của du lịch Quảng Bình mà của cả du lịch Việt Nam.

Theo Báo Quảng Bình

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour